Phá dải phân cách để né trạm thu phí
Khi việc thu phí bắt đầu thì người dân đã tự đập phá và tháo dỡ một đoạn dải phân cách dài khoảng 25 m làm lối qua lại và quay đầu xe né trạm.
Phá dải phân cách để né trạm thu phí
Khi việc thu phí bắt đầu thì người dân đã tự đập phá và tháo dỡ một đoạn dải phân cách dài khoảng 25 m làm lối qua lại và quay đầu xe né trạm.
Trên địa bàn P.Ba Láng, Q.Cái Răng (TP.Cần Thơ) đã xảy ra tình trạng người dân tự ý tháo dỡ dải phân cách trước trạm thu phí BOT QL1 Cần Thơ – Phụng Hiệp, mở lối quay đầu xe đi vào đường khu dân cư để né trạm thu phí.
Dự án mở rộng QL1 đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp do Công ty TNHH Cần Thơ – Phụng Hiệp đầu tư, đã được Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho phép thu phí để hoàn vốn từ tháng 4.2016. Tuy nhiên, khi công ty này bắt đầu thu phí thì người dân đã tự đập phá và tháo dỡ một đoạn dải phân cách dài khoảng 25 m làm lối qua lại và quay đầu xe né trạm. Nhân viên trạm thu phí và đơn vị thi công đã nhiều lần sửa chữa, lắp đặt lại, nhưng sau đó lại tiếp tục bị tháo dỡ.
Theo nhiều người địa phương và các doanh nghiệp có cơ sở kinh doanh gần trạm thu phí, đơn vị quản lý trạm thu phí không có biện pháp giải quyết hợp tình, hợp lý khiến họ bị thiệt thòi khi xe qua lại trạm “chỉ đi một đoạn đường ngắn mà phải trả phí cao”. Mức thu cao nhất là 200.000 đồng/vé lượt đối với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet; thấp nhất là xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng mức thu 35.000 đồng/vé lượt.
Ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ, cho biết lãnh đạo Sở đã nhiều lần phối hợp UBND Q.Cái Răng trực tiếp giải thích, yêu cầu người dân và doanh nghiệp trong khu vực không tiếp tục tháo dỡ dải phân cách, nhưng tình hình diễn biến rất phức tạp, nhiều khả năng người dân và doanh nghiệp tiếp tục tháo dỡ dải phân cách phía sau của trạm thu phí. “Để tránh thiệt thòi cho người dân và doanh nghiệp thuộc P.Ba Láng lưu thông trên tuyến QL1, Sở GTVT đã có công văn đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo cho các đơn vị liên quan phối hợp với Sở và địa phương nhanh chóng xem xét các phương án tổ chức lại giao thông phía trước và sau trạm thu phí, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được công văn phúc đáp”, ông Đồng nói.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều xe con, xe khách, xe tải… lưu thông trên QL1 hướng từ Cần Thơ về các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, khi đến chỗ dải phân cách bị phá dỡ đã quay đầu lại, đi khoảng 200 m rồi rẽ vào đường Trần Hưng Đạo B (đường vào khu dân cư thuộc P.Thường Thạnh và P.Ba Láng, Q.Cái Răng), đi tiếp khoảng hơn 3 km nữa để vào tỉnh lộ 925 thuộc địa bàn quản lý của tỉnh Hậu Giang, sau đó chạy hơn 2 km là ra QL1 (phía sau trạm thu phí). Chiều ngược lại, các phương tiện ô tô cũng né trạm theo đường này.
Đáng chú ý là trong cung đường vòng né trạm nêu trên, có một đoạn từ P.Ba Láng đến P.Thường Thạnh (Q.Cái Răng) chỉ cho phép xe dưới 8 tấn lưu thông, nhưng rất nhiều xe né trạm là xe tải, xe khách, trong đó có cả xe có tổng tải trọng trên 10 tấn. Do các loại xe tải trọng lớn ùn ùn qua lại suốt ngày đêm nên đoạn đường này có nguy cơ bị “băm nát”.
“Từ khi trạm thu phí đi vào hoạt động đến nay, người dân ở đây không đêm nào được yên giấc. Đường sá thì xuống cấp nghiêm trọng do quá tải, khiến việc đi lại của bà con ngày càng khó khăn. Mong sao các cơ quan chức năng sớm có giải pháp thích hợp cứu con đường này để người dân bớt khổ”, ông Nguyễn Văn Tiến, người dân sống gần khu vực dân cư gần đường nối vào tỉnh lộ 925, bức xúc.
Ông Bùi Quốc Dũng, Phó chánh thanh tra Sở GTVT Cần Thơ, cho biết Sở đã có công văn đề nghị UBND và Công an Q.Cái Răng chỉ đạo lực lượng chủ động phối hợp Thanh tra Sở GTVT tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tại Trạm thu phí Ba Láng và trên các tuyến đường có phương tiện giao thông né trạm thu phí. Tuy nhiên, việc xử phạt gặp rất nhiều khó khăn. “Mặc dù biết rằng các ô tô lưu thông trên đoạn đường trên là né trạm thu phí, nhưng không thể xử phạt nếu không chở quá tải. Hơn nữa, đoạn đường mà các phương tiện ô tô né trạm đi qua lại không có biển báo cấm ô tô lưu thông, nên lực lượng chức năng cũng không biết cách nào để xử lý”, ông Dũng nói.
|
Mai Trâm