Tại hội thảo ‘Bảo vệ quyền lợi người mua nhà, minh bạch hoá thị trường bất động sản’ do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 14.6, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra để bảo vệ người mua nhà, trong đó có việc cơ quan chức năng sẽ công khai các thông tin về pháp lý dự án, chủ đầu tư cầm cố, thế chấp dự án hay không…
Sẽ công khai các dự án bất động sản thế chấp ngân hàng
Tại hội thảo ‘Bảo vệ quyền lợi người mua nhà, minh bạch hoá thị trường bất động sản’ do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 14.6, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra để bảo vệ người mua nhà, trong đó có việc cơ quan chức năng sẽ công khai các thông tin về pháp lý dự án, chủ đầu tư cầm cố, thế chấp dự án hay không…
“Con sâu làm rầu nồi canh”
Liên quan đến những lùm xùm gần đây tại dự án The Harmona, Bảy Hiền Tower (Q.Tân Bình, TP.HCM), Gia Phú (Q.Thủ Đức), Vạn Hưng Phát (Q.8) hay Petrovietnam Landmark (Q.2)… các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) tỏ ra bức xúc bởi chỉ một vài công ty, một vài dự án làm ăn lôm côm, chụp giật đã làm ảnh hưởng đến cả thị trường, gây tâm lý lo lắng cho khách hàng. Theo các DN, đó cũng chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, bởi hiện nay chỉ tính riêng tại TP.HCM đang triển khai mấy trăm dự án với hàng chục ngàn căn hộ, nền đất. Đa số trong đó là các chủ đầu tư chuyên nghiệp, minh bạch, mang lại lợi ích cho khách hàng và góp phần làm đẹp bộ mặt đô thị.
Ông Lương Sĩ Khoa, Phó tổng giám đốc Công ty An Gia, cho biết dự án The Harmona, Bảy Hiền Tower… đã làm giao dịch mua bán trên thị trường giảm đáng kể. Hiện công ty ông đang phát triển 5 dự án và yếu tố pháp lý luôn được đặt lên hàng đầu. Có một yếu tố cũng ảnh hưởng mạnh đến tiến độ dự án, theo ông Khoa, đó là tài chính.
Nhiều dự án vì trục trặc tài chính nên đã ảnh hưởng nặng nề đến tiến độ thực hiện, tiến độ giao nhà. Vì vậy, chủ đầu tư có năng lực tài chính vững mạnh thì mới đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Ở An Gia, do được Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) đầu tư 200 triệu USD nên các dự án luôn đảm bảo tiến độ, chất lượng như cam kết với khách hàng.
Sáng 1.6, hàng trăm cư dân tại chung cư Bảy Hiền Tower (Q.Tân Bình, TP.HCM) do công ty Long Hưng Phát làm chủ đầu tư nháo nhác khi toàn bộ chung cư bị cắt điện, nước.
“Công ty chuẩn bị bàn giao nhà tại dự án The Garden cho khách hàng nhưng sẵn sàng cắt giảm lợi nhuận, bỏ ra thêm 100 tỉ đồng để nâng cấp đồng bộ tiện ích nội khu và trang bị vật liệu, thiết bị nội thất cao cấp cho khách hàng. Đây là những thiết bị nằm ngoài hợp đồng đã ký kết, công ty làm thêm. Mỗi công ty cố gắng trong khả năng có thể nhất sẽ góp phần làm thị trường tốt hơn, minh bạch hơn. Lấy lại niềm tin cho khách hàng”, ông Khoa nhấn mạnh.
Ông Lê Trọng Khương, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp, cho biết do tạo được uy tín với khách hàng nên mỗi năm công ty bán hàng ngàn sản phẩm, triển khai nhiều dự án. Để làm được điều này, công ty phải phân bổ tài chính, nhân lực và đội ngũ thi công cho từng dự án để làm sao khách hàng nhận được căn hộ đúng như cam kết về thời gian và chất lượng. Tuy nhiên, để giảm giá bán, giảm chi phí đầu tư, theo ông Khương, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh thời gian cấp phép xây dựng. Rà soát lại các dự án đang “trùm mền”, không nên truy cứu quá khứ mà cho DN lên phương án khắc phục hoặc cho các DN khác đủ điều kiện hỗ trợ. Nếu không dự án nợ sẽ càng chồng chất, làm càng khó. Thiệt thòi lớn nhất vẫn là khách hàng khi mua nhiều năm mà không được nhận nhà.
Cũng đề cập đến việc làm sao để khách hàng yên tâm, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty SonKim Land, cho biết tại dự án Gateway Thảo Điền, công ty không chỉ chăm chút tỉ mỉ đến thiết kế mà vấn đề pháp lý, tiến độ xây dựng cũng được đặt lên hàng đầu. Hiện dự án Gateway Thảo Điền đã được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện bán hàng, ký kết với ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho khách hàng, dự án đã có sổ đỏ và đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Khách hàng khi ký hợp đồng sẽ dùng hợp đồng mẫu do nhà nước quy định. Hiện dự án đã xây đến tầng 6 và được khách hàng đón nhận vì pháp lý đầy đủ, thiết kế đẹp và tiến độ xây dựng đảm bảo.
Mua nhà nhưng dọn vào ở thì bị ‘đuổi’ vì dự án sai phạm, bị cưỡng chế; căn hộ của mình nhưng sổ đỏ bị chủ đầu tư cầm cố… là những rủi ro rình rập người dân ở nhiều nơi.
Cấp phép một cửa liên thông
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng những sự cố thời gian qua chỉ xảy ra ở những dự án làm trong giai đoạn BĐS nóng sốt năm 2006 – 2007, khi đó nhà nhà làm dự án, người người làm dự án. Chủ đầu tư lấy tiền của khách hàng đem mua đất ở dự án khác nên khi thị trường đóng băng thì những dự án này gặp khó khăn, từ đó chủ đầu tư phải làm bậy. Tuy nhiên hầu hết những chủ đầu tư mới hiện nay như Vingroup, Đại Quang Minh, Novaland, Hưng Thịnh, An Gia, SonKim Land… là các DN rất có trách nhiệm với người tiêu dùng, luôn chú trọng làm những gì tốt nhất cho khách hàng.
Trước những lo lắng của người dân, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP, cho biết sẽ kiểm soát chặt việc thế chấp dự án của chủ đầu tư để đảm bảo quyền lợi các bên. Khi chủ đầu tư thế chấp đất và tài sản hình thành trong tương lai cho ngân hàng hay có sự biến động nào phải cập nhật vào sổ đỏ. “Sở sẽ chỉ đạo văn phòng đăng ký đất đai TP công khai thông tin thế chấp dự án của các dự án để khách hàng nắm được. Điều này giúp người mua căn hộ biết được pháp lý dự án, giảm trừ rủi ro”, ông Thắng cho hay.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, ông Trần Trọng Tuấn cũng cam kết sẽ xử lý nghiêm các sai phạm, kể cả cán bộ công chức liên quan, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà. TP đã chỉ đạo rất rõ và quyết liệt trong năm 2016 Sở Xây dựng phải làm cho được cấp giấy phép một cửa liên thông. Hiện nay đang đi nhiều cửa, nhiều loại giấy tờ, mất đến 2 năm. Nên việc cấp giấy phép một cửa liên thông sẽ giảm chi phí đầu tư, giảm giá thành, cho người dân dễ dàng mua nhà ở. Rút ngắn thủ tục đầu tư, phân cấp uỷ quyền cho quận huyện trong việc duyệt dự án đầu tư. “Sở đã tham mưu cho TP thành lập tổ công tác để giải quyết vướng mắc kịp thời tại các dự án, xử lý các chủ đầu tư sai phạm chứ không cần phải chờ đưa lên lãnh đạo TP”, ông Tuấn cho hay.
Xây dựng thông tư về minh bạch hoá thị trường BĐS
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Phát triển nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, cho biết mấy vụ việc vừa qua, nguyên nhân xuất phát từ các giai đoạn trước, khi mà luật pháp còn nhiều cái thiếu, chưa xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Nhưng hiện nay đã quy định cụ thể về quyền hạn và trách nhiệm của các bên. Luật cũng đã quy định, khi huy động vốn, đủ điều kiện bán hàng cũng phải có văn bản cho phép của Sở Xây dựng, rồi phải có ngân hàng bảo lãnh mới được bán nhà. Bộ cũng đang xây dựng thông tư về minh bạch hoá thị trường BĐS khi các thông tin về số lượng bao nhiêu dự án đang triển khai, bán như thế nào, pháp lý ra sao, dự án thế chấp như thế nào… đều được công khai để người dân nắm và quyết định có mua BĐS ở dự án đó hay không.
Sáng 1.6, nhiều cư dân tại chung cư Bảy Hiền Tower(Q.Tân Bình, TP.HCM) do Công ty Long Hưng Phát làm chủ đầu tư nháo nhác khi toàn bộ chung cư bị cắt điện, nước.