“Hiểu nghề” là quan trọng nhất
Chị Trương Lý Hoàng Phi, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Thành đoàn TP.HCM), chia sẻ như thế từ những câu chuyện khởi nghiệp thành công và khó khăn của các bạn trẻ khu vực ngoại thành.
“Hiểu nghề” là quan trọng nhất
Chị Trương Lý Hoàng Phi, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Thành đoàn TP.HCM), chia sẻ như thế từ những câu chuyện khởi nghiệp thành công và khó khăn của các bạn trẻ khu vực ngoại thành.
Từng vay và trả đúng hạn số tiền 150 triệu đồng để nuôi bò sữa, Nguyễn Sơn Hùng (Hóc Môn) vay thêm 100 triệu từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp để phát triển đàn bò – Ảnh: NG.Hiển |
Chị Hoàng Phi nói: “Đây là giai đoạn chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp làm giàu, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp một cách bền vững nếu thật sự những ý tưởng hoặc dự án của các bạn có những điểm đặc biệt, có tiềm năng phát triển lớn.
Tôi nghĩ chúng ta phải nhìn thẳng vấn đề câu chuyện khởi nghiệp không thể làm theo phong trào, cũng không chỉ là vấn đề của những mô hình kinh doanh nhỏ lẻ.
Khởi nghiệp giai đoạn này phải quan tâm đến hiệu quả dài hạn, ngay từ lúc hình thành ý tưởng, tính sáng tạo, khác biệt đã phải được khai thác, sau đó là năng lực triển khai”.
* Vậy theo chị, các bạn trẻ đi vào khởi nghiệp gắn bó với khu vực nông thôn cần trang bị những gì?
– Trước hết, tôi thấy thanh niên làm nghề nông tại các khu vực ngoại thành chưa có nhiều điều kiện tiếp cận kiến thức làm kinh tế.
Với trường hợp này, “có nghề” và “hiểu nghề” là điều quan trọng nhất. Bạn không nên khởi nghiệp nếu chính bạn hoặc nền tảng gia đình không có gì khác biệt, chuyên biệt về tay nghề lẫn kiến thức ở lĩnh vực nông nghiệp.
Do đó tay nghề, kiến thức ngành, khả năng quản lý dự án khởi nghiệp, sự khác biệt về sản phẩm hay cách thức kinh doanh là những trang bị cần thiết. Trong đó, tôi thường thấy các bạn thiếu về kiến thức, kinh nghiệm quản lý, ví dụ đàm phán kinh doanh, quản lý tài chính…
Tuy nhiên, khởi nghiệp lĩnh vực này vốn có nhiều rủi ro, từ chuyện thời tiết, môi trường, xu hướng tiêu dùng, đầu ra sản phẩm. Vì vậy, thanh niên nông thôn phải đủ tỉnh táo và cùng liên kết nhau lại để làm ăn lớn hơn, mạnh hơn, tận dụng lợi thế quy mô thay vì nhỏ lẻ như giai đoạn trước kia.
Chị Trương Lý Hoàng Phi – Ảnh: C.K. |
* Trung tâm đã có những chương trình gì hỗ trợ bạn trẻ kết nối làm ăn, nhất là thanh niên nông thôn, thưa chị?
– Hiện có rất nhiều hỗ trợ nhưng ba điều quan trọng mà chúng tôi tập trung là: Trước hết là đào tạo, cố vấn để gia tăng nội lực cho người khởi nghiệp ở khu vực nông thôn.
Các khoá đào tạo gắn với việc trang bị kỹ năng cho các bạn trẻ bắt đầu chuyển tiếp từ mô hình làm ăn nhỏ để phát triển lớn hơn, bài bản hơn, ví dụ như quản trị, thương hiệu, pháp lý, đàm phán…
Bên cạnh đó, chúng tôi sẵn sàng kết nối để các bạn được tiếp cận với doanh nghiệp trẻ trong cùng hoặc khác lĩnh vực nhưng có khả năng liên kết, bổ sung, hỗ trợ để tiết kiệm nguồn lực, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.
Thứ hai là tài chính. Nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã tạo điều kiện giúp các bạn dễ dàng vay vốn tín chấp với lãi suất ưu đãi.
Bằng chính sự quyết tâm và cam kết của chủ dự án, nhiều dự án đã thuyết phục chúng tôi mạnh dạn hỗ trợ vốn hàng trăm triệu đồng mà không có gì thế chấp.
Thứ ba, kết nối các sáng kiến, sáng chế, tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là thời điểm mà khởi nghiệp nông nghiệp rất cần quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, đáp ứng các đòi hỏi khắt khe của thị trường.
* Cụ thể hơn, trung tâm đã có hướng gì để hỗ trợ vốn cho những bạn trẻ khởi nghiệp?
– Ngoài nguồn Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp 100 tỉ đồng từ Hội LHTN VN TP, năm 2016 chúng tôi sẽ giới thiệu các dự án tốt của các bạn tiếp cận những nguồn quỹ đầu tư, đặc biệt là Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP.HCM.
Chúng tôi cũng sẽ cải tiến quy trình thẩm định, đối tượng và chính sách phát vay. Bên cạnh những dự án nhỏ, sẽ có nhiều chính sách cho dự án lớn, có tiềm năng, nền tảng phát triển để thật sự xây dựng lên những doanh nghiệp có khả năng phát triển lớn mạnh.
Rõ ràng, tổ chức Đoàn – Hội đã có khá nhiều công cụ hỗ trợ thanh niên làm ăn. Tuy nhiên chính các bạn phải chú tâm, hành động bằng niềm đam mê, trách nhiệm, cam kết thì mới có thể đi đến thành công.
Không chăn nuôi, trồng trọt thì làm gì? * Ông Trần Trường Sơn (phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM): Quan tâm chế biến, tiêu thụ nông sản sau thu hoạch Đối với các bạn trẻ, nếu không khởi nghiệp bằng con đường trồng trọt, chăn nuôi thì vẫn có thể làm ăn với những mô hình chế biến, tiêu thụ nông sản sau thu hoạch. Các bạn có thế mạnh tiếp cận thông tin trên mạng, tìm kiếm khách hàng và tạo dựng hệ thống phân phối với quy mô rộng. Chính vì thế, việc liên kết để cùng hình thành những doanh nghiệp sản xuất sau thu hoạch là điều rất có thể thực hiện đối với các bạn trẻ. Liên kết làm ăn cùng sẽ tạo ra thế mạnh để phát huy hết khả năng của mỗi người như người lo đầu vào, người tìm đầu ra, người khác lại đầu tư cho công nghệ… Còn với những mô hình gắn với sản xuất nông nghiệp thì nhất thiết phải ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới có thể thành công. * Anh Nguyễn Thanh Tuấn (phó chủ tịch thường trực Hội LHTN VN huyện Nhà Bè): Thích ứng với tình hình đô thị hoá Đặc thù vùng đất của huyện khó phát triển trồng trọt hay chăn nuôi như trước đây vì tốc độ đô thị hoá cao. Chính vì thế, trong các hoạt động hỗ trợ bạn trẻ khởi nghiệp, Hội LHTN VN huyện Nhà Bè đã tập trung tổ chức các buổi cà phê khởi nghiệp để mời diễn giả trao đổi với các bạn trẻ về những xu hướng khởi nghiệp theo hướng dịch vụ đô thị, đáp ứng nhu cầu người dân vùng đô thị hoá và hiện đã có những mô hình xây dựng trường mầm non, phục vụ văn phòng phẩm… của các bạn đi vào hoạt động. * Anh NGUYỄN LÊ TRỌNG TÂM (chủ tịch Hội LHTN VN huyện Hóc Môn): Kỳ vọng tinh thần khởi nghiệp Trong vòng ba năm trở lại đây, thanh niên trên địa bàn đã có sự chuyển dịch làm ăn kinh tế từ lĩnh vực nông nghiệp sang phát triển các loại hình dịch vụ, kinh doanh nhỏ lẻ và tiểu thủ công nghiệp. Sở dĩ có sự thay đổi này là do sản xuất nông nghiệp manh mún, không đem lại lợi nhuận cao. Do đó, thanh niên muốn bám trụ lại địa phương phải mở các cơ sở kinh doanh, thủ công mỹ nghệ, gia công, dệt may… ở quy mô vừa và nhỏ. Những thanh niên bám trụ với nghề nông đều có hướng đi mới là mạnh dạn vay vốn, đầu tư đồng bộ hoá để thay thế sức người. Nói đến nông dân, chúng ta thường nhắc đến câu “lấy công làm lời”, nhưng hiện nay thanh niên khởi nghiệp bằng nghề nông đều hướng đến ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm sức người nhưng lại tăng cao về năng suất. Những bạn trẻ học đại học, quay về Hóc Môn khởi nghiệp bằng nghề nông đều mang trong mình một khát vọng phát triển được kinh tế và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đó là một tinh thần khởi nghiệp của lứa thanh niên có tri thức mà chúng tôi kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo và cách nhìn về thanh niên nông thôn của TP.HCM. |
* Anh Đoàn Kim Thành (giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ – Thành đoàn TP.HCM): Sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ Chúng tôi thường xuyên tổ chức các chương trình gắn với việc hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con khu vực nông thôn TP.HCM. Ngoài ra, nếu các bạn trẻ có nhu cầu hỗ trợ về mặt kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào các mô hình khởi nghiệp tại nông thôn, chúng tôi sẵn sàng tìm kiếm nguồn lực, kết nối đội ngũ trí thức trẻ để hỗ trợ các bạn tuỳ từng vấn đề có thể giải quyết nhanh hay vấn đề chuyên sâu. Hiện tại chúng tôi đã kết nối với nhiều đơn vị để hỗ trợ các bạn trẻ cũng như bà con khu vực ngoại thành nhằm cung cấp cây, con giống đạt chất lượng. Cùng với đó là việc đồng hành, theo sát các mô hình trong quá trình chuyển giao kỹ thuật. Chẳng hạn mô hình hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng không sử dụng hóa chất tại huyện Cần Giờ mà chúng tôi đang thực hiện thời gian qua đã cho thấy hiệu quả khả quan (tăng 40% lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước). Hiện đội ngũ trí thức trẻ vẫn tiếp tục đeo bám và kịp thời xử lý tình huống tại các mô hình này. |