24/12/2024

Chống xé lẻ để trị

Trước thềm Đối thoại Shangri-La lần thứ 15, Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Najib Bin Abdul Razak thể hiện nỗ lực chống xé lẻ để trị – một chiến thuật rất đáng ngại của Trung Quốc đang dùng để đối phó với ASEAN.

 

Chống xé lẻ để trị

 

Trước thềm Đối thoại Shangri-La lần thứ 15, Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Najib Bin Abdul Razak thể hiện nỗ lực chống xé lẻ để trị – một chiến thuật rất đáng ngại của Trung Quốc đang dùng để đối phó với ASEAN.

 

 

 

 

​Chống xé lẻ để trị
Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát biểu khai mạc Hội nghị bàn tròn châu Á – Thái Bình Dương lần 30 tại Kuala Lumpur ngày 30-5 – Ảnh: The Star Online

Trước thềm Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 (khai mạc hôm nay) với nhiều hứa hẹn đấu khẩu “bất tận” giữa lý lẽ và lý sự cùn, với những hoả mù tạo lẫn lộn giữa nguyên nhân và hậu quả của tình hình Biển Đông ngày càng dễ bùng nổ hơn bao giờ hết, đã có những hoạt động ngoại giao kênh 2, bán chính thức, để giải toả những ngộ nhận cùng ảo tưởng, tỉ như Hội nghị bàn tròn châu Á – Thái Bình Dương vừa kết thúc ở Kuala Lumpur.

Nếu biết rằng trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Najib Bin Abdul Razak đã ngỏ lời chào trân trọng lần lượt đến hoàng thân Norodom Sirivudh – cố vấn tối cao của quốc vương Campuchia, và ông Saleumxay Kommasith – bộ trưởng ngoại giao CHDCND Lào, do đây là hai vị khách tham dự cao cấp nhất ở bàn tròn này, thì sẽ hiểu “người nhận” chính của thông điệp mà Thủ tướng Najib đưa ra ở bàn tròn này là ai cũng như để làm gì.

Trước tiên, Thủ tướng Najib nhắc lại mục đích là nhằm “lường trước viễn cảnh châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai, và để cung cấp những đánh giá thẳng thắn và chi tiết về những diễn biến đang tác động đến khu vực”.

Và ông đánh giá thẳng thắn tình hình bằng một nhắc nhở: “…65% dân số 625 triệu người của ASEAN hiện nay là ở độ tuổi dưới 35.

Tương lai của cộng đồng chúng ta cùng với nền an ninh, sự ổn định và thịnh vượng rõ ràng thuộc về họ. Tương lai ấy tròn méo như thế nào là tuỳ vào các kế hoạch biến đổi mạnh mẽ mà chúng ta đang tiến hành vào lúc này vì thế hệ tương lai”.

Điều mà ông Najib nhắc nhở quả là không thừa do các quyết định vì lợi ích trước mắt, hiện tại, kể cả bản thân, hơn là vì các thế hệ mai sau sẽ phải gánh chịu hậu quả như thế nào.

Kế đến, ông Najib nhấn mạnh: “Tôi cũng tin rằng những chính khách nào đeo đuổi những lập trường đối ngoại cố tình đối nghịch chỉ vì danh vọng của mình đều là ích kỷ, thiển cận và tự gây hoạ cho đất nước họ. Lợi ích quốc gia phải đứng trước lợi ích cá nhân”.

Trong thực tế, đang có những chao đảo mất độc lập khiến ông Najib phải buộc lòng nói đến.

Cuối cùng, ông đi thẳng vào vấn đề Biển Đông và nhu cầu có một thái độ chín chắn của ASEAN: “Là những nước nhỏ hơn, các nước thành viên ASEAN phải có khả năng quản lý một cách hiệu quả các mối quan hệ với các cường quốc mà vẫn bảo vệ được lợi ích quốc gia của mình, đồng thời thúc đẩy hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung của cả khu vực”.

Có thể thấy rõ, ông nhắc nhở các nước hãy cố giữ thế quân bình, không ngả nghiêng, để cho các thế hệ mai sau đừng ôm hận vì thế hệ trước quá thiển cận và ích kỷ!

Như sợ một vài người nghe chưa hiểu rõ ý định, Thủ tướng Najib nói thêm: “Các nước thành viên ASEAN vẫn phải tăng cường đoàn kết, liên đới và gắn bó để đảm bảo một cách liên tục độ tin cậy, sự thích đáng của vai trò trung tâm của ASEAN…

Các diễn biến trên Biển Đông đòi hỏi các nước trong và ngoài khu vực phải rất thận trọng xử lý. Riêng trong nội bộ ASEAN, chúng ta nhắm đến việc sớm đúc kết một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đầy đủ ý nghĩa.

Trong khi chờ đợi, tôi kêu gọi tất cả chúng ta tái cam kết thực thi trọn vẹn và cụ thể Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC)”.

Rõ ràng, Thủ tướng Najib thể hiện sự nỗ lực chống xé lẻ để trị – một chiến thuật rất đáng ngại của người khổng lồ Trung Quốc đang dùng để đối phó với ASEAN.

DANH ĐỨC