Lao động dưới 20 USD/giờ dễ bị robot “cướp” việc
Việc robot chiếm lĩnh thị trường lao động là một xu thế gần như không thể đảo chiều. Điều này đặt ra một thách thức mới cho giới lao động toàn cầu và giải pháp vẫn còn khá mù mịt.
Lao động dưới 20 USD/giờ dễ bị robot “cướp” việc
Việc robot chiếm lĩnh thị trường lao động là một xu thế gần như không thể đảo chiều. Điều này đặt ra một thách thức mới cho giới lao động toàn cầu và giải pháp vẫn còn khá mù mịt.
Một robot giao hàng tại cửa hàng thức ăn nhanh McDonald – Ảnh: EATER |
Thống kê tháng 4-2016 của Liên đoàn robot quốc tế (IRF), loại robot có tối thiểu ba khớp xoay, được ứng dụng chủ yếu trong quy trình lắp ráp, đánh bóng, hàn hơi… đạt doanh số cao nhất trong các loại robot công nghiệp (150.000 con được bán ra trong năm 2015, so với năm 2010 tăng khoảng 16%, đạt mức cao mới).
Tỉ lệ sử dụng robot tăng cao
Trong năm 2015, robot công nghiệp được bán trên toàn cầu vượt mốc 240.000 – chủ yếu dùng trong ngành công nghiệp ôtô, tăng 8% so với cùng ký năm trước. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có đơn đặt hàng robot công nghiệp nhiều nhất thế giới với 66.000 robot, tăng 16%.
Ngoài Trung Quốc, các nước ở châu Á đặt mua khoảng 78.000 con. Khu vực châu Âu có doanh số bán tăng kỷ lục 9%, đạt mốc 50.000 robot công nghiệp. Tại Hoa Kỳ, Canada, Mexico, đơn đặt hàng robot công nghiệp lên đến 34.000 con, tăng 11%.
“Dự tính có khoảng 1,3 triệu robot công nghiệp được đưa vào hoạt động ở các nhà máy trên toàn thế giới trong năm 2018. Trong tương lai, các công nhân robot được bắt gặp tay trong tay với con người, góp phần thay thế quy trình sản xuất truyền thống cứng nhắc bằng cấu trúc sản xuất mới, linh hoạt” - Joe Genmma, chủ tịch Liên đoàn robot quốc tế, cho biết.
Theo một nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), hiện robot đang thực hiện khoảng 10% công việc trong các nhiệm vụ sản xuất và kỳ vọng đạt mốc 25% trong năm 2025, tương ứng việc giảm hơn 16% chi phí lao động toàn cầu vào thời điểm đó.
Theo ước tính chung, trong thập kỷ tới sẽ có khoảng 3/4 số robot được đưa vào hệ thống sản xuất, dự kiến tập trung vào bốn lĩnh vực: thiết bị vận tải, bao gồm lĩnh vực ôtô; máy tính và sản phẩm điện tử; thiết bị điện và máy móc; lĩnh vực cuối được dự đoán cho ngành sản phẩm thực phẩm hay ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn.
Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc đang chiếm chiếm khoảng 80% lượng robot đặt mua trên toàn thế giới, tỉ lệ này có thể được duy trì trong các thập kỷ tới.
Lương càng thấp, càng dễ mất việc
Ông Olaf C.Gehrels – CEO công ty cổ phần FANUC châu Âu – cho biết: “Thị trường robot thế giới đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Theo đó, hai cột mốc công nghệ được thiết lập: những robot được trang bị bộ điều khiển, vượt qua các bài kiểm tra đạt chuẩn, sẵn sàng sử dụng thường xuyên trong các ngành công nghiệp và sự ra đời của dòng robot tải trọng cao, có khả năng xử lý những vật nặng lên đến 2.300kg được phép sử dụng trong hầu hết các khái niệm (concept) sản xuất mới”.
Theo một báo cáo của Hội đồng tư vấn kinh tế Mỹ, trong tương lai những ai đang có thu nhập dao động từ 20-40 USD/giờ có 31% nguy cơ bị robot thay thế; và tỉ lệ này tăng lên đến 83% đối với những ai có thu nhập ít hơn 20 USD/giờ.
Không chỉ vậy, robot có khả năng tự học hỏi nên sẽ tự tăng được chỉ số IQ của chính mình. Ngày nay, các robot của nền kinh tế thứ hai chỉ thay thế được lao động ở những công việc đòi hỏi mức IQ là 100. Ước tính mỗi năm robot sẽ tự “khôn” lên 1,5 điểm IQ nên đến năm 2025, robot đạt 115 điểm IQ, cao hơn 90% người dân Mỹ. Khi đó, thêm 50 triệu lao động có nguy cơ mất việc.
Nhà kinh tế học người Anh Brian Arthur dùng thuật ngữ “Nền kinh tế thứ hai” để nói về phần kinh tế trong đó chỉ có máy móc hoạt động với nhau. Theo tính toán của ông Arthur, Nền kinh tế thứ hai sẽ giúp kinh tế của nhân loại phát triển nhanh chóng. Vào năm 2025, Nền kinh tế thứ hai sẽ thay thế khoảng 100 triệu nhân công và để lại cho nước Mỹ 40 triệu người không có giá trị cho nền kinh tế.