26/12/2024

Xét tuyển đảm bảo quyền lợi thí sinh

Chính từ quy chế hiện hành đã tạo ra hiện tượng trúng tuyển ảo. Tuy nhiên, chống ảo không phải là mục đích chính của tuyển sinh mà vấn đề là cần đảm bảo quyền lợi trúng tuyển của thí sinh.

 

Xét tuyển đảm bảo quyền lợi thí sinh

Chính từ quy chế hiện hành đã tạo ra hiện tượng trúng tuyển ảo. Tuy nhiên, chống ảo không phải là mục đích chính của tuyển sinh mà vấn đề là cần đảm bảo quyền lợi trúng tuyển của thí sinh.




Thí sinh chờ nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH năm 2015  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Thí sinh chờ nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH năm 2015ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Quyền được vào nhiều trường
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2016 cho phép thí sinh (TS) trong đợt xét tuyển đầu tiên được đăng ký vào tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành và nếu chưa trúng tuyển trong đợt 1 thì có thể đăng ký xét tuyển trong các đợt bổ sung tiếp theo, mỗi đợt tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành. Như vậy, ngay từ quy định này của quy chế đã tạo ra hiện tượng trúng tuyển ảo vì trong mỗi đợt như vậy nếu đủ điểm chuẩn trúng tuyển trường nào thì TS sẽ nhận được thông báo gọi nhập học của trường đó. Nghĩa là nếu trúng tuyển cả 2 trường thì TS sẽ phải nhận được cùng lúc 2 thông báo trúng tuyển trước ngày 15.8.2016.
Xuất phát từ điều này, nhiều trường lo lắng hiện tượng trúng tuyển ảo sẽ tác động nhiều đến kế hoạch tuyển sinh và nhập học của nhà trường nên đã bàn đến giải pháp “chống ảo”.


Tuy nhiên, việc chống trúng tuyển ảo không phải là mục đích chính của kỳ thi, thậm chí ở góc độ tích cực, việc “được” trúng tuyển vào nhiều trường là quyền lợi của TS, nhất là các TS giỏi có điểm thi cao hơn. Việc này không lạ đối với tuyển sinh vào các trường ĐH ở nước ngoài, và cũng đã có nhiều học sinh VN xuất sắc trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường ĐH danh tiếng ở Mỹ, Anh…
Trong những kỳ thi tuyển sinh theo phương thức “ba chung” từ năm 2014 trở về trước, TS được đăng ký và dự thi 3 đợt, như vậy việc mức độ trúng tuyển ảo trong những kỳ thi theo phương thức “ba chung” vốn cũng đã rất cao. Nếu đặt chống trúng tuyển ảo là một mục tiêu của việc xét tuyển thì chính ra phương thức xét tuyển của năm 2015 đạt yêu cầu cao hơn, khi mà trong một đợt TS chỉ được đăng ký xét tuyển vào một trường.
Tuy nhiên, cách xét tuyển này đưa đến tình trạng mất trật tự cục bộ ở những ngày cuối đợt do cho phép TS thay đổi nguyện vọng chọn trường. Nhưng sâu xa là do nhiều TS điểm cao có nguy cơ không trúng tuyển vào trường nào hoặc trúng tuyển vào trường không mong muốn ở đợt 1 đã liên tục rút hồ sơ ra ở trường này và nộp vào trường khác. Thật ra số lượng này không lớn, và chính kẽ hở không lường trước của quy chế đã dẫn đến tình trạng mất trật tự cục bộ đó.
Sau ngày cuối của đợt xét tuyển đầu tiên năm 2015, có khoảng 30% hồ sơ vẫn không rút ra dù biết chắc chắn không trúng tuyển, điều này càng khẳng định đa phần TS chấp nhận sự chọn lựa của mình theo đúng quy định, dù sự chọn lựa đó là thất bại (không trúng tuyển).
Lựa chọn trường học là quyền của thí sinh
Phương thức tuyển sinh ở năm 2016 đã cải tiến, cho phép TS được đồng thời đăng ký xét tuyển tối đa 2 trường trong đợt 1. Nếu quy chế năm 2015 đã “dồn” TS đến việc chọn trường thì quy định xét tuyển năm nay định hướng TS chọn ngành hơn. Rõ ràng phải thấy trước là những TS giỏi, đặc biệt là những TS có tổng điểm tổ hợp 3 môn xét tuyển từ 25 điểm trở lên dự đoán có nhiều khả năng trúng tuyển vào cả 2 trường.
Quyền lựa chọn trường nào để học đã được quy chế xét tuyển trao cho TS, không thể vì lý do chống ảo để buộc TS từ trúng tuyển 2 trường chỉ còn trúng tuyển 1 trường.
Chắc chắn tình trạng trúng tuyển ảo sẽ xảy ra ngay cả ở những trường lớn, và do vậy các trường phải chấp nhận việc này, vì dẫu sao cũng còn nhiều đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo. Ngược lại, cũng có thể có một số không lớn trường hợp TS có điểm thi cao nhưng không trúng tuyển trường nào ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên, vốn là đợt xét tuyển mặc định dành cho các trường lớn, các ngành thu hút TS.


Một giải pháp chống ảo mà chúng tôi cho là cũng khá hiệu quả, nhưng vẫn tôn trọng quyền lựa chọn của TS, đó là theo quy định, sau khi có thông báo trúng tuyển ở đợt 1, các TS phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi (bản chính) cho trường mà TS sẽ nhập học trước 17 giờ ngày 17.8.2016. Như vậy TS có khoảng 2 – 5 ngày để quyết định sự lựa chọn (kết quả xét tuyển được công bố trước 15.8), các trường có 2 ngày để quyết định kết thúc xét tuyển hay phải thông báo xét tuyển đợt bổ sung tiếp theo (từ ngày 20.8).
Tóm lại, một là quy chế chỉ vừa được ban hành chưa đến 3 tháng không nên sửa đi sửa lại; hai – đây cũng là quyền lợi của TS, cần có giải pháp khác để thuận lợi cho các trường trong công tác xét tuyển hơn là tìm cách hạn chế cơ hội trúng tuyển của TS. Về lâu dài, việc tự chủ trong tuyển sinh cần được thực hiện đầy đủ, quy chế tuyển sinh không nên đi vào quá chi tiết đến mức ấn định ngày, giờ xét tuyển của từng đợt khiến cho việc tuyển sinh của từng trường bị ràng buộc chung với nhau một cách không cần thiết.
Tránh rút ra – nộp vào
TS và phụ huynh, những người đã tham gia vào một kỳ xét tuyển hết sức ly kỳ của năm 2015, mong muốn mọi thứ cần phải minh bạch, công khai, nhất quán trong kỳ xét tuyển năm nay để TS chọn được ngành học phù hợp.
Một năm trôi qua mà chị Đặng Thị Ngọc Tuyền (có con dự thi vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm ngoái) vẫn còn nhiều bức xúc. Chị Tuyền cho rằng, quy định xét tuyển năm ngoái thực sự gây khó khăn cho TS và phụ huynh vì phải chịu nhiều căng thẳng và áp lực khi theo dõi tình hình rút ra – nộp vào hồ sơ qua từng giờ của TS. Quy chế năm nay cho phép TS được nộp hồ sơ vào 2 trường nhưng không cho rút ra – nộp vào là hợp lý. Không cho phép thay đổi nguyện vọng sẽ tránh tình trạng TS “chạy lòng vòng” giữa các trường, đặc biệt là thay đổi ngành học một cách chóng mặt để trúng tuyển bằng được ĐH.
“Con tôi đăng ký 3 ngành vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đến phút cuối chỉ đủ điểm trúng tuyển vào ngành điều dưỡng nhưng vẫn quyết định ôn thi lại ngành y. Trong khi đó, tôi biết nhiều TS năm ngoái trúng tuyển vào 1 ngành không mong muốn, dù nhập học nhưng vẫn đang ôn để thi lại. Vì vậy chính sách tuyển sinh của Bộ cần tránh việc chọn sai ngành, trường của TS”, chị Tuyền cho biết.
Phụ huynh Đặng Thị Ngọc Tuyền (Q.7, TP.HCM) cũng ý kiến, năm nay quy chế không cho phép rút hồ sơ để nộp lại nên việc các trường công khai thông tin TS càng cần thiết. Đặc biệt là những TS điểm không cao, việc theo dõi thông tin ở những ngày cuối sẽ quyết định việc trúng tuyển.
Từng tham gia vào đợt xét tuyển năm ngoái, Phạm Ngọc Q. (Trường THPT Tam Phú, TP.HCM) cho rằng việc công khai dữ liệu xét tuyển cần rõ ràng hơn. “Mỗi trường công bố danh sách TS dự thi vào từng ngành mỗi kiểu. Có trường công bố danh sách dài của TS xét tuyển toàn trường, có trường công bố danh sách bằng định dạng PDF…”. Từ đó, TS này cho rằng, Bộ cần có quy định cụ thể cho các trường về việc công khai thông tin theo đúng mẫu. Cuối mỗi ngày, nếu không có bảng tổng hợp về số liệu TS thì ít nhất cũng có thông tin TS theo thứ tự điểm số từ cao xuống thấp ở từng ngành.
Trong khi đó, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng Bộ cần giao quyền chủ động hơn cho các trường về dữ liệu TS, thì việc xét tuyển mới ổn định hơn. Chỉ khi đó nhu cầu của TS và phụ huynh mới được giải quyết nhanh gọn.
Hà Ánh – Mỹ Quyên

 

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa 
(Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)