23/12/2024

Hỗ trợ ngư dân khi giá cá biển sụt giảm

Khác với cảnh nhộn nhịp thường thấy vào khoảng 2-3g sáng, cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng – cảng cá lớn nhất miền Trung gần một tháng qua thường vắng vẻ.

Hỗ trợ ngư dân khi giá cá biển sụt giảm 

 

 Khác với cảnh nhộn nhịp thường thấy vào khoảng 2-3g sáng, cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng – cảng cá lớn nhất miền Trung gần một tháng qua thường vắng vẻ.

 

 

 

 

Hỗ trợ ngư dân khi giá cá biển sụt giảm 
Đoàn cán bộ TP Đà Nẵng kiểm tra tình hình tiêu thụ hải sản để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân – Ảnh: Hữu Khá

Dù được đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa, sản phẩm hoàn toàn sạch nhưng nhiều ngư dân đội tàu cá “Hoàng Sa – Trường Sa” cũng khốn đốn bởi thông tin cá chết tại vùng biển gần bờ cách nay hơn một tháng, giá cá giảm mạnh và khó tiêu thụ.

Ngoài việc tổ chức cho cán bộ túc trực 24/24 giờ tại cảng cá để xác nhận nguồn gốc và hải sản an toàn đối với sản phẩm được tàu cá đánh bắt xa bờ đưa về, các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng cũng cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thu mua cá, đồng thời kêu gọi người dân tiêu thụ cá sạch để hỗ trợ ngư dân.

Giá chỉ còn 50-60%

Khác với cảnh nhộn nhịp thường thấy vào khoảng 2-3g sáng tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) – cảng cá lớn nhất miền Trung, gần một tháng qua cảng cá này vắng vẻ hơn, không còn cảnh hàng ngàn người, xe vào ra tấp nập buôn bán, đưa hải sản đi tiêu thụ.

Vừa cho tàu cập cảng sau chuyến đánh bắt dài ngày ở vùng biển Hoàng Sa, ngư dân Châu Văn Thuận (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết cá đánh về nhiều nhưng giá rớt quá.

Theo ông Thuận, giá cá chủa trước đây bán được 30.000-35.000 đồng/kg, nay chỉ còn 15.000-20.000 đồng/kg.

“Không lỗ, nhưng chẳng lãi được đồng nào. Chỉ đủ tiền trả công cho anh em đi bạn. Bây giờ không có lãi cũng phải ra khơi để giữ chân, đời sống cho bạn thuyền. Chứ mình bỏ thuyền nằm bờ, ngư dân sẽ bỏ đi tứ tán không biết làm gì nuôi vợ con” – ông Thuận nói.

Ngư dân Lê Văn Chiến (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) – chủ nhiều con tàu đánh bắt cá ở biển Hoàng Sa – cho biết sau gần một tháng kể từ khi có thông tin cá chết ở một số tỉnh miền Trung, không chỉ ngư dân đánh bắt ven bờ mà cả những tàu đánh bắt xa bờ, từ vùng biển Hoàng Sa trở về cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Chiến, không chỉ giá cá bình quân đã giảm gần 50% so với trước mà việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn. Chỉ tay xuống hầm cá ngừ đại dương vừa câu về, ông Chiến nói:

“Cá ngừ này đánh ở vùng biển Hoàng Sa, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Vậy mà nay chỉ bán được 45.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức giá 70.000 đồng/kg trước đây, nhưng vẫn bị kỳ kèo bớt một thêm hai”.

Ngư dân Trần Văn Vốn (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), từng có một con tàu bị Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa, cũng bức xúc cho rằng chẳng hiểu sao ngay cả cá được đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa – Trường Sa, chẳng liên quan gì đến vụ cá chết gần bờ nhưng cũng bị vạ lây, giá giảm mạnh và khó tiêu thụ.

Theo quan sát của PV Tuổi Trẻ tại các chợ lớn ở Đà Nẵng như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa… lượng cá tiêu thụ trong thời gian gần đây ít hơn so với trước.

Ngay cả các điểm thuộc chuỗi bán cá sạch được TP Đà Nẵng triển khai ngay sau khi xảy ra vụ cá chết, lượng cá mực bán ra cũng không được nhiều.

Xác nhận 
“hải sản an toàn”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thừa nhận tâm lý e ngại việc tiêu thụ cá khiến đời sống ngư dân gặp khó khăn, đặc biệt những ngư dân đánh bắt cá xa bờ cũng bị vạ lây.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, theo ông Thơ, TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tiêu thụ cá bởi cá đánh bắt xa bờ tuyệt đối an toàn, không có lý do gì lại không sử dụng.

“Chính quyền TP đang làm mọi cách để hỗ trợ ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn này” – ông Thơ khẳng định, đồng thời cho biết yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng tiếp tục lấy mẫu phân tích hằng ngày để công bố rộng rãi cho người dân biết.

Ngoài ra, ông Thơ cũng đề nghị ngành nông nghiệp và công thương TP Đà Nẵng phải hành động ngay trong việc xác nhận hải sản sạch để kịp thời đưa đến tay người tiêu dùng. Các cơ quan truyền thông làm cầu nối giúp ngư dân thoát qua cơn khó khăn này.

Theo ông Nguyễn Tứ – Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Đà Nẵng, Nhà nước không thể can thiệp sâu vào thị trường được mà chỉ có thể hỗ trợ bằng cơ chế để giúp người dân bán được cá.

Trong đó, vấn đề quan trọng là giải tỏa tâm lý của người dân thông qua việc xác nhận vùng đánh cá an toàn.

“Hiện cán bộ Chi cục Thuỷ sản TP Đà Nẵng và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng đã túc trực 24/24 giờ ở cảng cá Thọ Quang, phối hợp với Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng giúp chủ tàu xác nhận vùng khai thác an toàn để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm an toàn từ 20 hải lý trở ra” – ông Tứ cho biết.

Ngoài ra, theo một cán bộ Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, cơ quan này đã làm việc với một số doanh nghiệp, đề nghị hỗ trợ thu mua cá cho ngư dân, không để ngư dân đánh cá về không bán được.

“Các công ty tham gia chương trình này sẽ được TP hỗ trợ phần lãi vay ngân hàng” – vị này cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cho rằng cá được đánh bắt về từ ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa đang bị “oan”, bởi chất lượng cá rất tốt và an toàn.

Theo ông Lĩnh, người tiêu dùng nên tỉnh táo để chọn hải sản sạch mà tiêu dùng trở lại nhằm giúp ngư dân.

“Bởi các tàu đánh bắt trở về cảng tại Đà Nẵng đều được cơ quan chức năng kiểm tra kỹ lưỡng và cấp giấy chứng nhận thực phẩm an toàn. Hơn nữa, cá đánh bắt từ ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa về không có lý do gì mà không ăn được” – ông Lĩnh nói.

* Ngư dân Lê Văn Chiến (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng):

Dân ăn cá trở lại, chúng tôi mới yên tâm bám biển

Cũng như hàng ngàn ngư dân đánh bắt xa bờ khác tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi…, gia đình tôi đã gắn bó với ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa từ nhiều năm nay.

Ngoài hoạt động đánh bắt hải sản, ngư dân chúng tôi còn có ý thức tham gia bảo vệ chủ quyền. Đây cũng là lý do mà trước đây, bất cứ lúc nào ngư dân gặp khó khăn, bất trắc trên biển đều được người dân cả nước luôn đứng bên cạnh, ủng hộ cả tiền bạc lẫn tinh thần.

Nhưng sau thông tin vụ cá chết gần bờ, người dân e dè trong việc sử dụng hải sản, nên cá mực chúng tôi đánh bắt về từ vùng biển Hoàng Sa chắc chắn là an toàn bởi cách đất liền mấy trăm hải lý, nhưng giá bị giảm sút mạnh.

Chúng tôi chỉ hi vọng người dân hãy tiêu thụ cá trở lại, với đầy đủ chứng nhận nguồn gốc đánh bắt xa bờ và an toàn thực phẩm.

Việc tiêu thụ cá sạch của đội tàu Hoàng Sa – Trường Sa sẽ gián tiếp giúp chúng tôi yên tâm bám biển dài ngày trở lại, cũng là một cách góp phần bảo vệ vùng biển chủ quyền VN.

HỮU KHÁ