26/12/2024

Viễn cảnh khói lửa trên bán đảo Triều Tiên

Giới quan sát đặt ra kịch bản giả định Triều Tiên tấn công Hàn Quốc, dẫn đến cuộc chiến tranh với hậu quả khủng khiếp.

  

Viễn cảnh khói lửa trên bán đảo Triều Tiên

Giới quan sát đặt ra kịch bản giả định Triều Tiên tấn công Hàn Quốc, dẫn đến cuộc chiến tranh với hậu quả khủng khiếp.




Pháo binh Triều Tiên trong một đợt tập trận quy mô lớn	 ///  Reuters

 

Pháo binh Triều Tiên trong một đợt tập trận quy mô lớn Reuters

 


Hồi tháng 3, tình hình bán đảo Triều Tiên được mô tả là “bên bờ vực chiến tranh” khi CHDCND Triều Tiên doạ sẽ tiến hành “chiến dịch giải phóng miền Nam” để đáp trả cuộc tập trận chung Hàn – Mỹ khi đó, vốn bị Bình Nhưỡng cáo buộc là “hành động chuẩn bị xâm lược”.
Không lâu sau, nghị sĩ Lee Cheol-woo thuộc đảng cầm quyền Saenuri của Hàn Quốc khẳng định miền Bắc tiến hành tập trận tấn công quân sự với mục tiêu chính là Seoul. Đến ngày 6.5, Yonhap dẫn lời giới chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc suy đoán nhiều khả năng quân đội miền Bắc sẽ tổ chức diễn tập tấn công quy mô lớn nhằm vào mô hình Dinh Tổng thống Hàn Quốc nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc đảng Lao động Triều Tiên đang diễn ra ở Bình Nhưỡng.
Tình hình sắp tới có thể sẽ còn “nóng” hơn nếu Triều Tiên có động thái phản ứng kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Nhìn chung, các chuyên gia đều cho rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh Triều Tiên lần 2 rất thấp. Tuy nhiên, mọi tính toán sai lầm và thiếu kiềm chế đều có thể dẫn đến căng thẳng vượt tầm kiểm soát. Trong cuốn sách The Impossible State (tạm dịch: Nhà nước bất khả thi), cựu Giám đốc chương trình châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Victor Cha cảnh báo bất cứ hành động tấn công có giới hạn nào của miền Bắc đều dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn, khiến khoảng 1 triệu người thiệt mạng và thiệt hại ước tính 1.000 tỉ USD.
Tấn công vũ bão
Hiện nay Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) có 1,1 triệu quân thường trực, gần gấp đôi con số 625.000 binh sĩ Hàn Quốc và 28.000 binh sĩ Mỹ đóng tại miền Nam. Trong đó, 2 thế mạnh đáng kể của KPA là lực lượng đặc nhiệm và pháo binh được ông Cha mô tả là “lớn nhất thế giới”.
Tác giả vạch ra kịch bản miền Bắc khơi mào cuộc chiến bằng cách triển khơi biệt kích nhảy dù, đổ bộ xuống miền Nam vào rạng sáng, phá huỷ các trạm điện, hệ thống liên lạc, cầu đường, kết hợp với tấn công mạng và dùng các biện pháp gây nhiễu điện tử nhằm làm suy giảm khả năng chỉ huy, liên lạc của Hàn Quốc cũng như chặn quân tiếp viện Mỹ. Tiếp theo, pháo binh sẽ dội mưa đạn xuống miền Nam đồng thời phóng khoảng 600 tên lửa mang đầu đạn hóa học tới các sân bay. Khi đó, theo ông Cha, người dân ở Seoul “chỉ có 45 giây để tìm nơi ẩn nấp”.
Sau khi được dọn đường, khoảng 700.000 binh sĩ cùng 2.000 xe tăng Triều Tiên sẽ vượt biên giới chọc thủng hàng phòng thủ theo đội hình bậc thang của miền Nam trải dài từ khu phi quân sự liên Triều đến Seoul.
Ngoài ra, bất kỳ lực lượng bên ngoài nào cố vượt qua eo biển Tsushima, nằm giữa bán đảo Triều Tiên và đảo Kyushu của Nhật Bản, để tiếp cận Hàn Quốc sẽ đối mặt với tàu ngầm Tiều Tiên đã chực sẵn. Tuy bị đánh giá là khá cũ kỹ và sức chiến đấu kém nhưng hạm đội tàu ngầm Triều Tiên có số lượng lớn nhất thế giới hiện nay với 78 – 84 chiếc, không chỉ bứt xa Hàn Quốc (13 tàu) mà còn vượt qua Mỹ (72 tàu), Trung Quốc (69) và Nga (63).
Vì thế, Triều Tiên có thể áp dụng chiến thuật “lấy thịt đè người” để cản bước tiến của tàu chiến, tàu ngầm đối phương và kéo dài thời gian đủ để lực lượng trên bộ chọc thẳng đến Seoul.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định: do yếu kém về hậu cần và thể lực binh sĩ nên miền Bắc chỉ có thể duy trì sức tấn công mạnh từ 3 ngày đến một tuần. Vì thế, Bình Nhưỡng nhiều khả năng tập trung thọc sâu chớp nhoáng nhằm chiếm ưu thế để ra điều kiện đàm phán. Trong khi đó, Hàn Quốc, Mỹ và các đồng minh phải mất nhiều ngày mới vô hiệu hoá được đạn pháo của kẻ thù và sẽ có hàng trăm ngàn người thiệt mạng.
“Nếu không sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật thì không thể vô hiệu hoá đạn pháo trước khi miền Bắc gây tổn thất lớn cho Seoul”, theo sách The Impossible State. Tác giả Victor Cha cũng khẳng định: “Vũ khí và lực lượng Triều Tiên tuy lỗi thời nhưng có số lượng áp đảo nên không dễ bị ngăn chặn. Tên lửa và pháo có cũ đến đâu thì vẫn đủ sức bắn tới Seoul để gây thiệt hại lớn”.
Viễn cảnh khói lửa trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 1

Quân đội Mỹ – Hàn trong một cuộc tập trận chung ở Pohang, Hàn Quốc Reuters

Ứng phó của Hàn, Mỹ
Nếu phát hiện Triều Tiên có dấu hiệu chuẩn bị tấn công, Hàn Quốc và Mỹ có thể triển khai kế hoạch tác chiến mang tên OPLAN 5015 được thông qua hồi tháng 6.2015.
Theo kế hoạch, trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, quân đội hai nước sẽ phối hợp tấn công phủ đầu nhằm vào dàn lãnh đạo cấp cao lẫn các cơ sở hạt nhân, tên lửa của miền Bắc. Hàn Quốc và Mỹ cũng có thể sử dụng không quân ném bom liên tục xuống bộ binh và thiết giáp Triều Tiên đồng thời tiến hành chiến dịch đổ bộ đánh vào mạn sườn miền Bắc. Với ưu thế vượt trội về không quân, Mỹ thừa sức tấn công dồn dập làm suy yếu các đơn vị, lực lượng liên lạc, các trụ sở và hậu cần của quân đội Triều Tiên trên toàn quốc.
Riêng về phần mình, Hàn Quốc hồi tháng 3 đã thành lập lực lượng đặc nhiệm mới mang tên “Spartan 3.000”, gồm 3.000 binh sĩ luôn trong tình trạng sẵn sàng để triển khai tới mọi khu vực trên bán đảo Triều Tiên trong vòng 24 giờ với nhiệm vụ chính là phá hủy các cơ sở quân sự chủ chốt của miền Bắc, theo Yonhap.
Tuy nhiên, theo tác giả Victor Cha, liên quân Hàn – Mỹ cũng khó nhanh chóng hoàn thành mục đích nếu tràn quân lên miền Bắc. Ông chỉ ra rằng chính quyền lãnh đạo Kim Jong-un hiện chỉ duy trì một đường mòn duy nhất nối giữa giới tuyến liên Triều với thủ đô Bình Nhưỡng, đồng thời bố trí nhiều oanh tạc cơ để tiêu diệt đối phương xâm nhập. Ngoài ra, nhiều trung tâm chỉ huy, kho lương thực và trạm nhiên liệu đều được xây ngầm dưới lòng đất.
Theo các nguồn tin tình báo và quân sự, ngay phía dưới Quảng trường Kim Nhật Thành có một boongke chỉ huy dành cho lãnh đạo cấp cao với khả năng chống chịu bom đạn cực cao. Hầm này được trang bị đầy đủ hệ thống thông gió và đường hầm thoát hiểm bí mật. “Sau khi trải qua những trận bom kinh hoàng trong Chiến tranh Triều Tiên, miền Bắc đã tạo ra hệ thống đường hầm quy mô hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. The Impossible State viết.
Theo giới quan sát, Seoul và Washington sở hữu những loại đạn được dẫn đường chính xác cùng bom phá boongke có độ chính xác cao có thể xuyên phá mọi hầm ngầm, làm nổ tung các cửa công sự và chôn vùi những đơn vị pháo binh của Triều Tiên. Vấn đề ở đây là có thể mất nhiều thời gian để triển khai các loại vũ khí này vì đa phần không được đặt trên bán đảo Triều Tiên. Nếu không kịp phủ đầu mà để miền Bắc ra tay trước thì quá trình huy động vũ khí sẽ càng thêm khó khăn.
Một viễn cảnh không thể bỏ qua là Trung Quốc, thậm chí cả Nga, tham chiến. Tuy quan hệ Trung – Triều đang gặp trục trặc và cả Bắc Kinh lẫn Moscow đều khẳng định không chấp nhận Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng Trung Quốc sẽ không ngồi yên nếu Hàn – Mỹ đẩy mạnh tấn công trên lãnh thổ Triều Tiên và áp sát biên giới Trung – Triều. Nhận định về viễn cảnh này, chuyên gia Choi Ji-wook tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, cho rằng: “Trung Quốc sẽ ủng hộ Triều Tiên, nhưng chỉ trên lãnh thổ miền Bắc”.
Tác giả Cha kết luận rằng sự vượt trội về công nghệ cho phép Hàn Quốc và Mỹ giành chiến thắng “nhưng phải trải qua 4 – 6 tháng chiến đấu quyết liệt và hy sinh nhiều người”. Dù bên nào thắng thì “Chiến tranh Triều Tiên lần 2” sẽ dẫn đến thương vong cực lớn và nguy cơ lan rộng ra cả khu vực. Chính lo ngại về tổn thất quá lớn và hậu quả khó lường đã giúp duy trì hoà bình trên bán đảo Triều Tiên cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang tỏ ra ngày càng khó đoán và không rõ các bên sẽ kiềm chế được bao lâu. “Điều nguy hiểm là những điều kiện có thể dẫn đến chiến tranh hiện nay đã rất khác so với hồi thập niên 1950”, theo cảnh báo trong sách The Impossible State.
Nga, Trung lần đầu cùng diễn tập chống tên lửa
Dự kiến trong tháng này, Nga và Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc diễn tập chống tên lửa chung đầu tiên tại một trung tâm nghiên cứu quân sự của Nga, theo tờ China Daily. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh hai nước cực lực phản đối việc Mỹ tính triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Nhà Trắng khẳng định THAAD chỉ nhằm ứng phó “mối đe doạ” từ Triều Tiên nhưng Nga và Trung Quốc coi đây là một nguy cơ đối với an ninh và lợi ích của mình. Hãng tin Sputnik hôm 7.5 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov một mặt tái khẳng định không chấp nhận chính sách hạt nhân của Triều Tiên, một mặt nhấn mạnh Moscow sẽ tìm kiếm sự đảm bảo pháp lý từ Washington rằng việc triển khai THAAD tới Đông Á sẽ không chống lại Nga.
Cũng trong hôm 7.5, chuyên trang 38 North của Mỹ công bố hình ảnh do vệ tinh chụp tại bãi thử Punggye-ri ở Triều Tiên hôm 5.5 cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho một đợt thử hạt nhân mới.

 

Văn Khoa