23/12/2024

Malaysia kêu gọi ASEAN chung tiếng nói về Biển Đông

Bất chấp những thách thức địa chính trị, trong đó có vấn đề Biển Đông, các quốc gia ASEAN phải tiếp tục duy trì sự đoàn kết và nói cùng một tiếng nói.

 

Malaysia kêu gọi ASEAN chung tiếng nói về Biển Đông

 

Bất chấp những thách thức địa chính trị, trong đó có vấn đề Biển Đông, các quốc gia ASEAN phải tiếp tục duy trì sự đoàn kết và nói cùng một tiếng nói.

 

 

 

 

 

 

Malaysia kêu gọi ASEAN chung tiếng nói về Biển Đông
Bảng giới thiệu bằng tranh sinh động về Hội nghị bàn tròn châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 30 – Ảnh: Q.TR.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein tại phiên toàn thể thứ nhất Hội nghị bàn tròn châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 30 – APR@30, khai mạc sáng 31-5 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Trung Quốc trong một thập kỷ qua đã làm mọi cách để củng cố yêu sách đường chín đoạn. Nếu các quốc gia tuyên bố chủ quyền đều làm theo cách của Philippines thì sẽ gây áp lực thực sự lên các yêu sách của Trung Quốc

TS JAMES BOUTILIER

Thực tế nhức nhối

Trong bài phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất với chủ đề “An ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương: tình trạng hiện tại và hướng đi tương lai”, Bộ trưởng quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein nhấn mạnh hai thách thức an ninh lớn nhất trong khu vực hiện nay chính là chủ nghĩa khủng bố và tranh chấp chủ quyền ở 
Biển Đông.

“Chúng ta không thể tránh né một thực tế rằng các xung đột lãnh thổ vẫn là một vấn đề nhức nhối giữa các quốc gia trong khu vực, trong đó chủ yếu vẫn là Biển Đông, nguồn cơn căng thẳng giữa các quốc gia ASEAN và đối tác đối thoại Trung Quốc” – ông Tun Hussein nói.

Bộ trưởng Tun Hussein cho biết quan điểm của Malaysia về vấn đề Biển Đông là mọi tranh chấp nên được các bên liên quan giải quyết một cách thân tình thông qua các biện pháp hoà bình, tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tuân theo các quy tắc được công nhận phổ quát của luật pháp quốc tế.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng Malaysia luôn luôn theo dõi các diễn biến gần đây trên Biển Đông, trong đó có lưu ý đến việc có bên sử dụng các phương tiện cưỡng ép và quân sự để giành lợi thế trong các cuộc tranh chấp” – ông Tun Hussein nói.

Trước đó, trong bài diễn văn khai mạc APR, thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Najib Tun Razak kêu gọi các quốc gia ASEAN hướng đến việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hoà bình.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhấn mạnh dù phải đối mặt với hàng loạt thách thức, ASEAN cần tăng cường đoàn kết, thống nhất và gắn kết để đảm bảo tiếp tục có được sự tín nhiệm và phù hợp với vai trò trung tâm của khu vực trong bối cảnh địa chính trị khu vực đang có những thay đổi cả về không gian mạng, trên đất liền, trên biển và trên không.

Đề cập vấn đề Biển Đông, ông Najib cho rằng các diễn biến trên Biển Đông thời gian qua cho thấy các quốc gia cả trong và ngoài khu vực cần phải xử lý hết sức 
thận trọng.

Chia rẽ cả trên biển 
lẫn đất liền

Tiến sĩ Seiichiro Takagi từ Học viện các vấn đề quốc tế (JIIA) của Nhật Bản cho rằng một trong những thách thức lớn nhất mà ASEAN đang đối mặt chính là tìm cách cân bằng quan hệ giữa các nước lớn, cụ thể là với hai đối tác đối thoại Mỹ và Trung Quốc.

Theo ông Takagi, Mỹ đang cố gắng kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua chính sách tái cân bằng sang châu Á, trong khi Trung Quốc tự tin cho thấy nước này đủ nguồn lực để thách thức chính sách này của Mỹ.

Trả lời câu hỏi của một học giả người Campuchia “Nhật Bản sẽ làm gì để đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực?”, tiến sĩ Seiichiro Takagi cho rằng quan điểm nhất quán của Nhật vẫn là ủng hộ các nước giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp hoà bình và thông qua luật pháp quốc tế.

Ông Takagi dẫn ví dụ Nhật ủng hộ sử dụng luật pháp quốc tế trong việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài liên quan đến yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa Nhật Bản ủng hộ các yêu sách chủ quyền của Philippines.

Đại sứ Shivshankar Menon, nguyên cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, cho rằng sự đoàn kết của ASEAN rất quan trọng và ASEAN cần phải cảnh giác những âm mưu gây chia rẽ từ các quốc gia bên ngoài.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak – giám đốc Học viện nghiên cứu quốc tế và an ninh (ISIS) ĐH Chulalongkorn, Thái Lan – nhận định rất khó cân bằng quan hệ giữa ASEAN với các siêu cường như Trung Quốc và Mỹ vì mỗi quốc gia ASEAN đều có những lợi ích khác nhau.

“Nếu Trung Quốc hạ giọng thì các nước ASEAN có thể đoàn kết lại, nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục gia tăng các yêu sách chủ quyền, chẳng hạn như xây dựng các đảo nhân tạo, sẽ buộc ASEAN nhìn theo các hướng khác nhau” – TS Thitinan nhận xét.

Vị học giả người Thái nhận xét thêm ASEAN đang bị chia rẽ cả trên biển lẫn đất liền, cụ thể là tranh chấp lãnh thổ căng thẳng ở Biển Đông liên quan đến các quốc gia ASEAN và Trung Quốc cũng như những quan điểm khác nhau về các đập thuỷ điện ở sông Mekong.

“Đây là hai chuyện mà tôi dự đoán sẽ có thêm nhiều căng thẳng trong thời gian tới” – TS Thitinan nói.

Liên quan đến sự kiện toà trọng tài chuẩn bị ra phán quyết về việc Philippines kiện Trung Quốc trong những ngày tới, tiến sĩ James Boutilier, cố vấn Lực lượng hàng hải Thái Bình Dương (Canada), cho biết hầu hết các chuyên gia quốc tế đều nhận định t trọng tài sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines.

Ông Boutilier ủng hộ các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông sử dụng các biện pháp pháp lý như Philippines đã làm.

300 đại biểu tham gia hội nghị

APR do Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ASEAN (ASEAN-ISIS) – một mạng lưới các cơ quan nghiên cứu hàng đầu của khu vực Đông Nam Á – tổ chức hằng năm.

Sự kiện năm nay quy tụ hơn 300 nhà làm chính sách, học giả, nhà báo, các nhà bình luận, tham gia thảo luận về các vấn đề tác động đến an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đoàn Việt Nam có 2 đại biểu là PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng (quyền giám đốc Học viện Ngoại giao) và TS Trần Trường Thuỷ (quyền giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao).

PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng tham gia với vai trò điều phối viên của buổi thảo luận về Đông Bắc Á ngày 31-5, còn TS Trần Trường Thuỷ là diễn giả của phiên toàn thể chủ đề “An ninh và ổn định ở Biển Đông: các khả năng xảy ra trong bối cảnh phức tạp” diễn ra chiều 1-6.

QUỲNH TRUNG (từ Kuala Lumpur, Malaysia)