“Tiếp oxy” cho doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp ví von việc Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là hành động “tiếp oxy” trong tình hình nhiều doanh nghiệp đang “khó thở”.
“Tiếp oxy” cho doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp ví von việc Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là hành động “tiếp oxy” trong tình hình nhiều doanh nghiệp đang “khó thở”.
Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM – Ảnh: Quang Định |
Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng cần giảm mạnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ sản xuất, bởi đây là đối tượng tạo nhiều công ăn việc làm, đem lại thu nhập cho người lao động.
Trước đó, trong nghị quyết vừa được ban hành, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), dự kiến triển khai ngay trong năm nay.
Theo các chuyên gia, để bù lại khoản giảm này, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hoạt động chống chuyển giá, ngăn chặn hiện tượng các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường xuyên khai lỗ để trốn thuế TNDN nhưng lại lớn rất nhanh, quy mô ngày càng phình to.
Nhiều DN đang phải “thở… oxy”
Ông Lý Thành Sinh, tổng giám đốc Công ty CP may thêu Minh Long Hưng (TP.HCM), cho biết nhiều DNNVV hiện đang phải “thở oxy để tồn tại”. Do đó, nếu được thì Nhà nước… miễn hẳn thuế TNDN cho DNNVV. “Nhiều chính sách hỗ trợ DN vẫn còn xa rời thực tế. Chỉ có thuế là không thu thiếu đồng nào!” – ông Sinh nói.
Theo ông Sinh, thông tin không được hoàn thuế GTGT đối với hàng tồn kho, dù chỉ mới là dự thảo, cũng đã làm DN đứng ngồi không yên. “Tiền thuế GTGT đã nộp mà còn không hoàn lại cho DN thì thử hỏi những chi phí khác cũng hợp lý nhưng cơ quan thuế không chịu cho là hợp lý, DN không cách chi cãi được” – ông Sinh bức xúc nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Phúc, giám đốc Công ty TNHH Como, cho rằng ngoài việc giảm thuế TNDN, cơ quan thuế cần có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn được tình trạng chuyển giá của các DN FDI. Theo ông Phúc, dù gặp nhiều khó khăn nhưng DN nội luôn đóng thuế TNDN nghiêm chỉnh, còn khối FDI thường xuyên khai lỗ nên hầu như không phải nộp loại thuế này.
Cũng theo ông Phúc, sự bất hợp lý trong cách tính thuế GTGT đối với một số sản phẩm sản xuất trong nước, vốn rất cần khuyến khích DN đầu tư sản xuất thay vì nhập khẩu (như vải, sợi dệt…) đã tạo ra sự mất bình đẳng so với các DN nhập khẩu, khiến việc tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may trong nước ngày càng thêm khó khăn.
“Khi chúng tôi mua vải vóc trong nước để may xuất khẩu thì phải đóng ngay 10% thuế VAT, trong khi các DN nhập khẩu vải lại được nợ VAT 275 ngày. Chưa kể để được hoàn lại số tiền của chính mình, chúng tôi phải “trần ai khoai củ” mới lấy lại được. Rồi bây giờ còn tính không hoàn thuế GTGT hàng tồn kho nữa, thử hỏi chi phí tài chính DN sẽ còn đội lên bao nhiêu?” – ông Phúc đặt câu hỏi.
Ủng hộ việc giảm thuế TNDN để DN có khả năng tái đầu tư, nhưng ông Cao Tiến Vị, tổng giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn, cho rằng cần cân nhắc thêm về thuế thu nhập cá nhân vì DN phải đóng thay khoản này. Ngoài ra, theo ông Vị, cần minh bạch các chính sách thuế nói chung cũng như các quy định liên quan để tránh tiêu cực. “Nếu luật và nghị định ban hành mà mỗi cơ quan thuế ở mỗi nơi hiểu mỗi kiểu, có thể vận dụng nhiều hướng, chắc chắn DN sẽ bị tổn hại nhiều nhất” – ông Vị nhấn mạnh.
Phần lớn các vấn đề liên quan đến thuế luôn tác động và chi phối rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong ảnh: sản xuất tại Công ty TNHH Minh Long Hưng (Q.9, TP.HCM) – Ảnh: Hữu Khoa |
Nên giảm xuống 10%?
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua thuế suất thuế TNDN giảm mạnh, từ mức 28% năm 2004 xuống 25% từ năm 2009. Đến năm 2014, mức thuế suất phổ thông còn 22% và từ năm 2016, thuế suất này xuống mức 20% (mức thuế suất ưu đãi là 10% và 17%). Bộ Tài chính cho rằng đây là mức thuế TNDN khá thấp so với các nước như Philippines (30%), Trung Quốc (25%)…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Hải, giám đốc Công ty tư vấn và đại lý thuế Công Minh (Hà Nội), cho rằng thuế TNDN của VN vẫn cao hơn một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore và Đài Loan (17%), Hong Kong (16,5%)… Do đó, việc giảm thuế TNDN cho DNNVV sẽ giúp DN có động lực tồn tại và phát triển. Mặt khác, DNNVV đóng góp 29% số thu ngân sách, nếu giảm số thuế xuống cũng không tác động nhiều đến thu ngân sách.
Trong khi đó, DNNVV có ảnh hưởng tích cực rất lớn đến xã hội bởi góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho phần lớn lao động trong xã hội. “Từ những lý do này, tôi cho rằng mức thuế giảm cần đủ lớn để thật sự hỗ trợ khối DN này, chứ thuế giảm 1-2% cũng không có ý nghĩa gì nhiều” – ông Hải đề xuất.
Ông Đặng Ngọc Cường, phó giám đốc Trung tâm tư vấn và dịch vụ tài chính Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng việc giảm thuế cho DN là cần thiết để vơi bớt khó khăn, giảm gánh nặng về thuế. Tuy nhiên, mức thuế bao nhiêu là hợp lý thì Nhà nước và DN cùng ngồi lại với nhau. Bởi nếu giảm thuế thì ngân sách sẽ khó khăn, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách eo hẹp, chúng ta đang phải vay nợ mới để trả nợ cũ.
Là người có 20 năm kinh nghiệm quản lý thuế DN, ông Trần Xuân Thắng – nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – cho rằng giảm thuế TNDN sẽ góp phần lớn giúp chúng ta đạt mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu DN. Còn mức thuế TNDN đối với DNNVV sẽ được các bộ ngành bàn bạc, cân đối trên tổng thu ngân sách. Tuy nhiên, mức giảm phải đảm bảo đủ để khuyến khích khu vực DN này phát triển bền vững.
Theo ông Thắng, mức thuế TNDN đối với DNNVV nên bằng mức thuế ưu đãi đối với ngành công nghệ cao (17%), thậm chí nên giảm xuống mức 10% như lĩnh vực y tế, xã hội, thể thao… Bởi DNNVV len lỏi ở khắp mọi nơi từ nông thôn đến thành thị, nhất là những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa để tạo công ăn việc làm và thu nhập cho phần đông người lao động của cả nước. “Hầu hết đối tượng này là DN trong nước, việc giảm thuế cho DNNVV cũng là một cách hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước phát triển” – ông Thắng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu kỹ mức ưu đãi cho từng ngành, lĩnh vực chứ không thể cào bằng tất cả chung một mức. “Tôi cho rằng cần phải ưu đãi tối đa cho ngành sản xuất vì đối tượng này gặp nhiều khó khăn trong khi tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Nên thuế suất thuế TNDN đối với DNNVV hoạt động sản xuất có thể là 10%, còn ngành thương mại, dịch vụ… phải cao hơn” – ông Thắng đề xuất.
Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật Basico): Quan trọng là số tiền thuế DN phải nộp có giảm Mức thuế giảm rất cần thiết, nhưng điều quan trọng là số tiền thuế mà DN phải đóng có giảm so với mức thuế suất cũ hay không. Có một thực tế mức thuế suất thuế TNDN trong mấy năm qua giảm rất mạnh. Tuy nhiên do áp lực thu ngân sách nên cơ quan thuế bị khoán chỉ tiêu thu và số tiền thuế mà DN phải nộp tăng lên chứ không giảm đi, bởi nhiều khoản chi phí trước đây được DN trừ trước khi tính thuế nhưng nay lại không. |
Đóng góp nhiều, ít được hỗ trợ Theo Hiệp hội DNNVV VN, các DNNVV đóng góp 43,2% GDP, 31% xuất khẩu, 29% các khoản thu ngân sách nhà nước. Vốn đầu tư chiếm 38% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực DN, tạo việc làm cho 5,12 triệu lao động, chiếm 45% tổng số việc làm trong khối DN. Trong khi đó, cũng theo hiệp hội này, nhiều chính sách hỗ trợ thời gian qua hầu như không đến tay khối DN này, đặc biệt là cơ hội tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. |