26/12/2024

Biển Đông: Tuân thủ luật pháp quốc tế là đúng đắn nhất

Cho đến lúc này, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ theo con đường luật pháp quốc tế là cách làm đúng đắn nhất.

 

Biển Đông: Tuân thủ luật pháp quốc tế là đúng đắn nhất

 

Cho đến lúc này, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ theo con đường luật pháp quốc tế là cách làm đúng đắn nhất.

 

 

 

 

 

Biển Đông: Tuân thủ luật pháp quốc tế là đúng đắn nhất
Các học giả và chuyên gia tham dự hội thảo ở ĐH Yale – Ảnh: Trần Đức Anh Sơn cung cấp

Các vấn đề pháp lý trong tranh chấp Biển Đông là trọng tâm chính trong ngày thứ hai (7-5) của hội thảo Biển Đông tại Trường đại học Yale (Mỹ).

“Mặt trận pháp lý” – theo các học giả tham dự – không những là các lập trường pháp lý của mỗi bên, mà còn là cách tiếp cận luật pháp quốc tế trong từng hồ sơ, vấn đề khác nhau của tranh chấp.

5 yếu tố của Mỹ

TS Patrick Cronin, thuộc Viện Nghiên cứu chính sách an ninh châu Á – Thái Bình Dương (Mỹ), cho rằng có 5 yếu tố chính quyết định việc hoạch định chính sách đối ngoại sắp tới của Mỹ ở Biển Đông. Đó là:

(1) gắn kết chặt chẽ với chính sách tái cân bằng của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương;

(2) quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc;

(3) vai trò quyết định của tổng thống sắp tới về mức độ tham gia của Mỹ;

(4) chiến lược phải được tiến hành toàn diện, không chỉ hạn chế trong lĩnh vực chính trị – ngoại giao mà còn phải lan tỏa về kinh tế, thương mại, luật pháp quốc tế;

(5) phải đảm bảo quyền lợi của Mỹ trong khu vực. Có thể thấy 5 yếu tố này đều tựu trung hướng tới mục tiêu xây dựng lại trật tự bằng luật pháp quốc tế.

Ngược lại với quan điểm của học giả người Mỹ, tiến sĩ Nong Hong thuộc Viện Nghiên cứu Mỹ – Trung ở Washington (Mỹ) đưa ra các “góc nhìn” từ phía Trung Quốc về luật quốc tế và cách ứng dụng phương thức giải quyết tranh chấp quốc tế.

Trong bài nói về “Hàm ý hậu – Tòa trọng tài tại Biển Đông: vai trò của UNCLOS”, học giả công pháp quốc tế đến từ Trung Quốc đặt ra cơ sở cho phân tích sâu hơn về lý do tại sao Trung Quốc chọn cách tiếp cận không tham gia và không chấp nhận vụ kiện lên Toà trọng tài thường trực (PCA) về đòi hỏi vô lý của Trung Quốc trên 
Biển Đông.

Nhìn nhận về phương án giải quyết xung đột, tiến sĩ Tạ Văn Tài (ĐH Harvard, Mỹ) cho rằng Việt Nam đã và vẫn luôn ưu tiên lựa chọn con đường pháp lý. Theo đó, quyền lợi của Việt Nam trên các đảo và quần đảo ở Biển Đông hoàn toàn dựa vào các tập quán pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, quyền đánh bắt, khai thác tài nguyên, các vấn đề môi trường và lưu thông hàng hải của Việt Nam được đảm bảo bởi UNCLOS.

Ông cũng cùng lúc bác bỏ những cơ sở pháp lý của vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nếu Trung Quốc tuyên bố thiết lập trên Biển Đông, vì đây là quyền tự vệ chỉ được triển khai trên phần lãnh thổ hợp pháp của một quốc gia.

Thêm vào đó, Việt Nam có thể sử dụng “cuộc khủng hoảng giàn khoan năm 2014” để làm giàu hồ sơ các vụ kiện trong tương lai, đồng thời nên tìm kiếm hỗ trợ thêm từ Toà án công lý quốc tế, Toà trọng tài Công ước quốc tế về Luật biển và Diễn đàn Liên Hiệp Quốc.

Phải đoàn kết để kiện

Kết thúc buổi hội thảo, ông Jeremy Lagelee (khoa luật ĐH Georgetown, cộng tác viên của Trung tâm nghiên cứu quốc tế – ĐH KHXH&NV TP.HCM) trình bày đánh giá về các diễn biến pháp lý hiện tại trong khu vực.

Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc trước PCA cũng chỉ ra nhiều cơ hội và thách thức cho các nước ASEAN khi lựa chọn giải pháp song phương.

Theo đó, nỗ lực của ASEAN tìm kiếm tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông dường như chưa thành công, thậm chí vừa qua truyền thông Trung Quốc tuyên bố đã đạt được thoả thuận “chỉ thảo luận song phương” về tranh chấp Biển Đông với Brunei, Lào và Campuchia.

Thông báo này tuy vậy sau đó đã bị một số quốc gia có liên quan lên tiếng phản đối.

Ông Lagelee cũng đề cập thêm những trường hợp thành công trước toà trọng tài khi vụ án vượt khỏi khuôn khổ song phương, như vụ Úc phối hợp cùng New Zealand kiện Nhật Bản về việc đánh bắt cá hồi năm 1999, qua đó khuyến khích các nước ASEAN nên tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông khi mang vụ kiện ra quốc tế.

Cuối cùng, tác giả đề nghị những cách tiếp cận mới trong giải quyết tranh chấp Biển Đông như khả năng mở rộng cho bên thứ ba (nhằm bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải), hay các chủ thể phi quốc gia, nhằm chuyển biến tranh chấp lãnh thổ sang các cơ chế giải quyết xung đột tư pháp như luật điều chỉnh xung đột giữa doanh nghiệp – nhà nước, hay luật bảo vệ đầu tư.

Những phiên thảo luận sau đó cũng diễn ra sôi nổi trong không khí trao đổi học thuật tích cực.

Các học giả mở rộng thêm về các diễn biến mới nhất như kế hoạch xây lò phản ứng hạt nhân nổi của Trung Quốc ở Biển Đông, yếu tố Đài Loan trong khu vực và tác động của nó đến phán quyết của toà trọng tài, hay tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng những thay đổi trong nhiệm kỳ tổng thống mới của Mỹ đối với tình hình tranh chấp Biển Đông sắp tới.

Cần tuyên truyền mạnh hơn bằng tiếng Anh

Hội thảo đã mở ra một kênh học thuật quan trọng để khẳng định chủ quyền lịch sử của Việt Nam ở Biển Đông, đánh giá các diễn biến hiện tại trong khu vực với tầm nhìn chiến lược và giới thiệu những cơ hội, cách thức tiếp cận mới cho các nước tham gia tranh chấp.

Bên lề hội thảo, ban tổ chức cũng trưng bày nhiều ấn phẩm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cùng tổ chức triển lãm nhiều bản đồ cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Các đại biểu tỏ ra rất hào hứng về nguồn chứng cứ lịch sử này, nhưng đồng thời đặt vấn đề Việt Nam cần tiến hành dịch sang tiếng Anh để phổ biến những tư liệu hữu ích đến cộng đồng nghiên cứu quốc tế – một việc mà Trung Quốc đang đẩy mạnh trong thời gian vừa qua.

Theo nhiều học giả nước ngoài, “quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông đang là nhu cầu đòi hỏi trong thời gian tới.

THẢO NGHIÊM (từ Connecticut, Mỹ)