ASEAN và vấn đề tranh chấp Biển Đông
Quan chức cấp cao của ASEAN và Trung Quốc đang họp tại Singapore giữa lúc giới quan sát mong muốn đôi bên minh bạch và thiện chí trong vấn đề Biển Đông.
ASEAN và vấn đề tranh chấp Biển Đông
Quan chức cấp cao của ASEAN và Trung Quốc đang họp tại Singapore giữa lúc giới quan sát mong muốn đôi bên minh bạch và thiện chí trong vấn đề Biển Đông.
Cuộc họp thường niên cấp quan chức cấp cao (SOM) diễn ra trong hai ngày 27 – 28.4 cũng là dịp kỷ niệm 25 năm Trung Quốc trở thành đối tác đối thoại của ASEAN. Tổng thư ký (TTK) ASEAN Lê Lương Minh cho Thanh Niên biết chỉ có cấp phó của ông tham dự cuộc họp nhằm thảo luận về việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) này.
DOC được ký kết năm 2002, và phải đến năm 2011 hai bên mới ra được bản hướng dẫn thực thi. Dù vậy, cho đến nay việc thực hiện các nguyên tắc của bản tuyên bố liên tục bị vi phạm. Vi phạm mới nhất là việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 23.4 loan tin rằng nước này đã đạt được một “thoả thuận” với Lào, Campuchia và Brunei về Biển Đông. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin các nước trong “thoả thuận 4 điểm” nhất trí rằng “tranh chấp ở Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và cả khối ASEAN”.
Ý đồ thất bại
Thông tin Bắc Kinh đưa ra nhanh chóng vấp phải sự nghi ngờ và chỉ trích gay gắt của các nhà ngoại giao, học giả và báo chí quốc tế. Cựu TTK ASEAN và hiện là đại sứ lưu động của Singapore Ong Keng Yong gọi đây là hành động “chia rẽ ASEAN”. Còn TTK Lê Lương Minh cho rằng đây là việc cố tình “làm sai lệch thoả thuận năm 2012 của khối, rằng các quốc gia thành viên phải thương lượng tranh chấp Biển Đông với tư cách một thực thể thống nhất”.
Trong khi đó, giới quan sát đồng loạt nhận định đây là ý đồ của Bắc Kinh. “Trung Quốc hẳn đã cố tình diễn đạt sai lập trường của các nước nói trên nhằm phủ đầu một bản tuyên bố mà ASEAN sẽ đưa ra sau khi toà trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, dự kiến trong tháng tới”, tiến sĩ Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEA, Singapore) nói với Thanh Niên. Ông Storey vì thế cho rằng “3 quốc gia ASEAN được nêu tên cần công khai rõ ràng về cái gọi là đồng thuận này”.
Campuchia ngày 25.4 đã bác bỏ thông tin mà Bắc Kinh đưa ra. “Không có một thỏa thuận hay thảo luận nào cả, chỉ là chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc” đến Phnom Penh hôm 22.4, phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan khẳng định.
Mặc dù chưa có giải thích liên quan của 2 quốc gia còn lại là Lào và Brunei, báo Today của Singapore ngày 27.4 bình luận rằng Bắc Kinh đã “thất bại” trong “âm mưu” tạo lợi thế trong tranh chấp. “Trung Quốc luôn quả quyết rằng tranh chấp Biển Đông sẽ không làm ảnh hưởng quan hệ của nước này với ASEAN, nhưng hành động của họ đã biến thách thức ngoại giao này thành một thực tế bi kịch”, tờ báo viết.
Ghế nóng
Trở lại nội dung chính của cuộc họp tham vấn đang diễn ra ở Singapore, tiến sĩ Ian Storey nhận định ASEAN và Trung Quốc sẽ phải thảo luận nghiêm túc việc thực thi DOC và tiến tới hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) vốn được khởi động từ nhiều năm trước. “Cho tới nay, tiến trình này di chuyển chậm chạp một cách đau đớn”, ông Storey nói.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan trong phát biểu ngày 26.4 tại Nhật Bản đã nhìn nhận chiếc ghế mà Singapore đang giữ với tư cách điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc trong 3 năm là “ghế nóng”. Bày tỏ sự lo ngại nước nhỏ phải đối mặt với tình thế “nước mạnh luôn đúng”, ông Balakrishnan nói: “Singapore cam kết làm việc chặt chẽ với các thành viên ASEAN và Trung Quốc để đi tới COC nhanh nhất cũng như thực thi các giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ chạm trán trên biển”.
Mỹ huỷ tuần tra Biển Đông để tập trung vào Scarborough
Lý do là Washington vừa muốn “hạ nhiệt” tại Biển Đông vừa muốn thể hiện quyết tâm trước việc Bắc Kinh có thể tăng cường hoạt động gần Scarborough, theo tờ The Wall Street Journal dẫn một nguồn tin chính phủ Mỹ.
Theo tờ báo, Washington xem Scarborough là “lằn ranh đỏ” do nằm gần Philippines và các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước này. Trong những ngày qua, sau khi phát hiện Trung Quốc đưa tàu đến thăm dò Scarborough, Mỹ đã thực hiện 3 cuộc tuần tra gần đó. Trong khi đó, giới chức Mỹ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Phát biểu trên Đài CBS ngày 26.4, Tổng thống Barack Obama chỉ trích Trung Quốc hành động như một “đứa trẻ to xác” và Mỹ sẽ buộc nước này chịu trách nhiệm “một khi vi phạm luật quốc tế” ở Biển Đông.
Trùng Quang
|
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)