Ngân hàng đồng loạt cắt giảm lãi suất cho vay
Ngày 29.4, một loạt ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay ngắn, trung và dài hạn để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.
Ngân hàng đồng loạt cắt giảm lãi suất cho vay
Ngày 29.4, một loạt ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay ngắn, trung và dài hạn để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.
Trước đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 – 7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 – 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 – 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 – 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Sau lời đề nghị của Thủ tướng và Thống đốc về giảm lãi suất, đầu giờ sáng 29.4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) tuyên bố điều chỉnh mức ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn VND về tối đa 10% trong thời gian 1 năm. Ngoài ra, ngân hàng sẽ dành gói ngân sách khoảng 300 tỉ đồng (có được từ nguồn tiết giảm chi phí quản lý, tối ưu hoá quy trình, quản trị tốt rủi ro và nâng cao hiệu suất kinh doanh) để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong phương án kinh doanh và nâng cao chất lượng tín dụng.
Ngắn hạn giảm thêm 0,5%/năm
Ở khối các nhà băng cổ phần, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội tiên phong khi quyết định giảm lãi suất các khoản vay trung, dài hạn xuống 10%/năm. Tuy nhiên, với cam kết mạnh mẽ hơn nhằm đồng hành với DN, đặc biệt các DN vừa và nhỏ, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Lê – Tổng giám đốc SHB – cho biết đối với các khoản cho vay ngắn hạn, SHB sẽ xem xét giảm lãi suất 0,5%/năm so với mức hiện hành đang áp dụng. Tính đến 31.3, theo lãnh đạo SHB, tổng tín dụng đối với khách hàng DN vừa và nhỏ chiếm 55%/tổng dư nợ. Trong đó lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng 40%, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển chiếm 10%, lĩnh vực xuất khẩu chiếm 9% và các DN ứng dụng công nghệ cao chiếm 2%.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank, cũng cam kết ngân hàng này sẽ thực hiện các biện pháp nhằm hỗ trợ mạnh hơn nữa cho DN. Cụ thể, đối với dự án sản xuất, kinh doanh, đầu tư trung và dài hạn, lãi suất cho vay sẽ không vượt quá 10%/năm. Đối với những dự án được ngân hàng đánh giá là tốt, lãi suất cho vay tiếp tục xem xét giảm so với mặt bằng hiện nay khoảng 0,5%/năm.
Cùng ngày 29.4, Hội sở Ngân hàng thương mại Đầu tư và Phát triển (BIDV) ra quyết định cắt giảm lãi suất. “Trong khi chờ đợi các chính sách từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, BIDV cam kết ngày 29.4 sẽ thực hiện giảm 0,5% lãi suất đối với các khoản vay vốn ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, và mức cho vay trung và dài hạn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh tối đa không quá 10%”, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà nói và cho biết BIDV sẽ bị giảm doanh thu khoảng 400 – 450 tỉ đồng.
Vẫn theo ông Hà, hiện nay lãi suất cho vay đối với VND đang ở mức 7 – 11%/năm (bình quân 8,5%/năm), là mức lãi suất tốt nhất trong nhiều năm qua (thấp hơn cả giai đoạn 2006 – 2007 dao động từ 8 – 12%/năm). Trong khi giá vốn đang ở mức khoảng 7,8%/năm (gồm lãi suất huy động khoảng 4,9%, dự phòng rủi ro 1,22%, dự phòng thanh khoản 0,5%, chi phí quản lý 1,75%). Do đó, mức chênh lệch ròng của các ngân hàng thương mại hiện rất thấp, chỉ khoảng 0,7%, so với các nước trong khu vực chênh lệch ròng ở mức 2,2 – 2,5%. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay bình quân 8,5%/năm của VN hiện nay theo lãnh đạo của BIDV vẫn chỉ thấp hơn Ấn Độ (10%), và cao hơn các nước trong khu vực ASEAN (đang ở mức khoảng 6 – 7%/năm).
Anh Vũ