26/12/2024

Ngày trở về của phi công Su-30 ​Nguyễn Hữu Cường

Sau nhiều giờ trôi dạt trên biển, phi công Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi) được một tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh phát hiện sáng 15-6.

 

Ngày trở về của phi công Su-30 ​Nguyễn Hữu Cường

 

Sau nhiều giờ trôi dạt trên biển, phi công Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi) được một tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh phát hiện sáng 15-6.

 

 

 

 

Ngày trở về của phi công Su-30 ​Nguyễn Hữu Cường
Phi công Nguyễn Hữu Cường (giữa) trở về an toàn trong vòng tay đồng đội – Ảnh: Hồ Văn

 

 

Đón anh Cường tại cầu cảng hải đội 2 Bộ đội biên phòng Nghệ An chiều 15-6, người thân, đồng đội của anh Cường rất mừng khi thấy anh bình an trở về.

Tàu ngư dân cứu sống phi công

13g ngày 15-6, tàu biên phòng BP 34-98-01 của Bộ đội biên phòng Nghệ An đưa phi công Nguyễn Hữu Cường cập cảng hải đội 2. Giữa trời nắng như đổ lửa, người thân và đồng đội anh Cường dõi mắt theo con tàu từ từ rẽ sóng vào cảng.

Sau nhiều giờ mất tích, phải ngâm mình giữa nước biển nhưng nhiều người vẫn nhận ra bóng dáng của phi công Cường bước đi bên đồng đội. Mọi người đều rất hạnh phúc khi thấy phi công Cường vẫn đủ sức khoẻ, được đồng đội đưa từ tàu vào bờ an toàn mà không phải lên xe cứu thương.

Phi công Cường vốn là người điềm đạm, ít nói, nên khi gặp lại người thân anh chỉ biết ôm chầm lấy mọi người và nói: “Tôi vẫn ổn, chỉ bị xây xát nhẹ thôi”.

Sau phút vui mừng khi gặp gia đình và đồng đội, phi công Cường chùng giọng: “Dù may mắn được cứu sống nhưng tôi vẫn rất buồn và lo lắng khi đồng đội tôi là anh Khải vẫn chưa biết ở đâu giữa mênh mông biển nước”.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, anh ruột phi công Cường, cho biết khoảng 7g50 sáng 14-6, gia đình nhận được tin báo Cường mất tích trên vùng biển Nghệ An.

“Đơn vị chỉ thông báo Cường mất tích cùng một đồng đội và động viên gia đình yên tâm, bởi các lực lượng đang huy động tổng lực để tìm kiếm các phi công và máy bay. Lúc đó cả gia đình, họ hàng tôi đều như ngồi trên đống lửa” – ông Mạnh kể.

Ngay sau đó, ông Mạnh cùng hai người thân tức tốc bắt xe đò từ Bắc Giang vào Nghệ An chờ đợi thông tin về anh Cường.

Từng giờ trôi qua, gia đình ông Mạnh nặng trĩu âu lo và luôn ngóng ra phía biển. Trưa 15-6, chị Yến, vợ phi công Cường, nhận được cuộc điện thoại từ tàu cá của ông Phạm Văn Lệ – tàu cá đã phát hiện và cứu phi công Cường.

Cuộc điện thoại ngắn ngủi, đôi lúc bị ngắt quãng nhưng chị Yến vẫn nhận ra đầu máy bên kia là giọng nói trầm ấm quen thuộc của chồng mình.

“Khi nghe anh ấy nói vẫn khỏe thì tôi như người chết đi sống lại, giờ tôi chỉ mong anh ấy sớm về đến quê nhà” – chị Yến tâm sự.

Ngày trở về của phi công Su-30 ​Nguyễn Hữu Cường
Phi công Nguyễn Hữu Cường vẫy tay chào mọi người tại cầu cảng hải đội 2 Bộ đội biên phòng Nghệ An chiều 15-6 – Ảnh: Doãn Hoà

Nhìn thấy đồng đội 
khi rơi xuống biển

Phi công Cường từng được phân công nhiệm vụ ở nhiều đơn vị khác nhau như Yên Bái (trung đoàn 931), Nội Bài (trung đoàn 921), Kép (trung đoàn 927) và hiện nay thuộc quân số của trung đoàn 923, sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hoá).

Năm 2013, anh Cường được cử vào Biên Hòa học lái chuyển loại lên dòng máy bay mới Su-30MK2.

Trước khi lên tàu hải quân vào đến đất liền, phi công Cường đã có cuộc trò chuyện ngắn qua điện thoại với Tuổi Trẻ từ tàu cá của ông Phạm Văn Lệ.

Thiếu tá Cường cho biết sáng 14-6, anh cùng phi công Trần Quang Khải (43 tuổi) thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện từ sân bay Sao Vàng trên máy bay tiêm kích Su-30MK2 đến khu vực đảo Mắt (Nghệ An) thì bất ngờ gặp sự cố.

Thời điểm đó, anh Cường nghe thấy tiếng nổ trong buồng lái. Dù là tiếng nổ nhỏ nhưng xác định đó là tình huống khẩn cấp, các phi công đã bấm nút bung dù nhảy khỏi máy bay.

“Chúng tôi bung dù để thoát khỏi máy bay, lúc đó tôi nhìn thấy anh Khải nhảy ra trước tôi cách chừng vài phút” – anh Cường nói. Anh Cường bung dù bay cách đồng đội Khải khoảng 3km. Khi rơi xuống biển, cả hai cách nhau khoảng 6km.

Lúc rơi xuống biển, phi công Cường kịp bám lấy chiếc thuyền phao được trang bị sẵn và chờ đợi có tàu qua lại tới cứu.

Ông Phạm Văn Lệ kể: “Gần 4g sáng 15-6, khi thuyền chúng tôi đang đánh bắt hải sản ở khu vực tọa độ 19 độ 14 phút vĩ Bắc và 106 độ 28 phút kinh Đông thì nghe tiếng kêu rất nhỏ “thuyền ơi, thuyền ơi”.

Tôi liền lấy đèn pin rọi vào nơi tiếng kêu cứu, thấy một bóng đen và sau đó có một tia sáng loé lên. Tiếp đó chúng tôi nghe tiếng kêu “cứu với, cứu với”.

Anh em chúng tôi liền buông lưới, thả dây neo ra chạy tới vớt anh ấy lên. Khi kéo anh ấy lên thuyền mới biết anh ấy là phi công. Lúc ấy anh Cường rất mệt, chúng tôi chăm sóc, cho anh ấy ăn uống…”.

Huy động tổng lực tìm kiếm phi công còn lại

Chiều 15-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Viết Hồng – phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, trưởng ban tìm kiếm cứu nạn máy bay Su-30MK2 – cho biết đang phối hợp cùng Bộ Quốc phòng chỉ đạo dồn toàn lực tìm kiếm phi công còn lại trên chiếc Su-30MK2 mất tích là thượng tá Trần Quang Khải.

Tại cuộc họp tìm kiếm, cứu nạn, ông Hồng đề nghị 5 địa phương ven biển Nghệ An gồm thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai mỗi địa phương cử 10 tàu cá đồng loạt ra biển tìm kiếm.

Trên mỗi tàu cá, ngoài ngư dân còn có một cán bộ biên phòng, một chiến sĩ bộ đội. Các tàu cá được chia làm ba khu vực, dàn hàng ngang tìm kiếm trên diện tích biển từ Thanh Hoá vào đến Hà Tĩnh.

Đến 22g hôm qua, thượng tướng Võ Văn Tuấn – phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam – xác nhận với Tuổi Trẻ vẫn chưa tìm được phi công Trần Quang Khải. Tướng Tuấn cho biết tất cả nỗ lực tìm kiếm thượng tá Khải vẫn tiếp tục ở mức cao nhất.

DOÃN HÒA – HỒ VĂN