Nhà tù ‘5 sao’ của quan tham Trung Quốc
Các quan chức “nhúng chàm” ở Trung Quốc được giam giữ trong các nhà tù sang trọng với những chế độ đãi ngộ đặc biệt.
Nhà tù ‘5 sao’ của quan tham Trung Quốc
Các quan chức “nhúng chàm” ở Trung Quốc được giam giữ trong các nhà tù sang trọng với những chế độ đãi ngộ đặc biệt.
Truyền thông Trung Quốc vừa tiết lộ những thông tin hiếm hoi về cuộc sống của các tội phạm sừng sỏ bên trong một số nhà tù hạng sang ở nước này như Yến Thành ở tỉnh Hà Bắc và Tần Thành ở Bắc Kinh.
Khu nghỉ dưỡng nên thơ
Yến Thành nằm tại thành phố Tam Hà là một trong những nhà tù được truyền thông Trung Quốc xếp vào loại “nhà tù hạng sang”, thường là nơi giam giữ các quan tham trên cả nước và thân nhân của họ.
Sở hữu khuôn viên rộng lớn với công trình kiến trúc đặc biệt nên Yến Thành còn có tên Nhà Trắng. Tại đây, các tù nhân “vang bóng một thời” có thể đốt thời gian bằng cách làm vườn, trồng bắp cải, đào và quả mơ tại vườn cây ăn quả rợp bóng xanh bao quanh nhà tù, theo tạp chí People. Bộ Tư pháp Trung Quốc từng tự hào khoe một số phạm nhân đến đây đã trở thành “nhà thơ” vì “tức cảnh sinh tình” trước vẻ nên thơ của Yến Thành.
Nhà tù này được xây dựng từ năm 2002 trên vùng đất rộng 0,44 km2, thuộc quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Trông từ xa, nó như một lâu đài uy nghi với các bãi cỏ được cắt tỉa gọn gàng, rộng bằng cả ba sân bóng đá. Nhà tù có phòng tập thể dục hiện đại được trang bị đầy đủ và cả một phòng phục vụ đồ uống. Các buồng giam đều rộng rãi.
Các quan chức ngã ngựa hay các ông trùm tội phạm vẫn có thể tận hưởng cuộc sống tốt đẹp sau song sắt. Họ dễ dàng truy cập internet, được phép dùng điện thoại thông minh, xem phim DVD và có các bữa ăn ưa thích. Truyền thông Trung Quốc trước đó còn tiết lộ phạm nhân tại đây được phục vụ các món đặc sản và thường được xem các chương trình văn nghệ.
Hoạt động thể thao cũng rất được chú trọng ở Yến Thành. Theo tờ The Telegraph, các tù nhân được cho là có thể tích luỹ điểm để giảm thời gian thụ án nếu chơi tốt trong các trận đấu bóng rổ được tổ chức thường xuyên trong nhà tù. Bóng đá cũng là môn thể thao phổ biến tại nhà tù từng giam giữ 10 cựu quan chức và tuyển thủ bóng đá quốc gia Trung Quốc bị kết án bán độ hồi năm 2012, theo tạp chí People.
Yến Thành cũng là nơi giam giữ bà Cốc Khai Lai, người đang thụ án chung thân vì giết chết một doanh nhân người Anh. Bà từng bị tuyên án tử hình, song được hoãn thi hành án trong 2 năm hồi năm 2012. Năm ngoái, một toà án ở Bắc Kinh giảm án xuống tù chung thân vì cho rằng bà Cốc đã cải tạo tốt.
Bữa ăn “cấp bộ trưởng”
Một nhà tù khác nổi tiếng không kém Yến Thành là Tần Thành ở Bắc Kinh, nơi giam giữ những quan chức thuộc dạng “hét ra lửa” một thời. Nằm ẩn mình trong khu rừng rậm ở phía bắc thủ đô, được bao quanh bởi dãy tường màu xám song không có dây kẽm gai hoặc tháp canh, nhà tù Tần Thành được ví như khách sạn 5 sao dành cho các chính khách thất sủng. Cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, cựu cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân, cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân, cựu Thứ trưởng Công an Lý Kỷ Chu… đều đang bóc lịch tại đây, theo tạp chí The Diplomat.
“Nó giống như một khách sạn 5 sao”, theo Hãng AFP dẫn lời ông Bào Đồng, một cựu quan chức cấp cao Trung Quốc từng thụ án 7 năm tù tại Tần Thành. Đây cũng là nơi giam giữ hầu hết các chính trị gia cấp cao của nước này từ thập niên 1960 cho đến nay.
Các “quan lớn” được ở trong các buồng giam rộng khoảng 20 m2 có đầy đủ tiện nghi như giường nệm, ghế sofa, bàn giấy và phòng tắm. Một số nguồn tin địa phương cho biết các phòng giam đều được thiết kế đặc biệt để ngăn chặn tù nhân có ý định tự tử. Những “yếu nhân” này còn có thể xem truyền hình từ 14 – 21 giờ mỗi ngày và thoải mái đi lại trong khuôn viên nhà tù 6 lần mỗi tuần, theo tờ Beijing News.
Thay vì phải mặc đồ phạm nhân màu đen, các tù nhân VIP được phép mặc áo quần do gia đình mang vào. Truyền thông Hồng Kông từng đưa tin nguyên Bí thư Thành uỷ Thượng Hải Trần Lương Vũ, bị tống giam hồi năm 2008 vì tội nhận hối lộ, thường mặc đồ vest và tập thái cực quyền trong thời gian thụ án ở đây.
Các tù nhân “máu mặt” như ông Bạc Hy Lai, bị tuyên án chung thân vì tội tham nhũng, lạm quyền, còn được phục vụ các bữa ăn ngon “theo cấp bộ trưởng”, có thêm cữ sữa vào bữa điểm tâm. Các bữa ăn trưa và tối đều gồm hai món chính và một bát canh. Theo tờ Beijing Times, một số đầu bếp của nhà tù từng làm việc tại một trong những khách sạn sang trọng tại Bắc Kinh. Sau mỗi bữa ăn, các tù nhân đều có thêm một quả táo.
Được xây từ cuối thập niên 1950 với sự giúp đỡ của Liên Xô, Tần Thành là trại giam duy nhất ở Trung Quốc do T.Ư đảng trực tiếp quản lý. “Ban Chấp hành T.Ư đảng trực tiếp kiểm soát nhà tù. Tình trạng thường ngày của tù nhân được báo cáo trực tiếp lên cấp trên”, ông Bào Đồng cho biết thêm. Nhân viên an ninh đứng canh cả ngày bên ngoài buồng giam, quan sát từng cử động của phạm nhân, có lẽ một phần do lo ngại chuyện tự tử. Nhiều cựu tù nhân ở đây còn tiết lộ rằng các quan chức cấp cao bị giam giữ ở Tần Thành thường được trả tự do nhiều năm trước khi mãn hạn tù vì lý do sức khoẻ và sau đó chỉ bị quản thúc tại gia.
“Cháy chỗ”
Chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động đã khiến hàng loạt quan chức từ cấp cao đến cấp thấp bị bắt giữ, dẫn đến tình trạng quá tải tại các nhà tù hạng sang. Theo tạp chí The Diplomat, gần 40 quan chức từ cấp thứ trưởng trở lên đã bị điều tra từ lúc ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012. Việc có quá nhiều quan chức bị bắt khiến nhà tù Tần Thành dù đã mở rộng vào năm 2012 cũng không đủ chỗ chứa. Thời điểm này, nhà tù Yến Thành được khởi công xây dựng với kỳ vọng sẽ thay thế hoàn toàn Tần Thành. Tuy vậy, Trung Quốc hiện phải sử dụng cả hai nhà tù trên nhưng vẫn không đủ chỗ chứa.
|
Danh Toại