25/12/2024

Về lại quê nhà, chịu khó sẽ có việc làm tốt

Câu chuyện bác sĩ Trần Hoàng Minh và nhiều trí thức trẻ khác từ bỏ điều kiện làm việc tốt với thu nhập cao ở nước ngoài để trở về Việt Nam làm việc khiến nhiều người trong nước trân trọng, ngưỡng mộ. Dưới đây là góc nhìn của hai trí thức nước ngoài về câu chuyện này.

 TRONG MẮT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Về lại quê nhà, chịu khó sẽ có việc làm tốt

 

Câu chuyện bác sĩ Trần Hoàng Minh và nhiều trí thức trẻ khác từ bỏ điều kiện làm việc tốt với thu nhập cao ở nước ngoài để trở về Việt Nam làm việc khiến nhiều người trong nước trân trọng, ngưỡng mộ. Dưới đây là góc nhìn của hai trí thức nước ngoài về câu chuyện này.

 

 

 

 

Về lại quê nhà, chịu khó sẽ có việc làm tốt
Đi du học, làm việc tại Mỹ nhưng bác sĩ Nguyễn Phi Vân Cương đã trở về “đầu quân” cho Bệnh viện Q.Thủ Đức (TP.HCM). Trong ảnh: Bác sĩ Cương theo dõi ca phẫu thuật qua màn hình – Ảnh: Diệu Nguyễn
Về lại quê nhà, chịu khó sẽ có việc làm tốt

* Bác sĩ Ong Kian Soon (người Singapore):

Họ trở về vì tình cảm
 với quê nhà

Theo tôi, rõ ràng lý do khiến những người đi học ở nước ngoài chọn quay về Việt Nam làm việc xuất phát từ lòng yêu nước và tình cảm họ dành cho quê nhà, nhưng cái chính là ở Việt Nam cũng có nhiều cơ hội việc làm tốt.

Vợ tôi cũng vừa trở về Việt Nam sau khi được học bổng du học ở Singapore và làm việc tại đó một thời gian. Ngoài ra, tôi cũng có quen một số bạn bè đã trở về Việt Nam làm việc. Riêng bản thân tôi đến Việt Nam để phát triển mô hình bác sĩ gia đình.

Tôi chắc chắn khi trở về nước, ai cũng sẽ vấp phải những khó khăn nhất định, từ cuộc sống cho đến công việc. Hầu hết mọi người sẽ ý thức được điều đó, và khi họ đã quyết định tương lai lâu dài, họ sẽ chấp nhận khó khăn và thử thách.

Tôi thấy so với khó khăn thì họ có nhiều cơ hội hơn khi chuyển về quê nhà làm việc. Tôi nghĩ đây là thời điểm tốt để những người học tập và làm việc ở nước ngoài quay về quê nhà làm việc vì Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầu của sự tăng trưởng theo cấp số nhân, về kinh tế lẫn công nghiệp.

Xét về lâu về dài, sự nghiệp của một cá nhân phát triển như thế nào tùy thuộc vào sự phát triển của đất nước và nền kinh tế nơi cá nhân đó đang ở, do vậy công việc sẽ thuận lợi khi chúng ta ở một đất nước đang trên đà phát triển nhanh chóng.

Ngược lại, một số nước phát triển lại không có nhiều triển vọng tăng trưởng bằng. Vì thế, tôi nghĩ người trẻ bắt đầu sự nghiệp của mình hôm nay sẽ tìm thấy nhiều cơ hội việc làm ưng ý ở Việt Nam hơn là ở những quốc gia phát triển khác.

Ai cũng biết mức lương là một động lực lớn trong công việc, nhưng hiện nay sự khác biệt về tiền lương giữa Việt Nam và các nước phát triển là quá lớn. Những người làm việc vì lương cao sẽ không thích trở lại Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng làm việc vì tiền. Những người trở về Việt Nam làm việc dù mức lương rất thấp là những người có động lực làm việc không phải chỉ vì tiền…

Rất nhiều quốc gia, con người trên thế giới dẫu có cuộc sống không khá giả nhưng vẫn hạnh phúc. Điều đó cho thấy tiền không quyết định được việc chúng ta rồi sẽ hạnh phúc hay không

AUSTIN CARTER
Về lại quê nhà, chịu khó sẽ có việc làm tốt

* Anh Austin Carter 
(người Canada, đồng sáng lập Công ty tư vấn EBIV tại Việt Nam):

Hạnh phúc thật sự 
đến từ bên trong

Cá nhân tôi cho rằng chúng ta, đặc biệt là người trẻ, sẽ có dịp trải nghiệm những điều mới mẻ (chẳng hạn như về văn hóa, lối sống…) và có cơ hội tạo ra những sự thay đổi tích cực thông qua góc nhìn, tư duy mới mẻ cũng như sự dịch chuyển.

Tôi nghĩ đó là lý do chúng ta thấy có khá nhiều bạn trẻ Việt là du học sinh, Việt kiều… quay trở về quê hương khởi nghiệp. Họ tiếp thu được tinh hoa của các quốc gia đã phát triển và khát khao được góp phần làm “thay da đổi thịt” quê hương, và họ tin rằng sẽ thấy được kết quả từ những điều mình làm. Cũng như họ, tôi cho rằng Việt Nam đang dần cởi mở, tạo điều kiện để những cống hiến của chúng tôi được ghi nhận.

Nhiều người lo ngại Việt Nam đang bị “chảy máu chất xám”, tôi nghĩ không riêng gì Việt Nam mà ngay Canada cũng bị mất rất nhiều nhân tài trong lĩnh vực khoa học, y khoa về tay Mỹ và chúng tôi cũng như nhiều quốc gia khác phải cần “sự trợ giúp” từ nguồn dân di cư.

Trong câu chuyện của bác sĩ Trần Hoàng Minh nói trên, tôi đồng ý với quan điểm của Minh rằng đam mê nên là điều quan trọng nhất để chúng ta theo đuổi mỗi ngày. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng chúng ta không thể mua đồ ăn nếu chỉ biết sống với đam mê cá nhân.

Chúng ta cũng cần một sự cân đối nhất định giữa đam mê với hiện thực cuộc sống. Có thể nói Minh khá may mắn khi vừa có một công việc đúng đam mê vừa có nguồn tài chính đủ ổn để tồn tại.

Dẫu vậy, khó có thể phủ nhận sự quên mình vì nghề, vì đồng bào ruột thịt của Minh. Nhân đây tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn trẻ rằng hạnh phúc là điều đến từ bên trong chúng ta, chứ không phải những gì hào nhoáng bên ngoài.

Vậy hạnh phúc đến từ đâu? Phải chăng từ việc chúng ta khiến người khác hạnh phúc? Phải chăng từ việc say mê khám phá và không ngại đương đầu với thử thách? Phải chăng là được sống hết mình cùng những người chúng ta thương yêu? Cá nhân tôi cho rằng hạnh phúc đến từ cả ba điều trên.

Đầu tư cho giáo dục, cải thiện chăm sóc sức khỏe

Theo bác sĩ Ong Kian Soon, trong số các quan ngại của những người về sống và làm việc tại Việt Nam thì lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe được họ quan tâm hàng đầu vì họ đã quen với nền giáo dục và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở những nước phát triển.

“Nếu nền giáo dục và phương diện chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam được đầu tư và cải thiện tốt hơn sẽ là một sự ủng hộ rất lớn cho những người quay về và cống hiến cho đất nước” – bác sĩ Ong Kian Soon nhận định.

NGỌC ĐÔNG – CÔNG NHẬT ghi