01/11/2024

Doanh nghiệp gửi ‘tâm thư’ tới Thủ tướng

Hôm nay, Hội nghị đối thoại do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sẽ diễn ra tại TP.HCM.

 

Doanh nghiệp gửi ‘tâm thư’ tới Thủ tướng

Hôm nay, Hội nghị đối thoại do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sẽ diễn ra tại TP.HCM.




Doanh nghiệp VN cần một môi trường cạnh tranh bình đẳng để phát triển /// Ảnh: D.Đ.Minh

Doanh nghiệp VN cần một môi trường cạnh tranh bình đẳng để phát triểnẢnh: D.Đ.Minh


Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM, những ngày gần đây, giới doanh nhân TP đã gửi đến hiệp hội nhiều ý kiến, kiến nghị để mong được trình bày với Thủ tướng tại hội nghị. “DN không dễ gì có được cơ hội nêu lên ý kiến của mình một cách trực tiếp với Thủ tướng. Vì vậy, đây là cơ hội không thể bỏ qua”, ông Minh nói. Bản thân ông Minh cũng chuẩn bị sẵn bản kiến nghị gồm 6 đề xuất với hy vọng có thể giãi bày với Thủ tướng. “Trong những bài phát biểu gần đây, Thủ tướng đều đề cập đến vai trò của DN và đội ngũ doanh nhân với những quan điểm, tư tưởng rất mới, với những giải pháp rất cụ thể, và chỉ đạo hành động rất quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, cho người dân. Chúng tôi rất tin tưởng vào sự quyết liệt của Chính phủ mới”, ông Minh chia sẻ.
Ông Minh cho biết, thay mặt DN TP.HCM, ông đề xuất với Thủ tướng trong giai đoạn 2016 – 2020 nên tập trung xây dựng và phát triển DN, chú trọng DN – khởi nghiệp nhằm đạt được tổng số gần 2 triệu DN/90 triệu dân đến cuối năm 2020. Trong khi bình quân hiện nay chưa đến nửa triệu DN. “Phát triển DN là giải pháp làm cho dân giàu nước mạnh, xoá đói giảm nghèo bền vững nhất. Cụ thể, nếu chúng ta phát triển được 100.000 DN, mỗi DN trung bình giải quyết được 10 lao động thì chúng ta giải quyết được 1 triệu người có việc làm và hỗ trợ được vài triệu người ăn theo. Cứ như vậy, chúng ta sẽ có đà tăng tiếp theo số lượng DN phát triển, người có việc làm tăng lên và người ăn theo cũng tăng lên… Ngoài ra, nhà nước còn thu được nhiều khoản khác như thuế, thúc đẩy tăng trưởng GDP, gia tăng kim ngạch xuất – nhập khẩu…”, ông Minh nhấn mạnh. Muốn thế, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ cơ chế chính sách, cải cách thể chế kinh tế, cải cách hành chính thật mạnh mẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, an toàn, hiệu quả nhất cho DN phát triển. “Nếu cơ chế chính sách không tốt hơn các nước mà VN đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại thì cũng đừng xấu hơn về thủ tục thuế, hải quan, thị thực, về vốn – lãi suất và nhiều thủ tục hành chính khác… Nhà nước có cạnh tranh vĩ mô, DN cạnh tranh vi mô thì mới thắng được”, ông Minh nói thêm.
Theo ông Minh, nền kinh tế VN đang đối mặt với nhiều thách thức khi lực lượng DN còn mỏng; thương hiệu DN không mạnh; cạnh tranh không bình đẳng giữa các loại hình DN… Đây là điều đáng buồn, đáng lo với những gì đang diễn ra, thương hiệu mới chưa xuất hiện nhưng thương hiệu cũ có uy tín ngày càng teo tóp dần.
Ông Minh cũng kiến nghị Quốc hội sớm ban hành luật Hiệp hội và quan tâm hỗ trợ cho các tổ chức hội, hiệp hội đại diện của DN – doanh nhân hoạt động, để trở thành cầu nối vững chắc giữa Chính phủ và DN.
Viết sẵn bức thư 4.000 chữ
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, đã viết sẵn một bức thư gửi Thủ tướng với hơn 4.000 chữ, trong đó nêu rõ mong muốn của mình là Chính phủ mới cần phải tạo được sân chơi công bằng cho DN. Đây là vấn đề quan trọng nhất trong tình hình hiện nay. “Những chính sách trong các năm qua là phục vụ nhiều cho nhóm lợi ích. Như vậy không có lợi cho việc phát triển vì triệt tiêu động lực phát triển của các DN làm ăn chân chính. Một đất nước muốn đi lên thì phải dựa vào nội lực. Nếu nội lực là động cơ của phát triển thì nền kinh tế mới bền vững. Đây là vấn đề cần nhất với DN, là niềm tin, là động lực để từng DN phát triển mà không dựa vào “chạy” chính sách để được hưởng lợi”, ông Thái nói.
Theo ông Thái, khi VN tham gia TPP, sức mạnh nội lực là yếu tố sống còn của DN Việt. Sự công bằng trong từng ngành là động lực và là nền tảng của lòng tin giúp các DN đầu tư phát triển và cải thiện năng suất – nguồn gốc của sự thịnh vượng. Chúng tôi chỉ có một mong muốn đơn giản, đó là được kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh. Chỉ có thể cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh mới là cơ chế giúp chúng tôi yên tâm bỏ gia sản của mình vào kinh doanh.
Ở góc độ ngành du lịch, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, đầu tư của nhà nước vào du lịch trong những năm qua hầu như không có. “Định hướng chỉ coi du lịch là ngành kinh tế chung chung như hiện nay thì VN đang bỏ mặc lợi thế vô cùng to lớn. Tôi mong muốn Chính phủ đánh giá lại vai trò của ngành du lịch để có đầu tư chính thức, rốt ráo, triệt để nhằm phát triển”, ông Kỳ đề xuất.

 

N.Trần Tâm