23/12/2024

Mỗi sở ngành đều phải cam kết hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ tịch UBND TP.HCM sẽ chủ trì gặp gỡ, lắng nghe doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, mỗi sở ngành đều cam kết hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể…

 

Mỗi sở ngành đều phải cam kết hỗ trợ doanh nghiệp

 

Chủ tịch UBND TP.HCM sẽ chủ trì gặp gỡ, lắng nghe doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, mỗi sở ngành đều cam kết hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể… 

 

 

 

Mỗi sở ngành đều phải cam kết hỗ trợ doanh nghiệp 
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì phiên họp – Ảnh: TỰ TRUNG

 

 

Đó là những công việc sắp tới TP.HCM sẽ quyết liệt thực hiện nhằm hỗ trợ tối đa doanh nghiệp.

Trong phiên họp về tình hình kinh tế  - văn hoá – xã hội, quốc phòng an ninh tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016 do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì sáng 30-5, lãnh đạo TP.HCM đã dành phần lớn thời gian để nói về định hướng, phương thức hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới.

Theo ông Phong, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của TP.HCM là cái gì đã nêu lên phải đeo bám cho tới cùng, không cần phải dàn trải nhiều, mà làm cái nào ra cái đó thì sẽ tạo ra nhiều chuyển biến.

Liên kết để giữ vững thị trường bán lẻ

Tại phiên họp, ông Nguyễn Thành Phong nói tới đây ông sẽ chủ trì một cuộc họp để bàn giải pháp ổn định và giữ vững thị trường bán lẻ TP.HCM. Theo số liệu báo cáo mới nhất, hiện các nhà bán lẻ nước ngoài đang chiếm tới 51% thị phần tại thị trường bán lẻ ở TP.HCM.

Dẫn chứng việc người Thái mua Metro, Nguyễn Kim, mở hệ thống B’s Mart; việc nhãn hàng bán lẻ AEON của Nhật cũng tuyên bố sẽ đưa VN thành thị trường bán lẻ thứ nhì của khu vực sau Malaysia, ông Phong cho rằng với định hướng chiến lược của họ, nếu chúng ta không có đối sách thì sẽ mất thị trường bán lẻ, các “ông lớn” nước ngoài sẽ chi phối hoàn toàn thị trường bán lẻ của chúng ta.

Điều này rất hệ trọng, bởi hệ thống bán lẻ còn là đầu ra của sản xuất. Do đó, ông Phong yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp phải cùng bàn bạc đưa ra giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh. “Chủ động bây giờ là chậm nhưng chậm còn hơn thấy mà chịu thua” – ông Phong nói.

Đánh giá về tình hình doanh nghiệp TP.HCM thời gian tới, ông Võ Văn Hoan, chánh văn phòng UBND TP.HCM, cho rằng khi các hiệp định tự do thế hệ mới có hiệu lực thì còn nhiều khó khăn hơn nữa cho doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư nước ngoài tấn công thị trường rất tinh vi, thành lập các mạng lưới, tiến tới thôn tính, nhiều hệ thống bán lẻ nước ngoài làm cả một chuỗi sản phẩm để đưa ra thị trường. Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Sử Ngọc Anh cho rằng bài học kinh nghiệm là phải liên kết chặt chẽ giữa các kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại.

“Chúng ta có hai hệ thống bán lẻ Satra và Saigon Co.op. Chúng ta có chợ truyền thống, mỗi quận huyện có 4-5 chợ, vấn đề là kết nối các kênh bán lẻ này lại như thế nào” – ông Ngọc Anh nói.

Nói về mối liên kết giữa các đơn vị bán lẻ hàng đầu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến băn khoăn: “Sau khi làm việc với Satra và Saigon Co.op, tôi thấy sự liên kết ở các công ty nhà nước rất hạn chế”.

Kiểm tra việc xin lỗi dân

Ông Võ Văn Hoan đề xuất trong tháng 6 này sẽ có một cuộc họp chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Sẽ nghiên cứu, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, mỗi ngành xác định trong thẩm quyền của mình phải làm gì cho doanh nghiệp, còn vướng mắc gì thì tập hợp lại để kiến nghị.

Phải như vậy mới ra được vấn đề, chứ hiện nay các ngành đang làm theo khả năng của mình chứ không giải được bài toán về đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng hỗ trợ doanh nghiệp không thể nói chung chung. Sở Kế hoạch và đầu tư phải có chương trình cụ thể như sẽ giảm được bao nhiêu ngày khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, ngành quy hoạch, xây dựng, tài nguyên môi trường cũng có chương trình cụ thể của mình” – ông Hoan nói.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu việc hỗ trợ doanh nghiệp phải cụ thể, chứ không nói chung chung được. Ông giao cho các sở ngành liên quan chuẩn bị các giải pháp cụ thể để bàn trong các cuộc làm việc sắp tới.

Ông đề nghị Sở Công thương sau cuộc họp này sẽ tổ chức cho ông gặp gỡ doanh nghiệp của bốn ngành công nghiệp chủ lực để nghe các khó khăn cụ thể. Việc gặp gỡ sẽ được tiến hành trước kỳ họp HĐND, có thể trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7.

Ông Phong chỉ đạo Sở Công thương gấp rút hoàn thành quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ, xây dựng chương trình về thương hiệu của TP.HCM với những sản phẩm cụ thể.

Đồng tình với quan điểm “đồng hành với doanh nghiệp”, ông Trần Vĩnh Tuyến tiếp cận thêm vấn đề ở một góc độ khác là cải cách hành chính. Ông cho biết trong tháng 6, TP sẽ kiểm tra việc thực hiện xin lỗi dân. Quy định của TP là hồ sơ trễ hẹn thì người đứng đầu UBND, sở ngành phải trực tiếp ký văn bản xin lỗi dân.

Ông Tuyến cho biết UBND TP.HCM sẽ có đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh về các hồ sơ hành chính trễ hẹn mà người có thẩm quyền không thực hiện việc xin lỗi. Nếu những phản ảnh này là có cơ sở thì cá nhân, đơn vị có liên quan lần đầu sẽ phải làm kiểm điểm, lần sau là kỷ luật, liên đới trách nhiệm người đứng đầu.

Mỗi sở ngành đều phải cam kết hỗ trợ doanh nghiệp 
Thời gian qua, Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM có nhiều thay đổi để rút ngắn thủ tục đăng ký kinh doanh. Trong ảnh: một đại diện doanh nghiệp đến làm thủ tục tại quầy dịch vụ mới – trả hồ sơ qua bưu điện, tại sở này chiều 30-5 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn về giải ngân 

Ngày 30-5, kết luận cuộc họp với một số bộ ngành, cơ quan liên quan về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 5 và 5 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, không để bị động trong chỉ đạo điều hành, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

“Kiên quyết giữ vững các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế – xã hội đã đề ra” – Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu bên cạnh quyết tâm, nỗ lực, các bộ ngành phải có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, “không nói chung chung”.

Thủ tướng nhấn mạnh việc huy động các nguồn lực, cả bên trong và bên ngoài, để giữ vững tốc độ tăng trưởng. Trong đó, giải ngân mạnh mẽ các nguồn vốn cho xây dựng cơ bản, để đồng vốn đến các công trình, dự án, phát huy hiệu quả.

Không để tình trạng có tiền mà không giải ngân được, không để vốn ODA, trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn ngân sách còn dư mà không giải ngân được. Thủ tướng cũng yêu cầu thành lập tổ công tác, kiểm tra, rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xử lý kịp thời. 

Chinhphu.vn

Doanh nghiệp nói gì?

* Ông Phạm Ngọc Hưng (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Các phản ảnh sẽ được lắng nghe kịp thời hơn

Việc TP.HCM công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh về các hồ sơ hành chính trễ hẹn hay cơ quan nào gây nhũng nhiễu doanh nghiệp là một phương án hỗ trợ khả thi, doanh nghiệp sẽ tránh được những kiện cáo, kiện tụng không cần thiết.

Trước đây, khi chưa có đường dây nóng, nhiều doanh nghiệp gặp khó cứ cầu cứu hiệp hội, nhờ những quan hệ quen biết với cấp lãnh đạo để được giải quyết nhanh chóng, nhưng cũng mất cả mấy ngày sau. Việc “đi tắt” như vậy chỉ có thể giải quyết một vài trường hợp riêng lẻ.

* Ông Trần Quốc Nam (Công ty dịch vụ tư vấn thuế TQN):

Cần quy định rõ xin lỗi như thế nào

Thường xuyên đi giải quyết các hồ sơ, tôi có cảm nhận là gần đây thái độ của công chức có cải thiện, dù đôi khi việc giải quyết hồ sơ vẫn chậm trễ 1-2 ngày.

Nay UBND cho biết TP sẽ có đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh về các hồ sơ hành chính trễ hẹn mà người có thẩm quyền không thực hiện việc xin lỗi, tôi kiến nghị cần quy định rõ là xin lỗi như thế nào, bằng văn bản hay xin lỗi miệng để các cơ quan nhà nước có căn cứ thực hiện và doanh nghiệp cũng biết được quyền của mình.

Chứ như hiện nay dù hồ sơ trễ nhưng nhận được lời xin lỗi bằng miệng từ cơ quan nhà nước đã khó chứ nói gì xin lỗi bằng văn bản.

* Bà Nguyễn Kim Hương (giám đốc Công ty Ngô Minh): 

Đừng để mất hệ thống bán lẻ

Doanh nghiệp nhỏ VN gặp rất nhiều khó khăn, nhưng điều chúng tôi đang đối mặt rõ nhất chính là việc bán hàng ngày càng trở nên bấp bênh hơn. Từ năm ngoái đến nay, doanh số bán hàng của doanh nghiệp trong hệ thống siêu thị giảm hẳn.

Từ khi siêu thị rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, hàng ngoại nhập cũng tràn vào. Khó khăn của doanh nghiệp không chỉ đến từ năng lực cạnh tranh sản phẩm mà còn ở đầu ra. Cơ quan quản lý cần có chính sách để không mất thị trường bán lẻ, đừng để nước ngoài chi phối hết thị trường bán lẻ.

Hỗ trợ bán hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm để doanh nghiệp VN có cơ hội bán hàng là cách hỗ trợ mà doanh nghiệp nào cũng cần.

N.BÌNH - ÁNH HỒNG ghi

 

MAI HOA ([email protected])