Phiên dịch người Việt ở toà án Mỹ
Họ được gọi là “thông dịch viên hữu thệ” vì sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề ở toà án, họ bắt buộc phải tuyên thệ trước toà, cam kết chuyển ngữ một cách trung thực và chính xác.
Phiên dịch người Việt ở toà án Mỹ
Họ được gọi là “thông dịch viên hữu thệ” vì sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề ở toà án, họ bắt buộc phải tuyên thệ trước toà, cam kết chuyển ngữ một cách trung thực và chính xác.
Ngoài nghề luật sư và thông dịch viên, anh Huỳnh Tuấn Kiệt còn là nhiếp ảnh gia đi chụp ảnh các cuộc thi đấu thể thao ở bang California – Ảnh: NVCC |
Những ai xem clip diễn viên Minh Béo ra toà tại Mỹ, nếu để ý sẽ thấy một người mặc đồ vest đứng sát Minh Béo, miệng liên tục lẩm nhẩm. Tại toà, người ấy được gọi là thông dịch viên hữu thệ (Certified Court Interpreter), có nhiệm vụ hỗ trợ ngôn ngữ cho Minh Béo và những người liên quan ở phiên tòa.
Gọi là “thông dịch viên hữu thệ” vì sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề ở tòa án, họ bắt buộc phải tuyên thệ trước tòa, cam kết chuyển ngữ một cách trung thực và chính xác.
Thông dịch viên hữu thệ cũng bắt buộc phải trải qua những khoá học dịch thuật pháp lý, được cấp chứng chỉ rồi mới được hành nghề.
Tôi đã trải qua những ngày tháng khổ luyện gian nan trước khi lấy được bằng. Ngoài chuyện học ở trường, tôi còn tự tìm tòi ra nhiều cách tập luyện khác, ví dụ như tự tập dịch trên xe khi nghe chương trình qua radio hay tự tập dịch khi xem truyền hình… Có lẽ sự đam mê công việc phiên dịch đã giúp tôi vượt qua nhiều trở ngại |
Hai lần xuất hiện ở phiên tòa xử Minh Béo
Đó là Huỳnh Tuấn Kiệt (sinh năm 1966). Thật ngẫu nhiên là cả hai phiên toàcủa Minh Béo (ngày 15-4 và 13-5), anh Kiệt đều được chọn làm phiên dịch viên.
Kiệt cho biết anh định cư tại Mỹ năm 15 tuổi, khi đến Mỹ thì hầu như không biết một chữ tiếng Anh “lận lưng” nào. Anh nỗ lực học, từng bước hội nhập với xã hội Mỹ trước khi lấy bằng luật sư, hành nghề tại bang California.
Nhưng hiện tại anh lại sống bằng nghề thông dịch ở Toà thượng thẩm Quận Cam vì như anh tâm sự: anh yêu thích nghề phiên dịch.
Anh Kiệt cho biết: “Việc tôi có đến hai lần xuất hiện trước tòa trong vụ việc Minh Béo là hết sức tình cờ. Hằng ngày, nhóm thông dịch viên hữu thệ chúng tôi gồm chín người phải đi làm việc ở năm, sáu chi nhánh toà khác nhau của Tòa thượng thẩm Quận Cam. Thường mỗi sáng khi đến toà chúng tôi mới nhận lịch làm việc, lúc ấy từng cá nhân mới biết sẽ đi dịch trong ngày ở đâu”.
Ở phiên toà đầu tiên của Minh Béo, phần phiên dịch của Kiệt “nhẹ” hơn vì luật sư Đỗ Phủ có thể nói tiếng Việt trôi chảy. Nhưng sang phiên toà thứ hai, sau khi Minh Béo xin đổi luật sư từ Đỗ Phủ sang bà Mia Yamamoto, anh Kiệt còn phải trợ giúp ngôn ngữ cho luật sư mới.
Anh Kiệt tâm sự: “Phẩm chất quan trọng nhất của người phiên dịch là bạn phải thành thật với chính mình. Tại sao vậy? Vì khi phiên dịch ở toà có những lúc bạn gặp tình huống lúng túng, không thể chuyển ngữ một cách rõ ràng nhất một từ vựng nào đó.
Khi ấy nếu là thông dịch viên có trách nhiệm, bạn phải yêu cầu tòa cho tạm ngưng giây lát để tra cứu từ điển hoặc tham khảo ý kiến của đồng nghiệp vào thời điểm đó. Bạn không thể nhắm mắt, bịt tai để dịch cho xong việc.
Nói cách khác là bạn không thể giấu dốt vì chỉ cần dịch không đúng một chi tiết hay một danh từ nào đó, bạn sẽ làm tội danh của bị cáo thêm nặng bởi lời dịch ấy được ghi vào biên bản chính thức của toà”.
Cũng chính vì vậy mà thông dịch viên hữu thệ bắt buộc phải thường xuyên đọc sách báo, nghiên cứu tìm tòi các tài liệu để cập nhật và trau dồi kiến thức, ngôn ngữ.
Anh Kiệt kể có không ít lần mình lúng túng khi gặp những từ khó. Ngay lúc đó, anh đã yêu cầu chánh án cho thời gian trao đổi với đồng nghiệp hỗ trợ mình ở phiên toà.
Gian nan lấy bằng phiên dịch
Để có thể đứng tại toà làm công việc như Huỳnh Tuấn Kiệt, người thông dịch phải trải qua những khoá học rất gian nan.
Kiệt kể: “Tôi tin tưởng vào khả năng nói, viết tiếng Anh của mình. Vậy mà phải mất đến bốn lần thi tôi mới đậu để có bằng. Hay như một đồng nghiệp tiền bối của tôi – anh Lưu Ngọc Bảo, vốn là cử nhân luật Đại học California State – Long Beach, sang Hoa Kỳ từ năm 1979, tiếng Anh làu làu vậy mà phải thi vài lần mới có thể lấy bằng và được cấp phép đi làm”.
Tuy nhiên cũng có những trường hợp hiếm, thi đậu và lấy bằng ở lần thi đầu tiên hoặc lần thi thứ hai. Chẳng hạn trường hợp của cô gái 23 tuổi Hương Trầm, nhà ở đường Nguyễn Biểu (Q.5, TP.HCM). Sau khi học xong lớp 10, Hương Trầm đến Mỹ định cư.
Tháng 7-2012, Hương Trầm theo học lớp thông dịch viên rất tình cờ. Với ý muốn đổi nghề cùng sự nghiên cứu về tương lai của nghề thông dịch viên toà án, một người thân của Hương Trầm đã quyết định ghi danh học lớp này và thuyết phục cháu gái Hương Trầm, năm ấy 19 tuổi, cùng học với mình.
Hương Trầm chia sẻ ban đầu cô đồng ý học để trau dồi thêm kiến thức giữa hai ngôn ngữ Anh – Việt chứ không có ý tìm hiểu sâu thêm. Song càng học về thuật ngữ cũng như các tiến trình của toà và hệ thống tư pháp Hoa Kỳ, cô càng cảm thấy yêu thích lĩnh vực này.
Tự thấy trình độ tiếng Việt và tiếng Anh của mình cũng khá đủ cộng với tinh thần mong muốn phục vụ cộng đồng, Hương Trầm đã đưa ra một quyết định táo bạo: tạm gác việc học tại trường đại học để tập trung tập luyện và thi lấy bằng để trở thành thông dịch viên toà án hữu thệ.
Quyết định này của cô gặp rất nhiều sự phản đối của gia đình, nhưng Hương Trầm đã cố gắng tập trung tâm huyết ôn luyện và trong vòng một năm theo học, cô quyết định đi thi “thử thời vận”.
Thông thường cuộc thi được chia làm hai bước: thi viết và thi vấn đáp. Vì thế lớp học do thầy Thomas Vũ – một trong những thông dịch viên kỳ cựu nhất của Tòa thượng thẩm Quận Cam, có thâm niên 40 năm làm việc cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ – đảm nhiệm đã được chia thành hai kỳ để học viên được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng trước khi thi.
Sau nhiều tháng “dùi mài kinh sử”, Hương Trầm quyết định ghi danh thi vấn đáp tại hai nơi là California và Florida. Kết quả cô không vượt qua được kỳ thi vấn đáp ở California, nhưng kinh nghiệm sau lần thất bại đầu tiên đã giúp cô vượt qua kỳ thi tại bang Florida diễn ra vài tuần sau đó.
Kết quả thi tại Florida được công bố vào cuối tháng 11-2013, với các số điểm bài thi của Hương Trầm đều trên 90%. Lúc này Hương Trầm chỉ tròn 20 tuổi và chính thức trở thành người Việt trẻ nhất được cấp bằng hành nghề thông dịch viên toà án hữu thệ tại Hoa Kỳ sau chỉ hai lần thi.
Chuyện phiên dịch Sau hàng chục năm làm thông dịch viên hữu thệ của Toà thượng thẩm Quận Cam, California, ông Thomas Vũ chính thức “gác kiếm” về hưu hồi năm ngoái. Ông Vũ cho biết có vô số kỷ niệm khó quên sau hàng ngàn lần xuất hiện tại toà. Ông kể: “Hôm ấy tôi ra toà làm thông dịch cho vụ việc hai thanh niên người Việt đánh nhau. Người hành hung đã bị Văn phòng Viện lý Quận Cam truy tố. Bản cáo trạng bao gồm hai tội danh: tội hành hung và mưu sát. Tuy nhiên sau quá trình điều tra kỹ lưỡng cũng như với sự giúp đỡ của tôi, luật sư biện hộ đã khám phá rằng thân chủ mình không đáng bị truy tố tội mưu sát. Nguyên nhân là do sau khi bị bắt và đưa ra lời cung khai tại phòng tạm giam của sở cảnh sát, những lời khai của nạn nhân và phạm nhân được dịch lại qua một nhân viên cảnh sát song ngữ Việt – Anh. Phạm nhân có đe doạ: “Tao đánh chết cha chết mẹ mày bây giờ!” nhưng lại được nhân viên cảnh sát này dịch thành: “I will beat you up and kill your parents (Tao sẽ đánh mày và giết ba mẹ mày!)”. Đó là câu nói cửa miệng của nhiều người Việt trong những vụ hành hung lẫn nhau. Do vậy trước toà, người thông dịch cần phải dịch sao cho đúng dích dắc văn hoá Việt, ngữ cảnh câu chuyện. Nếu dịch không đúng, người bị kiện có thể bị toà xử phạt nặng hơn”. Còn Hương Trầm cho biết khi ra toà, do là phái nữ lại còn trẻ nên cô thường xuyên bị các phạm nhân trêu chọc. Cô tâm sự: “Tại toà, có phạm nhân trêu chọc tôi bằng những lời lẽ rất thiếu văn hoá. Ban đầu tôi còn ngượng, về sau thì quen dần. Song cũng có người đùa giỡn vô hại, đại loại như: “Em yêu ơi, em xinh quá mà làm thông dịch uổng vậy. Anh mời em đi uống cà phê. Cho anh xin số điện thoại nhé, ra tù anh sẽ kiếm em…”. |