Thái Lan cưỡng chế chùa Cọp
Ngày 1.6, ít nhất 40 xác cọp con được phát hiện bên trong ngôi chùa nổi tiếng hàng đầu tại Thái Lan.
Thái Lan cưỡng chế chùa Cọp
Ngày 1.6, ít nhất 40 xác cọp con được phát hiện bên trong ngôi chùa nổi tiếng hàng đầu tại Thái Lan.
Nằm ở tỉnh Kanchanaburi, cách thủ đô Bangkok 130 km về phía tây, chùa Pha Luang Ta Bua (còn gọi là chùa Cọp) là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Thái Lan vì nuôi thả hơn 130 con cọp. Từ lâu, nơi này được ca ngợi là một nơi linh thiêng để người và cọp có thể sống hoà thuận.
Du khách đến đây có thể tự do đi bộ giữa bầy cọp mà không có bất cứ biện pháp nuôi nhốt nào. Họ cũng có thể trả tiền để được chụp hình chung với cọp, cho cọp con bú sữa… Chi phí cho việc tắm, cho ăn và chơi với những con cọp là 140 USD/người.
1.000 người tham gia cưỡng chế
Tuy nhiên, từ lâu, các tổ chức động vật hoang dã quốc tế nhiều lần lên tiếng cáo buộc chùa Pha Luang Ta Bua ngược đãi và buôn lậu động vật hoang dã. Hồi tháng 2.2015, chùa này bị phát hiện nuôi không phép nhiều loài quý hiếm như chó rừng, gấu châu Á, chim mỏ sừng…
“Đây là địa ngục của động vật khi chúng phải trải qua phần lớn cuộc đời trong bức tường xi măng. Những con cọp cần được đưa đến những khu bảo tồn để có môi trường sống tốt hơn”, Tổ chức Bảo vệ động vật PETA nói trong một thông cáo báo chí.
Mới đây, giới chức Thái Lan chính thức mở cuộc điều tra nghi vấn mua bán cọp bất hợp pháp sau khi một bác sĩ thú y báo động về trường hợp 3 con cọp trưởng thành biến mất bí ẩn. Tuy nhiên, đến nay, Ban Quản lý chùa Cọp vẫn phản đối kịch liệt mọi cáo buộc và cho rằng họ đã nuôi cọp hơn 10 năm nay và không xảy ra vấn đề gì.
Sau nhiều lần không được sự hợp tác của các nhà sư, các cơ quan hữu trách cuối cùng đã xin được lệnh tòa án để tiến hành cưỡng chế đưa 137 con cọp ra khỏi chùa. Đợt đột kích cưỡng chế bắt đầu từ ngày 30.5 với sự tham gia của đại diện Tổ chức Động vật hoang dã Thái Lan cùng 1.000 người gồm nhân viên Cục Bảo tồn công viên quốc gia và động thực vật hoang dã, cảnh sát địa phương, binh lính… Quá trình này dự kiến kéo dài đến cuối tuần.
Theo ông Teunchai Noochdumrong, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Thái Lan, chùa thiếu giấy tờ chứng minh quyền sở hữu những con cọp trên. Vì vậy, theo luật những loài có nguy cơ tuyệt chủng của Thái, chúng thuộc về chính phủ.
Phát hiện kinh hoàng
Ngày 1.6, trong quá trình kiểm tra, cưỡng chế, nhà chức trách đã phát hiện 40 xác cọp con được cất giấu trong một hầm lạnh chứa thức ăn của cọp, chỉ huy Văn phòng Bảo tồn khu vực 3 Thái Lan Yanyong Lekavichit cho biết. “Đây là điều rất bất thường và chúng tôi sẽ điều tra ai là người chịu trách nhiệm với những xác cọp con này”, ông nói với giới báo chí.
Trước đó, trong một bài viết đăng trên mạng xã hội hồi tháng 3, giới quản lý chùa Pha Luang Ta Bua tuyên bố việc một số cọp con bị chết “là bình thường” và xác của chúng được lưu trữ từ năm 2010. Tuy nhiên, bài viết không đưa ra bất cứ thông tin về số lượng xác cọp cất giữ tại chùa.
Ngoài ra, đại diện chùa Cọp khẳng định các quan chức Cục Bảo tồn động vật hoang dã đã được thông báo về tất cả những trường hợp cọp con bị chết hồi tháng 12.2015 khi đến kiểm tra số lượng cọp tại chùa.
“Chúng tôi đã khai báo mọi cái chết của cọp cho các quan chức trong những năm qua”, cựu đại tá cảnh sát Supitpong Pakdjarung, người điều hành hoạt động kinh doanh của chùa cho biết. Theo ông này, việc lưu trữ xác cọp là bằng chứng cho thấy “không có bất kỳ con cọp nào được mua bán ngoài thị trường chợ đen”.
Tuy nhiên, các viên chức thuộc Cục Bảo tồn động vật hoang dã cho biết họ chỉ nhận được báo cáo về một trường hợp duy nhất trong số cọp chết tại chùa Pha Luang Ta Bua. Hiện nay, nhiều ý kiến tại Thái Lan cho rằng số xác cọp con vừa phát hiện có thể là bằng chứng về nghi án chùa Cọp ngược đãi và mua bán động vật hoang dã trái phép. Có người nghi ngờ chúng dùng để cung cấp cho các cơ sở nấu cao hổ cốt trái phép.
Thái Lan từ lâu bị xem là một trong những trung tâm “chợ đen” mua bán động vật hoang dã, quý hiếm khét tiếng ở châu Á, đóng vai trò cung cấp, trung chuyển cho những thị trường có nhu cầu cao, đặc biệt là Trung Quốc. Năm 2015, chính phủ nước này ban hành luật mới về bảo vệ động vật, hạn chế ngược đãi thú vật nhưng nhiều chuyên gia cho rằng luật chưa được thực thi một cách hiệu quả.
Xổng chuồng khi đang di dời
Đến ngày 1.6, nhà chức trách Thái Lan đã di dời 52 con cọp từ chùa Cọp đến Trung tâm nghiên cứu động vật hoang dã tỉnh Ratchaburi. Để đảm bảo an toàn, hiện du khách không được vào tham quan chùa Cọp. Trong quá trình di chuyển, một con cọp đã bất ngờ xổng chuồng và trốn thoát khiến chính quyền phải huy động 400 người để tìm kiếm. Cuối cùng nó bị phát hiện đang đuổi theo một con heo gần cổng chính của chùa và bị bắn thuốc mê để đưa lại vào chuồng.
Trong khi đó, ông Supitpong Pakdjarung, người điều hành hoạt động kinh doanh của chùa Cọp hôm 1.6 cho biết đã xin được giấy phép mở một vườn thú gần đó. “Xin vui lòng nhanh chóng di dời các con cọp nhanh và chúng tôi sẽ tiến hành kế hoạch xây dựng vườn thú để làm nhà mới cho chúng”, ông nói.
|
Lam Yên
(Văn phòng Bangkok)