Cảnh sát Trung Quốc tuần tra tại Ý
Việc cảnh sát Trung Quốc tham gia tuần tra tại thủ đô Rome và thành phố Milan của Ý đang gây nhiều tranh luận tại nước này.
Cảnh sát Trung Quốc tuần tra tại Ý
Việc cảnh sát Trung Quốc tham gia tuần tra tại thủ đô Rome và thành phố Milan của Ý đang gây nhiều tranh luận tại nước này.
Từ ngày 3.5, 4 cảnh sát Trung Quốc đã bắt đầu tham gia tuần tra tại Rome và Milan cùng các đồng nghiệp người Ý. Đây là đợt thử nghiệm kéo dài 15 ngày theo thỏa thuận được chính phủ 2 nước thông qua từ năm 2014.
Tháng 5 được lựa chọn để thử nghiệm vì đây là giai đoạn cao điểm của du lịch tại Ý. Mục đích chính của thỏa thuận vào năm 2014 là hỗ trợ hơn 3 triệu du khách Trung Quốc đến Ý hằng năm đối phó với nạn cướp giật, móc túi, theo tờ Les Echos. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến phản đối vì cho đến nay những kế hoạch hợp tác điều chuyển cảnh sát qua lại giữa các nước để phối hợp tuần tra tại khu vực EU chỉ diễn ra trong nội bộ khối này.
Tham gia điều tra
Theo Les Echos, các cảnh sát Trung Quốc tham gia đợt thử nghiệm trực thuộc Sở Công an Bắc Kinh. Để chuẩn bị, từ nhiều tháng qua, Rome đã gửi một số quan chức ngành cảnh sát sang Bắc Kinh để tuyển chọn và đào tạo. Những người được chọn tham gia đợt thử nghiệm đều thông thạo tiếng Ý. Đáng chú ý là ngoài nhiệm vụ hỗ trợ các du khách đồng hương, cảnh sát Trung Quốc có thể tham gia điều tra các vụ án liên quan đến những tổ chức tội phạm gốc Hoa tại những khu phố có đông Hoa kiều sinh sống. Các sở cảnh sát của Rome và Milan sẽ quyết định khu vực và số lượng cảnh sát Trung Quốc tham gia tuần tra, thường là 2 hoặc 4 người, cùng nhóm cảnh sát Ý.
Tại Milan, các đội tuần tra có cảnh sát Trung Quốc chủ yếu hoạt động tại đường Paolo Sarpi và các tuyến đường lân cận. Từ thập niên 1970 – 1980, khu vực này đã có nhiều người nhập cư từ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đến lập nghiệp. Nơi đây dần trở thành khu phố của người Hoa, chủ yếu kinh doanh các lĩnh vực như nhà hàng, buôn bán quần áo, giày da…
Tuy nhiên, khu Paolo Sarpi cũng là “điểm nóng” của các tổ chức tội phạm gốc Trung Quốc, chuyên về buôn bán ma tuý, đặc biệt là ketamine. Trong 10 năm qua, cảnh sát Ý đã nhiều lần mở chiến dịch truy quét tại đây nhưng chưa thể giải quyết được hoàn toàn.
Pháp đã nói “không”
Những luồng ý kiến phản đối tại Ý đặc biệt nhấn mạnh việc Pháp từng có một kế hoạch tương tự vào năm 2014 nhưng sau cùng đã huỷ bỏ. Du lịch là một trong những ngành mũi nhọn của kinh tế Pháp, trong đó, lượng du khách ngày càng tăng từ Trung Quốc là nguồn thu đáng kể. Đặc biệt khi khách du lịch nước này thường dành tới 60% chi phí của chuyến đi để mua sắm. Mặt khác, du khách Trung Quốc cũng thu hút sự chú ý của các nhóm tội phạm vì thường mang nhiều tiền mặt bên mình, theo tờ Le Figaro.
Năm 2003, một đoàn khách du lịch Trung Quốc bị cướp khi đứng chờ trước một nhà hàng ở Bourget, khu ngoại ô đông bắc thủ đô Paris. Vụ việc khiến Hiệp hội Du lịch Trung Quốc phản đối dữ dội. Tháng 5.2014, trả lời tờ Nhân Dân nhật báo, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve thông báo sẽ có một số cảnh sát Trung Quốc tham gia tuần tra tại Paris để hỗ trợ khách du lịch đồng hương. Họ được mặc cảnh phục Trung Quốc để dễ nhận diện nhưng không được mang vũ khí và nhiệm vụ chủ yếu chỉ là phiên dịch, hướng dẫn chứ không tham gia điều tra.
Tuy nhiên, thông báo này bị phản ứng dữ dội tại Pháp, từ các chính trị gia, giới truyền thông đến người dân. Trong bài xã luận vào tháng 6.2014, tờ Marianne nhận định: “Việc cảnh sát Trung Quốc hoạt động ngay tại Paris có thể gây nhiều lo ngại về an ninh và tình báo, đặc biệt vì 2 ngành này ở Trung Quốc có liên hệ rất chặt chẽ. Làm sao một cơ quan phản gián của Pháp có thể chấp nhận để cảnh sát Trung Quốc “làm việc” và ghi nhận mọi thứ ngay trong lòng Sở cảnh sát Paris?”.
Nhiều nghị sĩ đảng UMP (hiện đã đổi tên thành đảng LR) ở Paris cũng cho rằng việc “nhờ vả” cảnh sát Trung Quốc sẽ làm “xấu mặt” cảnh sát Pháp vì không tự giải quyết được các vấn đề như móc túi hoặc cướp giật. Sau cùng, Paris đã quyết định không thực hiện kế hoạch vì “nhiều rào cản về mặt kỹ thuật và hành chính”.
Lan Chi