27/12/2024

Tìm cây chống hạn cho đất miền Trung

Ngành chức năng và nông dân Quảng Trị đang nỗ lực tìm loại cây, mô hình chuyển đổi sản xuất, thích ứng hơn với những vùng đất “khát”.

 

Tìm cây chống hạn cho đất miền Trung

 


Ngành chức năng và nông dân Quảng Trị đang nỗ lực tìm loại cây, mô hình chuyển đổi sản xuất, thích ứng hơn với những vùng đất “khát”.

 

 

 

Khu đất trước đây của xã Cam Thanh (H.Cam Lộ) là đồng hoang thì nay đã thành vùng trồng cỏ thâm canh để nuôi bò  /// Nguyễn Phúc

Khu đất trước đây của xã Cam Thanh (H.Cam Lộ) là đồng hoang thì nay đã thành vùng trồng cỏ thâm canh để nuôi bòNGUYỄN PHÚC

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, tổng diện tích gieo trồng của địa phương vào khoảng 25.000 ha, trong đó vụ đông xuân vừa rồi có tới 8.000 ha bị hạn, cần có biện pháp hỗ trợ. Đặc biệt, gần 1.600 ha phải chuyển đổi cây trồng ứng phó với khô hạn.

Nhiều thử nghiệm
Nhận thấy phương án chuyển đổi diện tích đất lúa thiếu nước hoặc có nước hiệu quả thấp sang trồng cây trồng cạn để đối phó với khô hạn cũng như tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ngành nông nghiệp tỉnh này đã tiếp tục hối thúc địa phương và nông dân tìm các loại cây phù hợp để trồng… chống hạn. Trong đó, chủ yếu là ngô, rau màu các loại, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.
Trong số các địa phương, H.Cam Lộ là đơn vị sốt sắng nhất trong chuyển đổi cây trồng chống hạn và cũng thu được nhiều thành công bước đầu. Cam Lộ là vùng bán sơn địa, chịu ảnh hưởng gió Lào nặng nề, độ ẩm có khi giảm xuống dưới 45%, chỉ số khô hạn luôn cao ngất ngưởng. Chẳng hạn, trong năm 2015, Cam Lộ có 30 ha chuyển sang trồng lạc, kết quả cho thấy hiệu quả kinh tế tăng 3,5 lần. Huyện cho ứng dụng kỹ thuật thâm canh trồng lạc bằng cách phủ bạt ni lông nhằm tăng ẩm cho đất, giữ nước kết hợp hệ thống tưới nước tiết kiệm. Tại các diện tích thử nghiệm của xã Cam Thuỷ, năng suất đạt 25 tạ/ha, thu nhập đạt gần 60 triệu đồng/ha (với giá thu mua 23.000 đồng/kg), cao hơn hẳn nếu so với lúa.
Một mô hình nữa đang phát triển mạnh mẽ ở Cam Lộ chính là trồng cỏ nuôi bò thâm canh. Theo Phòng NN-PTNT huyện này, từ năm 2012 toàn huyện chỉ có 3 ha trồng cỏ thì nay có tới 100 ha, chiếm 50% diện tích trồng cỏ của toàn tỉnh. “Nhiều người không hiểu cứ nói trồng cỏ thì cho bò ăn chứ người đâu ăn được, nhưng thực tế nếu ngồi tính toán lại thì trồng cỏ thâm canh có rất nhiều lợi ích: chi phí thấp nhưng đảm bảo được nguồn thức ăn cho bò lấy thịt thay vì phải đi mua bên ngoài; đồng thời còn có thể kiếm chút đỉnh từ bán giống hoặc chia sẻ sản phẩm với những người nuôi bò khác trong hợp tác xã”, lão nông Nguyễn Bình Lợi (thôn Phú Ngạn, xã Cam Thanh, H.Cam Lộ) cho hay.
Với sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT Quảng Trị, Cam Lộ còn đưa vào trồng thử nghiệm một số cây dược liệu chống hạn như cà gai leo, nghệ, chè vằng… với quy mô hộ gia đình, từ 1 – 2 ha. Ngoài nghệ và chè vằng là 2 loại cây nổi tiếng ở địa phương, cà gai leo là loại cây mới nhưng đem lại nhiều triển vọng. Cụ thể, cà gai leo mật độ trồng 40.000 bầu/ha cho năng suất tươi khoảng 3,5 tấn, với giá bán lẻ 70.000 đồng/kg sẽ cho doanh thu cao hơn hẳn cây lúa. Ngoài giá trị cao, cà gai leo là cây sống được trên vùng đặc biệt khô hạn, mọc 1 lần nhưng thu hoạch được 3 năm, mỗi năm 3 – 4 lứa.
Một loại cây chống hạn khác mà Cam Lộ đang trồng thử nghiệm là cây hương bài (loại cây sử dụng để làm hương) nhưng phải đến năm 2017 mới có kết quả để đánh giá.
Tìm cây chống hạn cho đất miền Trung 2

Cà gai leo, một loại cây chống hạn mới có hiệu quả kinh tế cao

Hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản
Theo ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, người nông dân thường sản xuất theo tập quán, họ không muốn hoặc không dám đi theo cách sản xuất mới, cây mới, nếu như chưa nhìn thấy… cái lợi. Ngay lãnh đạo chính quyền địa phương nhiều nơi cũng suy nghĩ như trên, cộng với một chút thờ ơ, thiếu quan tâm nên rất khó để thuyết phục người dân chuyển đổi cây trồng. “Theo tôi, thay đổi nhận thức là rất quan trọng, mà trước hết là phải ở lãnh đạo cấp huyện, cấp xã rồi đến người dân. Nếu anh là lãnh đạo mà biết quan tâm, có kiến thức thì dân mới nghe, mới dám chọn một loại cây trồng mới để làm cần câu cơm cho gia đình thay vì cây lúa”, ông Hưng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND H.Cam Lộ, cho biết chỉ riêng năm 2015 – 2016, huyện đã chuyển đổi được 200 ha lúa sang cây trồng cạn và đang thu nhiều thành công. “Có được những kết quả này vì chúng tôi sau khi trồng thí nghiệm đã mời bà con nông dân đến xem trình diễn, tham quan. Sau đó, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ một phần vốn, đầu tư đường điện hoặc nước… nếu bà con nào muốn làm. Có thế, nông dân mới thấy được việc đầu tư khoa học kỹ thuật, trồng cây mới cho hiệu quả kinh tế cao họ mới làm chứ”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, có một lý do tối quan trọng nữa để việc chuyển đổi cây trồng hợp lòng dân chính là việc… lo đầu ra. “Cấp vốn, bảo dân trồng… ừ thì họ sẽ trồng, nhưng trồng xong chính quyền vứt vậy thì dân chết à? Mình bảo dân trồng cây nào thì phải lo đầu ra cho cây đó. Ví dụ ở huyện tôi, bảo trồng sắn vì đã có nhà máy sắn, trồng tiêu đã có nhà máy tiêu, trồng nghệ đã có các cơ sở chế biến tinh bột nghệ, trồng cà gai leo đã có doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm…”, ông Thanh đúc kết.

Nguyễn Phúc