Thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội: Không thể học tủ vì kiến thức trải đều
Theo những thí sinh đã dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, các câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi nói chung không quá khó nhưng đòi hỏi kiến thức trải dài trong suốt chương trình THPT.
Thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội: Không thể học tủ vì kiến thức trải đều
Theo những thí sinh đã dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, các câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi nói chung không quá khó nhưng đòi hỏi kiến thức trải dài trong suốt chương trình THPT.
Vì thế chỉ những thí sinh (TS) có một quá trình học tập liên tục và bền bỉ mới đạt được kết quả tốt nhất.
Ngoại ngữ, phân hoá được thí sinh
Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm nay của ĐH này sẽ kéo dài đến hết ngày 15.5, với tổng số 14 ca thi, được tổ chức ở 7 địa phương, từ Thái Nguyên tới Đà Nẵng. Về đề thi môn ngoại ngữ, theo các TS, không quá khó.
Nguyễn Trang, học sinh lớp 12C1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP.Vinh, Nghệ An, cho biết làm xong hết nhưng kết quả chỉ đúng 58/80 câu. Dù trước khi thi Nguyễn Trang kỳ vọng mình sẽ làm đúng khoảng hơn 60 câu. Tuy nhiên, Trang vẫn nhận xét: “Thật ra đề thi không quá khó, không đòi hỏi TS phải suy nghĩ nhiều. Chỉ có phần đọc hiểu khó hơn một chút. Cũng có một dạng câu mới so với các đề thi ĐH thông thường trước đây hoặc kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái là sắp xếp từng câu thành một đoạn văn bản hoặc hội thoại nhưng vì trong quá trình học chúng em đều được ôn nên nhiều bạn làm được”.
Lê Trang, bạn học cùng lớp với Nguyễn Trang đạt kết quả tốt hơn – đúng 66/80 câu – cũng cho rằng các bài đọc hiểu hơi khó, nhưng hay. “Đề mà em gặp có 2 bài đọc, một bài về phong cách sống của người VN, một bài nói về bình đẳng giới. Vì thế, khi đọc để trả lời bài thi, em thấy thích thú vì cảm giác mình có thêm kiến thức đời sống”, Lê Trang cho biết.
Còn Nguyễn Bảo Ngân, lớp 12 chuyên văn, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cho rằng với đề ngoại ngữ, để làm đúng được 50 câu là không khó với hầu hết TS đã có quá trình ôn tập để chuẩn bị thi khối D. Nhưng để làm đúng từ 60 câu trở lên thì không đơn giản. “Ngay cả các bạn khối chuyên Anh trường em cũng hầu như không có bạn nào đúng hết 80 câu. Những bạn giỏi nhất cũng chỉ đúng khoảng 75 – 78 câu. Số còn lại phổ biến ở mức trên dưới 70 câu”, Ngân chia sẻ.
Theo Nguyễn Phương Thảo, lớp 12G, Trường phổ thông chuyên ngữ Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), đề thi thực sự phân hoá được TS khá, giỏi và xuất sắc: “Ai làm được đúng bao nhiêu câu, chúng em đều nhận thấy rất phù hợp với quá trình học của người đó. Chẳng hạn, chỉ có một trường hợp được 80 điểm khiến chúng em hơi bất ngờ một chút, vì bạn ấy là nam và học chuyên văn (Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội). Còn lại, tất cả những bạn được 80 điểm khác đều khiến chúng em không ngạc nhiên, vì vốn dĩ là những người rất giỏi ngoại ngữ, được bạn bè trong giới chuyên ngữ ngưỡng mộ, trong đó nhiều bạn đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa rồi”.
Nhiều khác biệt so với đề thi ĐH thông thường
Trong số những TS đăng ký dự thi kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 này, Nguyễn Quốc Chí, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Hà Nội), hiện là giáo viên luyện thi môn toán, là trường hợp khá đặc biệt. Chí đã dự thi kỳ thi này 2 năm liên tiếp nhưng với mục đích không phải để được xét tuyển vào ĐH mà là để… nghiên cứu.
Theo Chí, ngoài TS ôn khối D, C, những TS ôn khối A1 nên lựa phần tự chọn là sử, địa, công dân bởi các TS này chỉ có sở trường môn lý, trong khi kiến thức môn hoá và sinh rất khó và dàn trải thành thử cơ hội “ăn” điểm là rất thấp. Chí nhận xét: “Đề sử nhiều mốc thời gian, địa cũng khá khó cho những người không học, nhưng “ngon ăn” nhất là giáo dục công dân vì chỉ cần các bạn hiểu biết một chút về pháp luật là làm được”.
Với đề văn, Chí cho rằng không có quá nhiều câu hỏi về kiến thức nghị luận văn học. Các câu hỏi phổ biến ở dạng đưa ra một đoạn văn rồi yêu cầu TS hiểu ngữ nghĩa của các từ khoá. “Với những bạn nào đọc nhiều sách báo thì sẽ làm tốt các câu hỏi dạng này. Tôi cũng làm được 25 – 30/50 câu. Kiến thức trong đề nói chung là trải rộng, không chỉ dừng ở bậc THPT mà cả những kiến thức của các bậc học dưới (tiểu học, THCS) cũng xuất hiện, đòi hỏi TS phải có sự tích lũy từ các lớp dưới, nghiêm túc với việc học, phải chịu khó trau dồi văn hoá đọc”, Chí nhận xét.
Với đề môn toán, Chí cho biết các câu hỏi nhìn chung là có độ khó ở mức trung bình. Trong đề có 50 câu thì khoảng 10 câu khó phân loại, 40 câu còn lại kiến thức rất rộng, len lỏi sâu vào từng nội dung của lớp 10, 11, 12. Đề bám rất sát chương trình học. Hầu hết các câu hỏi thường xuất hiện trong sách giáo khoa và sách bài tập, và đây là điểm khác với đề thi ĐH thông thường, do đó sẽ là “lạ” đối với những bạn mải luyện các bài ôn thi ĐH mà bỏ bê sách giáo khoa, sách bài tập chính khóa. “Để làm được điểm cao trong đề này đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Kiến thức phải chắc, rộng và quan trọng là phải biết làm nhanh, thậm chí rất nhanh. Nếu làm theo cách vẫn hay làm trên lớp thì đến câu 25 là hết giờ. Đặc biệt, kiểu ra đề này không dành cho những ai thích học tủ. Có nhiều câu khá hay”, Chí nói.
Biết kết quả ngay sau khi thi
Phần lớn TS chỉ phải làm một bài thi đánh giá năng lực trong một ca thi kéo dài 195 phút và làm bài trên máy tính, trả lời 140 câu hỏi trắc nghiệm. Khoảng 1/4 TS sẽ làm thêm bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (cũng làm trên máy tính) trong một ca thi 90 phút, bao gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm. Cả hai bài thi, TS đều được biết kết quả ngay sau khi làm xong bài.
Kết quả bài thi đánh giá năng lực có giá trị đăng ký xét tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội và vào một số trường ĐH, CĐ khác gồm các trường: Kiến trúc Đà Nẵng, Sư phạm kỹ thuật Nam Định, Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Trãi, Thủ Đô, Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Đông Á Đà Nẵng, Hoà Bình.
Hôm qua, 6.5, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác tổ chức thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ông Hùng cho biết phương thức thi này giúp hạn chế tối đa các tiêu cực trong thi cử, giảm sự căng thẳng của công tác coi thi và tham gia dự thi của TS.
|
Quý Hiên