Dự thảo luật Du lịch do Tổng cục Du lịch chủ trì soạn thảo đang được công bố lấy ý kiến có nhiều điểm mới gây tranh cãi.
Nhà nghỉ, tàu du lịch sẽ được xếp hạng
Dự thảo luật Du lịch do Tổng cục Du lịch chủ trì soạn thảo đang được công bố lấy ý kiến có nhiều điểm mới gây tranh cãi.
Dự thảo luật Du lịch do Tổng cục Du lịch chủ trì soạn thảo đang được công bố lấy ý kiến có nhiều điểm mới gây tranh cãi, trong đó có việc nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê và các loại cơ sở lưu trú sẽ phải đăng ký xếp hạng theo 2 loại (cao cấp và đạt tiêu chuẩn).
Bên cạnh đó, các khách sạn, biệt thự, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch phải được xếp theo năm hạng sao (1 đến 5). Cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng thống nhất trong phạm vi cả nước theo tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Tổng cục Du lịch sẽ chủ trì, phối hợp với các sở du lịch hoặc sở VH-TT-DL thẩm định, xếp hạng 3 sao, hạng 4 sao, hạng 5 sao cho khách sạn, làng du lịch, tàu thuỷ lưu trú du lịch và căn hộ du lịch, hạng cao cấp cho biệt thự du lịch.
Không gắn sao, không được đón khách
Theo giải thích của đại diện Sở Du lịch TP.HCM, cần phải phân biệt nhà nghỉ, nhà ở có phòng du lịch cho thuê với các loại nhà nghỉ thông thường khác. Những nhà nghỉ dành cho khách du lịch mới được phép đón du khách từ các hãng lữ hành đưa đến và chịu sự điều chỉnh của luật Du lịch (xếp hạng). Hiện nay, các nhà nghỉ, nhà ở có phòng du lịch cho thuê không được xếp hạng. Nếu quy định mới được áp dụng, những nhà nghỉ, tàu du lịch không gắn bảng xếp hạng sẽ không được đón du khách lưu trú.
Dự thảo luật Du lịch cũng có nhiều điểm gây tranh cãi. Chẳng hạn, chỉ cấp thẻ hướng dẫn viên cho những ai có đạo đức, nhưng tiêu chí đánh giá đạo đức lại không có. Các doanh nghiệp du lịch nội địa phải đóng tiền ký quỹ 150 triệu đồng, trong khi luật Du lịch hiện hành không quy định. Nếu tính các khoản tiền ký quỹ cho một doanh nghiệp kinh doanh cả 3 lĩnh vực (nội địa, đưa khách VN ra nước ngoài và đưa khách nước ngoài vào VN), phải đóng tổng cộng 650 triệu đồng ký quỹ.
Chuyên gia du lịch Huỳnh Văn Sơn cho rằng dự thảo luật Du lịch quy định nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê… phải đăng ký xếp hạng là hợp lý. “Khách trong nước hoặc khách nước ngoài đến VN cần phải dựa vào danh sách những điểm lưu trú uy tín để đặt phòng và nếu các nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho du khách thuê được xếp hạng thì đây sẽ là cơ sở để du khách tham khảo cho quyết định của mình. Còn những khách không lựa chọn những nhà nghỉ trong danh sách này, nếu xảy ra điều gì không tốt thì khách sẽ chịu trách nhiệm”, ông Sơn lý giải.
Thực tế hiện nay, có rất nhiều nhà nghỉ dành cho du khách không được quản lý tốt đã góp phần khiến du lịch VN thiếu chuyên nghiệp. Do đó, ông Sơn cho rằng đưa hệ thống nhà nghỉ, nhà ở cho du khách thuê vào khuôn khổ là hợp lý. Bên cạnh đó, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều sự cố cháy tàu du lịch trên vịnh Hạ Long hay tai nạn chết người trên tàu du lịch ở sông Mê Kông… nên lĩnh vực du lịch đường thuỷ cũng cần phải siết lại. Việc xếp hạng tàu thuỷ lưu trú du lịch là một trong những biện pháp tăng cường giám sát để nâng cao độ an toàn và chuyên nghiệp hơn cho lĩnh vực này ở VN.
Cần có bộ tiêu chí
Ông Tào Văn Nghệ, Phó chủ tịch Hội Khách sạn VN, nhận xét việc xếp hạng sao các tàu thuỷ lưu trú du lịch là cần thiết để có thể tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra làm thiệt hại đến hình ảnh du lịch VN.
“Tuy nhiên, muốn xếp hạng bất cứ sản phẩm nào cần phải có bộ tiêu chí. Đặc biệt, xếp hạng nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách thuê, cơ quan quản lý cần phải đưa ra bộ tiêu chí rõ ràng để biết được các tiêu chí này có phù hợp thực tế hay không, có cản trở việc kinh doanh của người dân hay không… Hiện nay, có rất nhiều loại hình cho thuê phòng trọ cho du khách. Chẳng hạn, nhà có phòng dư thừa, chủ nhà sửa sang lại và cho thuê trên mạng với giá rất cạnh tranh. Điều đó không chỉ giúp chủ nhà gia tăng thu nhập mà còn góp phần thu hút du khách quốc tế đến VN. Du khách nước ngoài cũng thích thú khi được ở chung nhà với người dân địa phương để tìm hiểu văn hoá, tập quán cư dân bản địa. Vì thế, việc kinh doanh của người dân cần được khuyến khích, được tạo điều kiện. Không chủ nhà nào dại dột cung cấp dịch vụ kém, phòng trọ dơ bẩn…, bởi làm thế lần sau khách sẽ không tới nữa. Cho nên, ở một khía cạnh khác, việc xếp hạng nhà nghỉ, nhà trọ cho du khách là không thật sự cần thiết”, ông Nghệ phân tích.
Cùng quan điểm, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, cho rằng việc xếp hạng nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho du khách thuê không nhất thiết phải phân làm hai loại. “Chỉ cần tiêu chí đạt chuẩn là được, không cần xếp hạng cao cấp. Bởi xếp hạng nhà nghỉ, phòng trọ cao cấp là không khả thi. Du khách đến các loại hình phòng ở như thế này chỉ với hai mục đích: một là có chỗ an toàn, đủ tiện nghi để ở qua đêm; hai là tìm hiểu đời sống cư dân địa phương. Nếu chọn dịch vụ cao cấp, chắc chắn họ sẽ đến các khách sạn 4 – 5 sao”, ông Huê nhấn mạnh.
Dự thảo luật Du lịch cũng buộc người điều hành các doanh nghiệp du lịch thành lập mới phải có bằng cao đẳng du lịch và chứng nhận nghiệp vụ du lịch do sở du lịch (hoặc sở VH-TT-DL) cấp. Tuy nhiên, dự thảo lại không đề cập đến những doanh nghiệp đã thành lập sẽ phải xử lý vấn đề này như thế nào. Các công ty du lịch buộc phải treo giấy phép lữ hành (cả nội địa và quốc tế) ở trước cửa trụ sở chính, tất cả văn phòng đại diện và chi nhánh…