01/11/2024

Chính sách phải công bằng và minh bạch

Khó tiếp cận vốn, chưa được đối xử công bằng, lo bị “xộ khám” bởi những quy định bất hợp lý… là những tâm tư mà nhiều doanh nghiệp và chuyên gia chia sẻ với Tuổi Trẻ về những khó khăn hiện nay trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

 ỦNG HỘ VÀ BẢO VỆ KINH DOANH

Chính sách phải công bằng và minh bạch

 

Khó tiếp cận vốn, chưa được đối xử công bằng, lo bị “xộ khám” bởi những quy định bất hợp lý… là những tâm tư mà nhiều doanh nghiệp và chuyên gia chia sẻ với Tuổi Trẻ về những khó khăn hiện nay trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

 

 

 

Chính sách phải công bằng và minh bạch
Dây chuyền sản xuất phân bón tại một nhà máy – Ảnh minh hoạ

Theo các chuyên gia, nên tư duy theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hoạt động, thay vì bóc ngắn cắn dài.

* Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):

Doanh nghiệp 
cần được đối xử 
công bằng

Theo quy định hiện hành, hầu hết các lĩnh vực đều được cho phép hạch toán bù trừ lỗ lãi trong quá trình kinh doanh để xác định lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, có một số ít lĩnh vực lại không được áp dụng cơ chế này mà phải được hạch toán riêng, trong đó có hoạt động kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, trong trường hợp chuyển nhượng bất động sản bị lỗ, DN được bù trừ với thu nhập từ các hoạt động kinh doanh khác. Ngược lại, nếu chuyển nhượng bất động sản có lợi nhuận, DN phải nộp thuế thu nhập DN ngay mà không được bù trừ khi các hoạt động 
kinh doanh khác bị lỗ.

Theo tôi, đây là quy định bất hợp lý và không còn phù hợp với tinh thần đổi mới khi xây dựng Luật đầu tư 2014, trong đó cho phép nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Và trong cùng một DN, các hoạt động đầu tư kinh doanh đều sử dụng nguồn vốn của DN, có vai trò hỗ trợ lẫn nhau và hiệu quả sản xuất, kinh doanh chính là kết quả tổng hợp của các hoạt động trên. Hơn nữa, bất động sản là một trong những ngành kinh tế nền tảng của đất nước, có liên quan đến hầu hết ngành kinh tế khác, cung ứng nhiều sản phẩm, đặc biệt là nhà ở và góp phần tạo ra nhiều việc làm 
cho người lao động.

Do vậy, theo tôi, cần bãi bỏ quy định lỗi thời này và cho phép tất cả DN, trong đó có DN bất động sản, được hạch toán bù trừ giữa các hoạt động sản xuất, kinh doanh với nhau phù hợp với các điều ước quốc tế mà VN đã ký kết.

* TS Cấn Văn Lực 
(chuyên gia tài chính):

Nợ công làm khó doanh nghiệp

Thời gian qua, các DN vẫn kêu nhiều về chuyện khó tiếp cận vốn do rất nhiều nguyên nhân. Ngoài những hạn chế từ bản thân DN như đang nợ xấu, không có phương án khả thi…, việc khó khăn về vốn của các DN còn xuất phát từ thực tế thị trường vốn VN, chứng khoán và trái phiếu còn rất èo uột, DN phát hành trái phiếu rất khó khăn.

Do đó, hầu hết các DN chỉ còn biết trông cậy hoàn toàn vào tín dụng ngân hàng để có vốn sản xuất kinh doanh. Thực tế cho thấy 45% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng là vốn trung và dài hạn. Trong khi đó tại các nước, ngân hàng chỉ là nơi cung cấp vốn ngắn hạn cho thị trường.

Với những DN vay được vốn, lãi suất vay hiện ở mức 7-11%/năm, cũng là yếu tố làm giảm sức cạnh tranh do cao hơn rất nhiều so với mặt bằng lãi suất tại các nước. Để giảm được lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn, Chính phủ phải giảm lãi suất trái phiếu chính phủ và lượng phát hành trái phiếu, trên cơ sở giảm chi tiêu công.

Bởi ngân hàng không thể chào lãi suất cho vay đối với DN thấp hơn lãi suất trái phiếu chính phủ, trong quý 1 ở mức 6%/năm đối với kỳ hạn 3 năm, với số lượng phát hành lên tới 70.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng phải xử lý dứt điểm nợ xấu bởi nợ xấu còn nằm đó, lãi suất không thể giảm được.

Việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém cũng là một giải pháp, vì chính các ngân hàng yếu kém đã đẩy lãi suất huy động lên trong thời gian qua để đảm bảo thanh khoản, gây áp lực tăng lãi suất cho vay.

Giám đốc một doanh nghiệp phân bón:

Lo “xộ khám” với quy định giám đốc phải có bằng đại học!

Nhiều DN sản xuất phân bón hiện nay đang như ngồi trên lửa do những quy định mới về sản xuất và kinh doanh phân bón, trong đó quy định giám đốc công ty sản xuất phân bón phải có bằng… đại học. Cụ thể, theo nghị định 202/2013/NĐ-CP và thông tư số 41/2014/TT-BTNMT, “công ty phải có đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành sản xuất phân bón có trình độ chuyên môn về hoá, lý hoặc sinh học. Trong đó, giám đốc hoặc phó giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất phân bón phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên”.

Theo tôi, đây là điều kiện gây khó cho các nhà máy sản xuất phân bón bởi người quản lý nhà máy không nhất thiết phải có các bằng cấp hay chứng chỉ liên quan đến các ngành nói trên.

Trong thực tế, công việc của giám đốc công ty là quản lý và đưa ra các kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh. Còn về chuyên môn, công ty sẽ thuê đội ngũ các kỹ sư chuyên ngành để trực tiếp điều hành sản xuất là được.

Cũng do quy định vô lý này, lãnh đạo nhiều công ty sản xuất phân bón có hàng chục năm kinh nghiệm đã bị thay bằng những người có bằng cấp nhưng không có kinh nghiệm quản lý. Nếu không muốn đóng cửa nhà máy hay mất việc, nhiều giám đốc phải chạy đi học thêm để lấy chứng chỉ hoặc bằng cấp không cần thiết.

Theo tôi được biết, tính đến ngày 27-4 mới chỉ có 29 DN phân bón được cấp phép sản xuất kinh doanh, trong khi theo Hiệp hội Phân bón VN, cả nước hiện có trên 1.000 DN, đơn vị sản xuất phân bón. Như vậy, hơn 97% DN sản xuất và kinh doanh phân bón hiện nay vẫn chưa được cấp phép, vẫn đang hoạt động “chui”, có nguy cơ “xộ 
khám” bất cứ lúc nào.

* Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu:

Quá nhiều rào cản thủ tục

Hơn 90% DN VN hiện nay là DN nhỏ và vừa, rất ít DN lớn do nhiều nguyên nhân. Ngoài hạn chế của bản thân các DN như năng lực tài chính, khó tiếp cận vốn ngân hàng, không có khả năng cạnh tranh… thì khung pháp lý, chính sách chưa hoàn thiện ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của DN.

Các quy định pháp luật hiện rất phức tạp, chồng chéo và hay thay đổi. Từ ngữ cũng không rõ ràng, nhiều cách hiểu, người thi hành công vụ lại giải thích luật “sao cũng được”.

Đã bị hành bởi luật, DN còn phải theo “lệ”, hậu quả là DN phải tốn nhiều tiền bạc, công sức để luồn lách, để có thể hoạt động được, từ đó làm tăng chi phí của họ lên rất nhiều. Đối mặt với hàng loạt khó khăn kể trên, tồn tại được là chuyện rất khó nói gì đến có thể “lớn lên”.

Nói vậy để thấy rằng chính chính sách không thông thoáng thời gian qua là một trong những nguyên nhân gây trì trệ hoạt động và làm DN bị tổn thương, nhất là những chính sách ảnh hưởng trực diện đến DN như chính sách thuế.

Nhân cuộc gặp của Thủ tướng với DN trên tinh thần phải bảo vệ và ủng hộ người kinh doanh, tôi kiến nghị Chính phủ cần tháo gỡ các rào cản về thuế, chính sách, về thủ tục hành chính, cấp phép sao cho minh bạch, công khai và ổn định. Đặc biệt là tránh hình sự hoá các hoạt động kinh tế như vụ quán cà phê Xin Chào và vụ “chòi vịt”.

A.H.

L.THANH – TR.MẠNH – Đ.KHÔI