28/12/2024

‘Cô đơn khủng khiếp’ trong trường nội trú

Cả tuần cô đơn, ngày chủ nhật không được ba mẹ đón về cũng không gọi điện hỏi thăm, học trò nội trú bức bối trèo tường ra ngoài.

 

‘Cô đơn khủng khiếp’ trong trường nội trú

Cả tuần cô đơn, ngày chủ nhật không được ba mẹ đón về cũng không gọi điện hỏi thăm, học trò nội trú bức bối trèo tường ra ngoài.


 

 

Cô đơn khủng khiếp trong trường nội trú - Ảnh 1.

Học sinh một trường nội trú tại TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Những ai từng học nội trú chắc hẳn đã trải qua cảm giác cô đơn, “cô đơn khủng khiếp” – V., học sinh một trường THPT tư thục ở quận vùng ven TP.HCM, tâm sự.

V. cho biết: “Cảm giác cô đơn ấy cứ lặp đi lặp lại. Nhất là những tuần không được ba mẹ đón về. Ngày chủ nhật ở trường trống trải và thê lương. Các bạn về nhà gần hết. Chỉ có những “cánh chim cô đơn” ở lại nhìn nhau một cách mệt mỏi và bất lực. Cô giáo quản nhiệm có an ủi cách mấy, có động viên cách mấy cũng không thể nào bù đắp được…”.

Bọn em không biết gì về thế giới bên ngoài. Nhiều lúc em muốn trèo tường ra ngoài đi chơi một hôm cho thoả thích. Chứ ngày nào cũng như ngày nào. Chán và cô đơn vô cùng…

Đ.N.T. (cựu học sinh một trường THPT nội trú tại TP.HCM)

“Đày” vào nội trú

Còn Đ.N.T. – cựu học sinh một trường THPT nội trú tại TP.HCM – chia sẻ: “Hồi THCS mình học cũng khá ở trường công nhưng hay “cúp cua” lại còn đánh nhau. Lên lớp 10, bố “đày” mình vào trường nội trú. Mình cũng rất thích TP.HCM nên đi ngay. Đâu ngờ học nội trú lại khổ như vậy”. 

Ở trường nội trú của T., sáng 5h05 chuông reo. Tất cả học sinh dậy làm vệ sinh cá nhân, tập thể dục đến 5h30 rồi ăn sáng. Sau đó, học sinh về thay quần áo rồi ra sân tập trung chờ lên lớp lúc 6h30. Đầu giờ, giáo viên quản nhiệm sẽ kiểm tra bài cũ trước khi bắt đầu tiết 1 lúc 7h05.

Buổi sáng, T. và các bạn học đến 11h30. Buổi chiều, giờ học bắt đầu lúc 13h30 và kết thúc lúc 16h30 đối với học sinh khối 10 và 11. Riêng khối 12 kết thúc muộn hơn. 

Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, tắm rửa đến 17h45 học sinh xếp hàng lên lớp học tiếp từ 18h-22h15. Buổi tối, lớp 10-11 thường tự học có người quản, còn học sinh lớp 12 sẽ có giáo viên đứng lớp dạy như ban ngày.

Tương tự, Đ.N.Q. (huyện Krông Năng, Đắk Lắk), từng là cựu học sinh một trường THPT tư thục ở Q.Tân Bình (TP.HCM), kể: “Lúc mới vô trường nội trú em sốc toàn tập. Khóc lóc, đòi về nhưng ba mẹ cương quyết không cho. 

Em cố gắng nghe lời ba mẹ động viên thời gian sẽ làm mình thích nghi. Nhưng càng ngày em càng thấy không ổn. Sinh hoạt nội trú rất bất tiện, giờ giấc ăn uống tắm rửa nằm trong khoảng thời gian nhất định, không được kéo dài. 

Giờ ăn là buộc phải ăn, giờ tắm phải tắm. Dù có hôm em mệt nhoài chỉ muốn nằm nghỉ nhưng em không quyết định được thời gian. Em ám ảnh nhất là lúc tắm rửa theo khối. Mỗi khối một thời gian khác nhau…”.

Q. cho biết: “Năm em học, khoảng 4h30 đến 6h30 chiều mỗi ngày là thời gian ba khối tắm. Mỗi khối hơn 1 tiếng thôi nhưng có bạn tắm rất lâu, đến lượt em là hết giờ, buộc phải lên lớp. 

Nếu không lên lớp đúng giờ sẽ không đuổi kịp các bạn trong lớp rồi hạ điểm thi đua. Không đạt chỉ tiêu sẽ bị hạ sang lớp thấp hơn. Bạn bè cạnh tranh và không bao giờ chơi thân với nhau, hoặc rất đề phòng…”.

Thế nên, Q. bảo rằng: “Đã xa gia đình, xa bạn bè thân là cô đơn lắm rồi. Đằng này, ở môi trường nội trú cũng không tìm được bạn thân. Giáo viên quản nhiệm thường xuyên săm soi, nhắc nhở. Thật ra, cô muốn tốt cho em thôi. Nhưng cách của cô khiến em không thể gần gũi và tâm sự”.

Không được ra khỏi cổng trường

Ông Trần Văn Đại Lợi – nguyên phó hiệu trưởng một trường THPT tư thục ở TP.HCM, có 19 năm gắn bó với môi trường giáo dục nội trú – cho biết: “Học sinh nội trú thuộc nhiều thành phần khác nhau. Quản lý được các em là điều không đơn giản. 

Đối với học sinh nội trú, các em sẽ có từ 1,5-2 tiếng buổi chiều, từ 16h45-18h45″. Khi đó các em được tự do ăn cơm, tắm rửa, “tám” chuyện… Còn lại phải vào khuôn khổ như nhà trường quy định”.

Không những thế, ở nhiều trường nội trú trên địa bàn TP.HCM hiện nay cấm học sinh sử dụng điện thoại di động vì các em chat chit thâu đêm, coi phim sex, cá độ bóng đá… 

Nhiều học sinh cho biết ở trường nội trú từ sáng thứ hai đến chiều thứ bảy không được bước ra khỏi cổng trường, cần gọi về cho ba mẹ thì lên văn phòng… Cảm giác như đang ở thế giới khác. Một thế giới rất khô khan, chỉ có học và học.

Có lẽ vì vậy, một thành viên ban giám hiệu trường THPT tư thục ở TP.HCM cho biết: “Học sinh trốn nội trú là chuyện xảy ra hằng tuần. Ngày chủ nhật, nhiều phụ huynh bỏ bê con em, không đón về cũng không gọi điện hỏi thăm. Các em bức bối trèo tường ra ngoài chơi. 

Có lần tôi tá hoả khi nhận được tin ba nam sinh trèo tường đi chơi ở Vũng Tàu. Đây là ba học sinh rất ngoan và học giỏi chứ không quậy phá gì. Lý do trèo tường vì trong trường chán quá, buồn quá, muốn ra ngoài chơi cho thoả thích”.

Ông Đại Lợi đúc kết: “Học sinh ở nội trú không tránh khỏi sự cô đơn. Thế nên, điều quan trọng chính là cái “tâm” của các trường khi mở lớp nội trú. Hiện có trường đầu tư phòng karaoke, sân bóng rổ, bóng chuyền, phòng Internet cho học sinh chơi vào dịp cuối tuần, giúp các em khuây khỏa khi không được đón về. Có trường còn phân công giáo viên quản nhiệm dẫn các em đi siêu thị, xem phim… 

Đáng lẽ điều này phải trở thành quy định bắt buộc khi các trường mở lớp nội trú nhưng hiện chỉ phụ thuộc vào sự tự giác: các trường muốn thì làm, không thì thôi”.

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy

(tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM):

Hậu quả không thể lường trước

Ở trường nội trú, một em trai thích hay muốn làm bạn với một bạn gái cũng khó tiếp cận. Khung giờ sắp xếp của trường làm học sinh không có cơ hội để vui chơi, không xây dựng được mối quan hệ. Việc sắp xếp thời gian như thế đẩy đứa trẻ vào nguy cơ cô đơn buồn tẻ. Hơn nữa, áp lực học hành để khỏi rớt hạng trong lớp khiến bạn bè cạnh tranh và không chơi với nhau. Hậu quả của tâm trạng này – nếu dồn ngày này qua ngày khác – sẽ khiến học sinh căng thẳng, trầm cảm, rối loạn tâm lý ở mức độ mà không thể nào lường trước được.

Thèm gói xôi cũng không được ăn

Đa số các bạn học nội trú không thuộc diện gia đình khó khăn. Mình cũng vậy. Ba mẹ cho tiền mình tiêu vặt cũng khá dư dả. Nhưng không phải căngtin bán tất cả những cái mình cần. Có đợt mình thèm ăn xôi bắp khủng khiếp mà căngtin không bán, trường lại không cho học sinh ra ngoài. Mà đợt đó ba mẹ mình đi công tác, cả tháng mình cũng không được đón về nhà.

 

(T. – học sinh một trường THPT tư thục ở Q.Tân Phú, TP.HCM)