26/12/2024

Góc khuất của đế chế đánh thuê G4S

Những góc khuất của công ty lính đánh thuê G4S bị phanh phui sau vụ thảm sát chấn động nước Mỹ tại Orlando do một nhân viên của hãng này gây ra.

Góc khuất của đế chế đánh thuê G4S

Những góc khuất của công ty lính đánh thuê G4S bị phanh phui sau vụ thảm sát chấn động nước Mỹ tại Orlando do một nhân viên của hãng này gây ra.




Nhân viên công ty lính đánh thuê G4S /// G4S

 

Nhân viên công ty lính đánh thuê G4SG4S


Những bất ổn trong thế giới hiện nay chính là động lực cho sự trỗi dậy của các công ty lính đánh thuê trên toàn cầu. Tên tuổi khét tiếng nhất trong giới là Blackwater từng hứng chỉ trích dữ dội vì đã “hành xử trên cả luật pháp” trong khi thực hiện hợp đồng bảo vệ an ninh cho các cơ quan Mỹ tại Iraq. Và với vụ thảm sát mới đây tại Orlando (bang Florida), một cái tên khác vừa lộ diện: G4S – công ty từng tuyển mộ Omar Mateen, kẻ sát nhân máu lạnh đã giết chết 49 người, làm bị thương 53 người khác.
Vết nhơ lịch sử
Trước ngày 12.6, hiếm người nào từng nghe đến cái tên G4S, công ty Anh cung cấp dịch vụ an ninh lớn nhất thế giới hiện nay, theo Reuters, với số nhân sự hơn 610.000 người (đa số là cựu quân nhân) tại 110 nước, có cả những vùng xung đột như Iraq và Afghanistan.
Hung thủ trong vụ thảm sát Orlando, Omar Mateen, chính là nhân viên suốt gần 9 năm qua tại hãng này. Chỉ tính riêng tại Mỹ, lính đánh thuê của G4S tỏa ra đứng gác tại các sân bay, công ty cung cấp điện nước, những cơ sở hạt nhân, giao thông và di trú, thậm chí trong trường hợp của Mateen là bảo vệ an ninh cho một khu dưỡng lão.
Kể từ năm 2008, G4S Secure Solutions, chi nhánh tại Mỹ của G4S, đã nhận được gần 830 triệu USD từ các hợp đồng ký kết với chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương, bao gồm Bộ An ninh nội địa, theo cơ sở dữ liệu SmartProcure. Những khách hàng tư nhân nổi tiếng của hãng có thể kể đến Google và Tập đoàn ngân hàng – tài chính J.P.Morgan Chase.
Một ngày sau sự kiện thảm sát tại hộp đêm Pulse dành cho người đồng tính ở TP.Orlando, bang Florida, cổ phiếu của G4S nhanh chóng bị thổi bay gần 200 triệu bảng Anh (khoảng 282,80 triệu USD) vào thời điểm Sở Giao dịch chứng khoán London đóng cửa thị trường.
Omar Mateen có lẽ là vết nhơ tồi tệ nhất trong lịch sử tuyển mộ nhân viên của G4S, nhưng đó không phải là lần đầu tiên công ty này dính tai tiếng. Vào năm 2009, cựu lính nhảy dù Danny Fitzsimons, thuộc chi nhánh Armour Group của G4S, đã bị kết tội giết hại 2 đồng nghiệp và lãnh án tù chung thân.
Theo thông tin từ Tổ chức phi chính phủ Reprieve (trụ sở tại Anh), bị cáo Fitzsimons được nhận vào công ty lính đánh thuê Armour Group bất chấp giấy xác nhận đối tượng mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) vào tháng 5.2008, cùng thời điểm G4S thu mua Armour Group. Theo lời bác sĩ, người này đã lâm vào tình trạng trên sau khi đối mặt nhiều sự kiện kinh hoàng trong lúc tham chiến tại Kosovo, Afghanistan và Iraq.
Khoảng 36 giờ sau khi đến Baghdad dưới vai trò lính đánh thuê cách đây 7 năm, Fitzsimons đã giết chết 2 đồng nghiệp Paul McGuigan và Darren Hoare do tranh cãi trong lúc say rượu. Một cuộc điều tra do BBC thực hiện vào năm 2012 đã phanh phui các thư điện tử do G4S gửi đến chi nhánh Armour Group, cảnh báo rằng không nên thuê Fitzsimons. Một nguồn tin giấu tên cũng tiết lộ những lần phạm tội trước đó của bị cáo, như tấn công người khác, và rằng đây là người có vấn đề về tâm lý. Trước đó, Fitzsimons đã bị cho giải ngũ khỏi quân đội vì bị phát hiện sử dụng ma tuý và chất gây nghiện.
Góc khuất của đế chế đánh thuê G4S

Tắc trách ở khâu tuyển mộ
Vào năm 2015, cựu Giám đốc điều hành G4S, ông David Taylor Smith thừa nhận khâu thuê mướn nhân sự có vấn đề nghiêm trọng. Ông này buộc phải từ chức theo sau thất bại trong việc cung cấp an ninh cho sự kiện Olympic London năm 2012.
Khi tiến hành điều tra nội bộ, kết quả cho thấy vụ liên quan đến Fitzsimons không phải là trường hợp riêng lẻ. Theo đó, có 304 trong số 527 hồ sơ tuyển dụng bị điều tra không đạt những tiêu chuẩn cơ bản, trong khi đến 44% số trường hợp không được kiểm tra hồ sơ tội phạm. Vào năm 2012, Ban Giám đốc G4S bị đẩy vào tình thế bẽ mặt vì không thể cung cấp đủ 10.400 nhân viên an ninh khi chỉ còn 2 tuần là diễn ra sự kiện Olympic. Lời thú nhận này đã quét sạch 1 tỉ USD giá trị thị trường của hãng và chính phủ Anh buộc phải gấp rút thực hiện chế độ quân dịch để tuyển mộ hàng ngàn tân binh cho công tác bảo vệ an ninh thế vận hội.
Trong khi sự kiện Olympic đánh dấu thất bại lớn nhất trong hoạt động của G4S, tờ The Wall Street Journal cũng liệt kê những sai lầm khác của hãng.
Vào năm 2010, công ty này bị hủy hợp đồng liên quan đến việc trục xuất dân nhập cư bất hợp pháp sau khi một người Angola thiệt mạng trong lúc bị 3 lính gác G4S khống chế. Đến năm 2011, G4S sa thải 2 nhân viên vì đã gắn thẻ theo dõi E-tag lên chân giả của một người bị quản chế tại Anh, cho phép người này thoát khỏi tầm kiểm soát bằng việc… tháo chân giả.
Sau đó 2 năm, G4S và đối thủ Serco Group PLC đã bị chính phủ Anh cấm tham gia đấu thầu trong vòng 6 tháng vì bị phát hiện thu phí “cắt cổ” đối với dịch vụ gắn thẻ theo dõi tội phạm. G4S đã đồng ý trả lại chính quyền London 181 triệu USD với hy vọng có thể duy trì quan hệ với giới lãnh đạo nước này.
Bất chấp thực tế G4S bị tổn thất tài chính lớn sau vụ Orlando, một số nhà phân tích tài chính bác bỏ ảnh hưởng về dài hạn đối với hoạt động lẫn doanh thu của công ty lính đánh thuê Anh. Ngược lại, vụ tấn công có thể càng thúc đẩy tăng trưởng trong ngành cung cấp dịch vụ bảo vệ an ninh.
“Những sự kiện an ninh riêng lẻ hiếm khi nào tạo được tác động lâu dài cho các công ty liên quan”, theo Hãng tin Reuters dẫn lời Jeff Kessler, nhà phân tích của Tập đoàn Imperial Capital. Thay vào đó, doanh thu của ngành này càng có khuynh hướng tăng mạnh, do thế giới bị liệt vào tình trạng “ít an toàn” hơn trước, buộc họ phải tìm cách bảo vệ an ninh cho chính mình.
Vợ của hung thủ có thể là tòng phạm
Hãng tin Reuters ngày 15.6 dẫn một nguồn thạo tin cho hay vợ của hung thủ Omar Mateen là Noor Salman (30 tuổi) đã biết trước về kế hoạch tấn công hộp đêm Pulse nhưng không thông báo cho nhà chức trách. Một ban hội thẩm đã được thành lập vào ngày 14.6 (giờ Mỹ) và sẽ sớm đưa ra quyết định có nên xét xử tội tòng phạm đối với bà Salman hay không.
Theo các nhà điều tra, Salman có mặt lúc Mateen mua súng dùng trong vụ thảm sát và từng lái xe chở hung thủ đến hộp đêm Pulse để nghiên cứu mục tiêu. NBC News dẫn lời phía FBI cho hay Salman khai rằng đã cố gắng thuyết phục chồng từ bỏ âm mưu giết người hàng loạt, nhưng mặt khác lại chở chồng đến nơi gây án vì Mateen muốn lên kế hoạch chi tiết cho vụ tấn công. “Rõ ràng là bà ấy biết chuyện gì sẽ xảy ra”, theo Đài CNN dẫn lời thượng nghị sĩ Angus King, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện.

 

Thuỵ Miên