Thị trường đang xôn xao trước việc Bộ Tài chính đòi hai ngân hàng BIDV và VietinBank phải trả cổ tức bằng tiền mặt, trong khi chuyện này đã được đại hội đồng cổ đông của hai ngân hàng định đoạt xong từ tháng 4 qua.
Bộ Tài chính ‘đòi’ chia… 5.000 tỉ đồng
Thị trường đang xôn xao trước việc Bộ Tài chính đòi hai ngân hàng BIDV và VietinBank phải trả cổ tức bằng tiền mặt, trong khi chuyện này đã được đại hội đồng cổ đông của hai ngân hàng định đoạt xong từ tháng 4 qua.
Nơi đòi tiền mặt, nơi không chia
Mới đây, Bộ Tài chính (BTC) có văn bản gửi đến và đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với tư cách là người đại diện vốn nhà nước ở 2 NH BIDV và VietinBank, biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước vào ngân sách. Văn bản cũng trích dẫn Nghị định 57, với các NH TMCP do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện vốn tại NH phải lấy ý kiến NHNN và thống nhất với BTC về việc phân chia lợi nhuận. Hiện vốn nhà nước tại BIDV là 95,28%, tại VietinBank là 64,46%.
Tréo ngoe là vấn đề cổ tức đã được BIDV và VietinBank quyết định tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) hồi tháng 4 bằng việc cổ đông BIDV biểu quyết chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5%, còn VietinBank không chi trả cổ tức năm 2015.
Năm 2015, sau khi trừ đi lỗ luỹ kế của NH sáp nhập vào là MHB, BIDV ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 6.376 tỉ đồng. Với tỷ lệ 95,28% vốn, phần cổ tức của nhà nước mà BIDV phải trả là hơn 2.768 tỉ đồng. Còn tại VietinBank, lợi nhuận sau thuế 2015 là hơn 5.716 tỉ đồng, nếu chia cổ tức 8,5% tương đương như BIDV, nhà nước sẽ thu về khoảng 2.040 tỉ đồng. Như vậy, nếu đề xuất của BTC được chấp thuận, ngân sách nhà nước sẽ có thêm số tiền gần 5.000 tỉ đồng.
Yêu cầu của Bộ Tài chính tuy không tác động lớn đến nền kinh tế nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngân hàng
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, ở góc độ là đơn vị quản lý vốn nhà nước, với tư cách là cổ đông có lợi ích liên quan thì đề nghị trên của BTC là hợp lý trong bối cảnh ngân sách đang căng thẳng. “BTC đang đề nghị với tư cách cổ đông chứ không phải là mệnh lệnh hành chính. Hơn nữa, phát hành trái phiếu có thời điểm không đủ để trả nợ trái phiếu cũ, thậm chí còn tính đến chuyện phát hành trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế, thì gần 5.000 tỉ đồng là số tiền không nhỏ với ngân sách bây giờ”, ông nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc BTC đòi tiền là điều không bình thường. Theo luật Doanh nghiệp, đối với những doanh nghiệp cổ phần hoá, quyền định đoạt cao nhất thuộc về ĐHCĐ. Với mong muốn tăng tối đa nguồn thu cho ngân sách đang thiếu trước hụt sau, đề nghị của BTC dù viện dẫn nghị quyết, thông tư nhưng chưa có căn cứ pháp lý vững chắc để có thể can thiệp việc trả cổ tức của một doanh nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu của BTC, hai NH sẽ phải tổ chức lại ĐHCĐ để biểu quyết lại. “Yêu cầu của BTC tuy không tác động lớn đến nền kinh tế nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của NH”, ông Lê Đăng Doanh nói.
Khó cho ngân hàng
Việc đòi cổ tức của BTC sẽ gây khó cho NH vì các đơn vị này đang theo đuổi những chỉ số an toàn vốn được coi là cấp bách hiện nay. Theo phân tích của Công ty chứng khoán HSC, với Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 36, áp lực tăng vốn của các NH có vốn nhà nước sẽ là lớn nhất. NHNN công bố hệ số an toàn vốn (CAR, tức giá trị các tài sản có nhân với hệ số rủi ro) toàn ngành NH tại thời điểm cuối quý 1/2016 là 12,67%. Trong đó hệ số CAR của các NH có vốn nhà nước là 9,27% (cuối năm 2015 là 9,42%) và NH TMCP là 12,22% (cuối năm 2015 là 12,72%). Hệ số CAR của các NH cũng có sự chênh lệch lớn. Đối với các NH quốc doanh, hệ số CAR theo cách tính trong Thông tư 36 (chủ yếu dựa trên Basel 1) là khá thấp. Nếu muốn tiếp tục tăng cho vay các ngành hệ số rủi ro cao như bất động sản, các NH này phải nhanh chóng cải thiện hệ số CAR.
Đây chính là lý do khiến VietinBank duy trì cổ tức bằng tiền mặt đều đặn trong 3 năm gần đây (16% năm 2012, 10% trong hai năm 2013 – 2014) đã không trả cổ tức năm 2015. Trong ĐHCĐ, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank, cho biết năm 2015 không chia cổ tức nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển của VietinBank, đồng thời đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của NHNN và thông lệ quốc tế. Còn BIDV đã phải đối mặt với sự gay gắt của cổ đông khi phải hạ tỷ lệ cổ tức 9% theo kế hoạch đưa ra ban đầu xuống 8,5% trong ĐHCĐ vừa qua, với giải thích cổ tức phụ thuộc rất nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là chi trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp nâng cao năng lực hoạt động của NH.
Hơn nữa, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18 – 20% trong năm nay, hầu hết NH lớn cũng đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức tương đương. Việc yêu cầu BIDV và VietinBank trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ gây khó khăn cho 2 NH này trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng vì có hệ số CAR thấp. Đó là lý do đại hội vừa qua cả hai NH này đều thông qua kế hoạch tăng vốn và việc giữ lại lợi nhuận để bổ sung vốn tự có là cần thiết.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, trong những giai đoạn trước, BTC hầu như không mặn mà đi thu tiền các DN nhà nước nắm giữ vốn, vì những nguồn thu khác đã đủ. Nhưng việc lên tiếng đòi tiền mới đây là “cực chẳng đã”, vì nguồn thu khác đã cạn kiệt. BTC có thể dùng quyền lực cổ đông lớn tổ chức lại ĐHCĐ bất thường để biểu quyết lại vấn đề cổ tức. Chẳng hạn có thể thông qua việc trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ có thể bằng lãi suất tiết kiệm, hoặc lùi lại một thời điểm thuận lợi hơn đối với NH. Tuy nhiên, để được vậy, NHNN sẽ phải cân nhắc kỹ trước xung đột lợi ích này. Nếu thay đổi kế hoạch đã thông qua, hai NH này vẫn phải tăng vốn nhanh và phải tăng cho bằng được (để đảm bảo CAR), thì việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, BTC sẽ xoay xở như thế nào để tiếp tục giữ tỷ lệ vốn sở hữu? Trong khi đó, tại ĐHCĐ BIDV cũng thừa nhận việc NHNN góp thêm vốn trong phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu có tính khả thi không cao.
Không phải vì ngân sách gặp khó khăn
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến – Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định việc đòi tiền không phải vì ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn mà là “thực hiện đúng quy định của pháp luật, nghị quyết của Quốc hội”. Ngay cả khi ngân sách nhà nước không khó khăn vẫn phải thu cổ tức. Ông cũng thừa nhận các NH VN vẫn khiêm tốn về tài sản so với các nước trong khu vực nên nhu cầu tăng vốn của BIDV lẫn VietinBank là có thật. Tuy nhiên, việc giữ lại cổ tức không phải giải pháp căn cơ. “Cần có giải pháp mạnh hơn để thoái vốn nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phần chứ không phải giữ nguyên quy mô rồi bổ sung nhỏ giọt”, ông nói.