Từ tuần này, học sinh lớp 9 sẽ thi tuyển sinh lớp 10. Với học sinh các tỉnh, thành lớn như: Hà Nội, TP.HCM… kỳ thi quyết định sự thành – bại của những nỗ lực học tập, tính toán chọn trường suốt 4 năm học THCS.
Đua nước rút vào lớp 10
Từ tuần này, học sinh lớp 9 sẽ thi tuyển sinh lớp 10. Với học sinh các tỉnh, thành lớn như: Hà Nội, TP.HCM… kỳ thi quyết định sự thành – bại của những nỗ lực học tập, tính toán chọn trường suốt 4 năm học THCS.
Kỳ thi còn là bệ phóng giúp học sinh (HS) nhiều cơ hội vào các trường ĐH tốp đầu trong nước hoặc du học.
Thận trọng chọn trường
Siết quy định chuyển trường
Năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội bổ sung quy định mới, siết chặt quản lý việc chuyển trường của HS THPT công lập để tránh tình trạng HS đăng ký dự thi vào một trường có điểm chuẩn thấp rồi sau một học kỳ sẽ tìm cách chuyển sang trường có điểm chuẩn và chất lượng dạy học cao hơn. Vì vậy hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay bổ sung quy định: “HS trúng tuyển ở trường công lập nào phải học ổn định hết cấp học tại trường đó. Trường hợp đặc biệt cần phải chuyển trường, phải được Giám đốc Sở GD-ĐT trực tiếp xem xét, phê duyệt”.
Ngày 8.6, hơn 75.000 HS của Hà Nội sẽ dự thi, giảm hơn 4.000 so với năm học trước. Năm nay HS tỏ ra rất thận trọng khi đăng ký ngay từ nguyện vọng (NV) 1 vào các trường có điểm chuẩn thấp thay vì chỉ chọn các trường này để đăng ký NV2 như mọi năm.
Cụ thể, các trường có số HS đăng ký NV1 nhiều nhất là THPT Trung Văn với 1.180, trong khi chỉ tiêu là 400; Trương Định 1.394/600.
Trường có số HS đăng ký NV2 nhiều nhất là Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân) với hơn 3.300. Tiếp đến là Thạch Bàn (Long Biên) có 2.175 và Bắc Lương Sơn (Thạch Thất) với 2.161.
HS và thầy cô đều áp lực
Do Hà Nội chỉ đáp ứng hơn 60% thí sinh (TS) dự thi lớp 10 vào học trường công lập, nên kỳ thi tạo ra áp lực tâm lý lớn với HS, phụ huynh và cả các thầy cô THCS. Dù năm nay số lượng HS dự thi giảm so với năm trước, nhưng vì Hà Nội vẫn tiếp tục lộ trình giảm sĩ số HS/lớp với bậc THPT nên áp lực cạnh tranh vẫn rất lớn.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các trường THCS của Hà Nội vẫn tổ chức ôn tập cho HS lớp 9 đến hết tuần vừa qua, dù thời tiết nắng nóng đến gần 40 độ C. Tỷ lệ HS THCS đỗ vào các trường công lập, trường chuyên hay trường thuộc tốp đầu… luôn là những con số làm nên “thương hiệu” của các trường THCS và thường được nhắc đến trong báo cáo thành tích. Vì thế, giáo viên các trường THCS cũng áp lực không kém HS.
Một HS lớp 9 Trường THCS Giảng Võ cho biết: “Em đăng ký NV1 vào Trường THPT Phan Đình Phùng, trường tốp đầu nên rất áp lực, giai đoạn nước rút, hôm nào cũng học cùng gia sư và tự ôn thêm đến 1 – 2 giờ sáng”.
Điểm chuẩn trường tốp đầu vẫn cao
Với cách ra đề như năm trước, nhiều ý kiến nhận định khả năng điểm chuẩn vào những trường tốp đầu năm nay sẽ cao hơn năm ngoái.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, cho rằng năm học mới trường không tăng chỉ tiêu tuyển sinh, dự kiến vẫn 15 lớp 10 với 600 HS. Năm ngoái, điểm chuẩn vào trường là 52,5 cao hơn năm trước 1,5 điểm. Mức điểm chuẩn năm nay vẫn có thể dao động theo chiều hướng đi lên.
Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cũng cho biết chỉ tiêu xét tuyển vào lớp 10 của trường này là 480, bằng số lượng năm ngoái. Trong đó, số lượng TS đăng ký vào hơn 1.000, tức là tỷ lệ chọi khoảng 2 lấy 1.
Trong khi đó, những trường tốp dưới thì tỷ lệ chọi năm nay lại tăng do HS đăng ký dự thi đông với hy vọng điểm chuẩn thấp dễ trúng tuyển hơn nên nhiều khả năng điểm chuẩn ở các trường này cũng tăng theo.
Căng thẳng là tâm lý chung của nhiều học sinh lớp 9 đang luyện thi để bằng mọi giá kiếm được tấm vé vào lớp 10 những trường THPT mà họ cho là tốt nhất.
Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội, đưa ra lời khuyên cho các TS dự thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 lúc này là không nên quá lo lắng đến việc đề thi ra thế nào. HS chỉ nên học lại các kiến thức cơ bản và dành thời gian nghỉ ngơi, hệ thống lại kiến thức, rút ra kinh nghiệm hữu ích khi làm bài thi. Điều này sẽ giúp HS cải thiện, nâng cao kết quả của mình.
Khi làm bài thi, nên làm từ bài dễ đến bài khó để không mất nhiều thời gian, ghi được điểm tốt và tâm lý thoải mái, tập trung tư duy hơn để làm các câu hỏi khó. Cần trình bày sạch sẽ, ngắn gọn, cố gắng không tẩy xoá nhưng phải đầy đủ các lời giải để người chấm hiểu được cách làm, bước làm của mình. Tránh bỏ qua những lời giải cần thiết vì có thể khiến TS mất đi 0,25 điểm.
Theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, điểm mới trong tuyển sinh vào lớp 10 năm học này là sở sẽ công bố điểm thi, điểm chuẩn ở các trường THPT chuyên cùng một ngày, TS sẽ tập trung đăng ký vào khối chuyên trước. Khối không chuyên sẽ công bố điểm chuẩn sau.
Thanh Hoá: Trong hai ngày 5 – 6.6, có 1.589 HS tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hoá). HS dự thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc là ngữ văn, toán, tiếng Anh và 1 môn chuyên (điểm hệ số 2). Năm học 2016 -2017, Trường THPT chuyên Lam Sơn tuyển 385 HS cho 11 lớp chuyên.
Bình Định: 52 trường THPT tỉnh sẽ tuyển gần 19.900 HS vào lớp 10. Các trường công lập (trừ các trường ở 3 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão) đều tổ chức thi tuyển. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sẽ diễn ra vào ngày 6 và 7.6, hệ không chuyên các trường công lập vào ngày 18 và 19.6.
Kon Tum: 27 HS ở H.Ia H’Drai (Kon Tum) dù đã được xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2015 – 2016 nhưng nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng vì huyện chưa có trường THPT. Các HS này phải học tại H.Sa Thầy hoặc TP.Kon Tum, nơi cách xa gia đình hàng trăm cây số, trong khi giao thông đi lại khó khăn và điều kiện kinh tế gia đình không thể đáp ứng nổi.