28/12/2024

Tuyển sinh lớp 6 kiểu nào cũng… căng thẳng

Bộ GD-ĐT quyết định cấm thi tuyển vào lớp 6 nhằm giảm áp lực học thêm và thi cử đối với học sinh, nhưng sau một năm căng thẳng cũng như áp lực xét tuyển vẫn không giảm.

 

Tuyển sinh lớp 6 kiểu nào cũng… căng thẳng

Bộ GD-ĐT quyết định cấm thi tuyển vào lớp 6 nhằm giảm áp lực học thêm và thi cử đối với học sinh, nhưng sau một năm căng thẳng cũng như áp lực xét tuyển vẫn không giảm.





Phụ huynh đăng ký dự tuyển cho con vào lớp 6 tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam năm 2015 /// - Ảnh: V.Chung

 

Phụ huynh đăng ký dự tuyển cho con vào lớp 6 tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam năm 2015– Ảnh: V.Chung


Năm nay, trong hướng dẫn tuyển sinh các lớp đầu cấp, Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn nhấn mạnh tuyệt đối không thi tuyển vào lớp 6 với bất cứ trường THCS nào, kể cả Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Nếu số lượng học sinh (HS) đăng ký vào học nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường căn cứ vào các quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp.
Khi thành tích… “lên ngôi”
Theo ghi nhận của Thanh Niên, đến thời điểm này chỉ có một số ít trường ngoài công lập đưa ra phương án tuyển sinh. Bên cạnh đó, những yêu cầu về học lực 5 năm bậc tiểu học, hầu hết các trường đều kèm theo điều kiện về giải thưởng trong các cuộc thi văn hoá, thể thao từ cấp quận trở lên. Phụ huynh có con học tiểu học cũng vì thế căng thẳng trước các kỳ thi học kỳ của con, chỉ lo con không đạt điểm 10 tất cả các môn sẽ không đủ điều kiện cần để xét tuyển vào những trường mong ước.
Trường trung học thực hành Nguyễn Tất Thành thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường phổ thông dân lập Marie Curie thông báo tuyển thẳng những HS có thành tích đặc biệt trong năm học 2015 – 2016 như: giải nhất, nhì, ba, khuyến khích các môn văn hoá trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh trở lên hoặc trong cuộc thi giải toán, tiếng Anh qua mạng từ cấp quận trở lên…
Nhiều trường còn tuyển thẳng cả HS có chứng chỉ ngoại ngữ. Trường Nguyễn Tất Thành thông báo chỉ tuyển thẳng HS có chứng chỉ TOEFL Primary từ 113 điểm trở lên, trong đó phần reading (đọc) và listening (nghe) đạt điểm tối đa (5/5).
Đại diện Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cho biết sẽ công bố phương án tuyển sinh vào lớp 6 trước ngày 31.5. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của năm trước thì tất cả 200 HS trúng tuyển vào trường này đều phải có thêm thành tích trong các cuộc thi theo quy định của Sở GD-ĐT, một số rất ít được ưu tiên xét tuyển vì là con em gia đình chính sách. Như vậy, kết quả học tập đạt tối đa trong 5 năm liền ở cấp tiểu học chỉ là điều kiện cần vì không có HS nào trúng tuyển chỉ dựa trên kết quả này mà không kèm theo một số thành tích khác.
Rầm rộ các cuộc thi giải toán, tiếng Anh trên mạng
Năm nay các “lò luyện” thi toán, tiếng Việt của các thầy có tiếng dành cho HS tiểu học ở Hà Nội giảm số lượng nhưng ngược lại những cuộc thi giải toán, tiếng Anh trên mạng lại trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết.
Đại diện ban tổ chức cuộc thi giải toán trên mạng cho biết, cuối tuần này (dự kiến ngày 14.5) sẽ công bố kết quả và trao giải cuộc thi giải toán trên mạng cấp quốc gia. Dù chưa đưa ra con số chính thức nhưng số lượng HS dự thi năm nay tăng hơn hẳn so với năm trước. Các trường, các địa phương đều “vào cuộc” rất mạnh.
Một phụ huynh có con học lớp 5 Trường tiểu học Kim Liên (Hà Nội) thông tin: “Vài năm trước nhà trường hầu như không mấy mặn mà với các cuộc thi giải toán hay tiếng Anh trên mạng. Có năm thậm chí không có HS nào tham gia cấp quận”. Năm nay tình hình đã thay đổi hẳn, cuộc thi đã ít nhiều mất đi tính chất “sân chơi trí tuệ” như các năm trước, khi mà người tham gia đã có mục đích rõ ràng. Cả phụ huynh và nhà trường đều tỏ ra rất tích cực và có “chiến lược” cho HS của mình tham gia các cuộc thi trên mạng ngay từ đầu năm.
Nhiều giáo viên tâm sự: “Có khi trong vòng một tháng trường họ phải tham gia gần 10 cuộc thi. Suốt cả tháng, trời, thầy và trò đều sống trong căng thẳng”.
Đây cũng là tình hình chung của hầu hết các trường tiểu học ở Hà Nội khi giải thưởng của cuộc thi đã trở thành một “tấm vé” vào các trường THCS mà trước đây HS phải luyện và thi 2 môn văn, toán rất khổ sở cũng chưa vào được.
Một phụ huynh có con muốn đăng ký dự tuyển vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tất Thành cho biết: “Vì con mình không có giải ở cuộc thi nào nên ngay sau khi nhà trường thông báo tuyển thẳng và xét ưu tiên những HS có chứng chỉ TOEFL Primary, gia đình đã lập tức tìm trung tâm để luyện tiếng Anh cho con”. Sau khi kiểm tra trình độ, HS sẽ được xếp lớp ôn tập theo dạng cấp tốc. Riêng tiền ôn tập chỉ 6 buổi học đã gần 4 triệu đồng/HS. Sau đó, HS lại phải thêm tiền để thi lấy chứng chỉ. “Nếu đạt được số điểm nhà trường yêu cầu thì mừng quá, còn không thì coi như mất toi 4 – 5 triệu đồng”, vị phụ huynh này nói.
Trước thực tế này, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, giải thích: “Các cuộc thi đó là một sân chơi. Đã là sân chơi thì phải tự nguyện và nó cũng có những mặt tốt nhất định”. Ông Đại cũng khẳng định năm nay Sở sẽ giám sát rất kỹ tiêu chí tuyển sinh của các trường đặc thù. Các trường chỉ được phép xét tuyển giải thưởng của những cuộc thi do ngành GD-ĐT tổ chức hoặc tham gia phối hợp tổ chức. (Còn tiếp)
Lo tiêu cực và áp lực kiểu khác

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), chia sẻ: “Năm nay tôi vẫn hy vọng Sở GD-ĐT cho phép các trường ngoài công lập như chúng tôi dù không thi toán, tiếng Việt nhưng có thể áp dụng thêm một hình thức tuyển sinh nào đó, ví dụ như phỏng vấn thêm hoặc kiểm tra IQ, EQ… vì nhiều em đạt toàn điểm 10 trong suốt 5 năm tiểu học nhưng chất lượng thực sự vẫn không đáng tin cậy khi vào học tại trường”.
PGS Cương cũng bày tỏ lo lắng: “Tôi nghe nói xét giải thưởng cuộc thi này, cuộc thi kia thì lại có hiện tượng chạy giải. Giải bơi lội dành cho HS tiểu học năm 2015 cũng kiện tụng vì thiếu minh bạch. Giải thưởng nếu đúng thực chất thì vẫn có thể tuyển được HS có tố chất, nhưng nếu “chạy chọt” thì vô hình trung gây hiện tượng tiêu cực hơn. HS không áp lực vì học thêm để luyện giải toán, tiếng Việt lại chuyển sang áp lực vì luyện thi toán, tiếng Anh để phục vụ các cuộc thi trên mạng. Như vậy có giảm được căng thẳng cho HS như mục tiêu bỏ thi tuyển hay không?”.

 

Tuệ Nguyễn