05/11/2024

EU tăng kiểm soát hải sản nhập từ Việt Nam

Ngày 24.5, giới chức EU có Văn bản cảnh báo số 16-814 gửi tới các nước thành viên về việc cá chết bất thường tại VN và đề nghị các nước kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thuỷ sản biển nhập khẩu từ VN.

EU tăng kiểm soát hải sản nhập từ Việt Nam

Ngày 24.5, giới chức EU có Văn bản cảnh báo số 16-814 gửi tới các nước thành viên về việc cá chết bất thường tại VN và đề nghị các nước kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thuỷ sản biển nhập khẩu từ VN.




Sản phẩm cá ngừ đại dương của VN an toàn  /// Hoàng Trọng

 

Sản phẩm cá ngừ đại dương của VN an toànHOÀNG TRỌNG


Thông tin này đã gây lo ngại cho các nhà nhập khẩu thủy sản tại EU về chất lượng hàng hoá.
Trong thông cáo báo chí ngày 3.6, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) khẳng định: “Chất lượng các mặt hàng hải sản xuất khẩu không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết ở ven biển 4 tỉnh miền Trung trong thời gian qua. Nó không gây ảnh hưởng đến nguồn cung và mức độ an toàn cho nguyên liệu hải sản xuất khẩu”.
Kiểm soát chất lượng, nguồn gốc
Trước đó, liên quan đến vụ việc cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, ngày 2.5, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có Công văn 3441/BNN-TCTS chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai các biện pháp để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Các cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm tại địa phương tăng cường giám sát hoạt động khai thác, tổ chức lấy mẫu sản phẩm hải sản cập cảng để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định của VN và tiêu chuẩn quốc tế.
VASEP dẫn chứng: Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, kết quả lấy mẫu phân tích cho thấy, tại 4 tỉnh có hiện tượng cá chết, khu vực khai thác xa bờ (trên 20 hải lý) hải sản đều an toàn. Bên cạnh đó, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (NAFIQAD) cũng đã gửi công văn yêu cầu các cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản tuyệt đối không thu mua cá chết để chế biến xuất khẩu, chủ động lấy mẫu giám sát tăng cường các chỉ tiêu ô nhiễm (thuỷ ngân, chì, cadimi, arsen) trong các lô hải sản nguyên liệu. Bên cạnh các công văn chỉ đạo của ngành chức năng tự thân các doanh nghiệp cũng ý thức được việc đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Chính vì vậy cho đến nay, cùng với sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ của NAFIQAD, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đã và đang nghiêm túc thực hiện việc kiểm soát các chỉ tiêu trên cũng như tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu ổn định.
Một mặt, lượng khai thác thủy hải sản của VN vẫn đang tăng lên. Bộ NN-PTNT cho biết số tàu công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ tăng lên, tạo động lực bà con ngư dân tích cực bám biển ra khơi. Sản lượng khai thác thủy sản đạt khá, đặc biệt tại các tỉnh Bắc bộ và tây Nam bộ. Ước tính sản lượng khai thác thủy sản 5 tháng đầu năm đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2015. Còn đối với sản lượng khai thác cá ngừ đại dương tại 3 tỉnh chính là Bình Định, Khánh Hoà, Phú Yên trong 5 tháng đạt trên 9.300 tấn.
Phải chủ động giải thích
Về cảnh báo của EU, bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Giám đốc Công ty TNHH hải sản Bền Vững, tỉnh Khánh Hoà, cho biết: Việc ngành chức năng ở châu Âu họ cảnh báo các doanh nghiệp của họ cũng là điều dễ hiểu vì đó là một trong các thị trường rất khó tính. Trách nhiệm của chúng ta là phải giải thích cho họ hiểu rõ rằng VN có bờ biển trải dọc khắp chiều dài đất nước. Các nhà máy chế biến thuỷ, hải sản cũng phân bố nhiều nơi để tận dụng nguồn nguyên liệu hải sản khai thác tại chỗ. Còn hiện tượng cá chết chỉ là cá biệt ở một vài tỉnh và khu vực gần bờ. Cụ thể như doanh nghiệp chúng tôi ở tận Khánh Hoà cách xa khu vực xảy ra hiện tượng đó. Mặt khác chúng tôi sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt xa bờ nên chất lượng được đảm bảo. Thực tế sản phẩm của chúng tôi xuất khẩu từ đầu năm đến nay vẫn ổn định vì khách hàng của chúng tôi là khách hàng truyền thống. Họ hiểu rõ chất lượng sản phẩm của chúng tôi ra sao và họ biết luôn cả khu vực chúng tôi đánh bắt nên họ rất yên tâm.
Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải, thì nhận xét việc EU cảnh báo không ảnh hưởng gì đến việc xuất khẩu thuỷ sản của Công ty cổ phần Bá Hải. Ông Hồng giải thích, nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản xuất khẩu của công ty rất rõ ràng. Công ty xuất sang châu Âu là cá ngừ đại dương, chứ không phải cá gần bờ. Đây là nguồn thuỷ sản đánh bắt xa bờ, có lý lịch truy xuất nguồn gốc, đánh bắt ở phao số mấy, cách bờ bao nhiêu cây số. Còn đối với mặt hàng tôm, vùng nguyên liệu này sạch, lâu nay đã kiểm soát khá gắt gao. Hơn nữa, Phú Yên nằm cách xa các tỉnh miền Trung có hiện tượng cá chết. Có điều, cảnh báo của EU sẽ khiến việc kiểm soát gắt gao hơn, kiểm tra như vậy thông quan sẽ chậm nên thanh toán tiền hàng cũng chậm hơn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2015 xuất khẩu các mặt hàng hải sản của VN như: cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá khô, cá biển khác… đạt trên 2 tỉ USD, chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Trong 4 tháng đầu năm 2016, các mặt hàng hải sản xuất khẩu đạt 646 triệu USD. Năm 2016, xuất khẩu các mặt hàng hải sản đều được dự báo sẽ tăng so với năm ngoái, nhờ nguồn cung ổn định, nhu cầu hồi phục trên các thị trường chính. Trong đó dự báo xuất khẩu cá ngừ sẽ tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 10%, cua ghẹ, surimi, các loại cá biển và cá khô tăng 13%.

 

Chí Nhân – Đức Huy