Chọn nghề vì đam mê, thu nhập cao hay dễ xin việc?
Trước mùa tuyển sinh ĐH, CĐ, việc chọn ngành học là điều băn khoăn của nhiều bạn trẻ. Chọn nghề theo đam mê, nghề có thu nhập cao hay nghề dễ xin việc làm…?
Chọn nghề vì đam mê, thu nhập cao hay dễ xin việc?
Trước mùa tuyển sinh ĐH, CĐ, việc chọn ngành học là điều băn khoăn của nhiều bạn trẻ. Chọn nghề theo đam mê, nghề có thu nhập cao hay nghề dễ xin việc làm…?
Yếu tố thực tiễn cũng rất quan trọng, nhưng tôi tin những yếu tố của thực tiễn như cơm áo gạo tiền sẽ đi theo sau nếu bạn có đam mê và mục đích khi chọn nghề
Joshua Lawrence Durkin
Dưới đây là chia sẻ của một số người nước ngoài về việc này.
* Anh Joshua Lawrence Durkin (người Mỹ):
Ưu tiên chọn nghề mình đam mê
Tham gia dạy tiếng Anh tại một trường ĐH ở Việt Nam, theo nhìn nhận của tôi, nhiều gia đình Việt Nam tập trung vào tính thực tiễn.
Họ sẽ đắn đo xem đăng ký vào trường nào, ngành nào dễ đậu. Học xong có kiếm sống với ngành này được không? Có kiếm được nhiều tiền không?
Tuy nhiên, với nhiều người, tiền thường không đồng nghĩa với hạnh phúc. Tôi biết rất nhiều sinh viên ở Việt Nam đang học các ngành thời thượng như kế toán, tiếp thị, khoa học… trong trường ĐH mặc dù họ không thực sự muốn học.
Ở Việt Nam, tôi thường gặp những bạn trẻ 25-35 tuổi trong tâm trạng chán nản hoặc không thoả mãn với công việc. Việc một người chán nản hay “bơ” với công việc có thể không dẫn đến một cuộc sống khổ sở, nhưng chắc chắn là không đem đến hạnh phúc.
Khác với ở Việt Nam, rất nhiều học sinh ở phương Tây bắt đầu tìm hiểu và đăng ký vào trường ĐH trong thời gian một năm trước khi năm học cuối kết thúc.
Do đó, họ có nhiều thời gian để nghiền ngẫm về sự lựa chọn của mình. Một điều khác biệt lớn nữa là học sinh phương Tây được phép tự lựa chọn ngành học. Chính học sinh phải hỏi và trả lời: “Tại sao tôi làm điều này? Đây có phải là đam mê và mục tiêu của tôi? Điều này có làm tôi hạnh phúc?”.
Câu trả lời sẽ mang tính dẫn đường. Nhưng còn một câu hỏi quan trọng không kém trước đó cần phải trả lời: Mình có biết bản thân muốn gì? Nếu câu trả lời là không, khi đó tốt hơn hết là hãy đợi cho đến khi bạn có lời đáp cho mình.
Ở Mỹ, nhiều phụ huynh hiểu rằng con cái họ có thể nhận được sự giáo dục tốt ở các trường ĐH bình thường chứ không cần phải vào những trường danh tiếng. Và nhiều ngành nghề ở Mỹ không đánh giá một người chỉ vì bằng cấp của họ.
Khi tôi học xong trung học, tôi không chắc mình muốn làm gì. Vì vậy, tôi dành hai năm sau đó để làm việc và suy nghĩ cho đến khi biết rõ điều mình muốn. Khoảng thời gian đó dẫn tôi đến quyết định của mình. Tôi chọn nghề viết. Nghề này không giúp kiếm nhiều tiền nhưng tôi có đam mê và điều đó thôi thúc tôi làm việc tích cực.
* Cô Auntida Vajrabhaya (giáo viên, người Thái Lan):
Phải xác định rõ điều mình muốn
Ở Thái Lan, điều phổ biến trong xã hội là đa số học sinh phải chịu áp lực từ cha mẹ trong việc chọn nghề. Cụ thể là phải chọn nghề mà cha mẹ họ thích.
Các bậc phụ huynh ép cho bằng được con cái theo nghề mà họ chọn để dễ có việc làm hay thu nhập cao.
Là giáo viên tư vấn nghề nghiệp, tôi thường nói với các học sinh lớp 10-12 của mình là các em nên chọn nghề mình thích học hoặc thích làm trong tương lai.
Tôi cũng đề nghị các em cần trả lời xem nghề đó là gì, tại sao mình lại thích nghề đó chứ không phải nghề khác?
Đó là hướng nghiệp nhưng trên thực tế hầu hết học sinh học ở các trường cấp III nổi tiếng tại Thái Lan đều muốn vào các trường ĐH nổi tiếng và chọn những nghề thời thượng. Giai đoạn nào cái gì là thời thượng họ sẽ học cái đó.
Hiện nay là các ngành về truyền thông như truyền hình, phát thanh, quảng cáo, làm phim, nghệ thuật biểu diễn, truyền thông thương hiệu, quan hệ công chúng và báo chí.
Thời tôi chuẩn bị vào ĐH, tôi thiên về xu hướng an toàn và muốn chọn con đường mình cảm thấy thoải mái là có một nghề đủ để kiếm sống, không cần kiếm quá nhiều tiền. Tôi cũng đã có sẵn mục tiêu là muốn trở thành giáo viên. Vì vậy, tôi chỉ việc cố gắng chăm chỉ học tập để đạt được điều mình muốn.
Tôi thường nói với học sinh là hãy cố gắng tìm ra câu trả lời về con người mà các bạn ấy muốn trở thành và ngành học phù hợp với viễn kiến đó. Sau khi trả lời được câu hỏi đó rồi, việc học ngành đó ở đâu, xa nhà hay gần nhà, trường lớn hay trường nhỏ không còn quan trọng nữa vì khi có đam mê, thái độ, động lực trong tim, trong óc mình, các bạn sẽ nỗ lực đi đến cái đích của mình.
* Ông Shyam K. Paudel (người Nepal):
Sở thích, khả năng và thị trường lao động
Tôi có hai con và thường khuyên chúng hãy chọn ngành học theo sở thích hoặc theo năng lực của mình. Tôi cũng đưa ra một số gợi ý dựa trên khảo sát thị trường việc làm để các cháu cân nhắc.
Riêng tôi, từ khi còn là một cậu bé, tôi luôn muốn học ĐH và đạt được bằng cấp cao nhất có thể. Người anh lớn của tôi học xong thạc sĩ khi tôi tốt nghiệp cấp III và anh ấy khuyến khích tôi hãy đi học tiến sĩ.
Khi ấy, tôi cũng muốn một ngày nào đó mình làm được điều này và tôi vào trường ĐH với động lực và quyết tâm đó.
Tôi không bị áp lực nào của gia đình về việc chọn ngành học, nhưng lúc đó cả gia đình đều muốn tôi học trường ĐH nào gần nhà nhất có thể để đỡ tốn chi phí.
Tôi cân nhắc các lời khuyên này và thấy cũng có những sự lựa chọn phù hợp ở thành phố Pokhara, nơi mình sống. Tôi yêu thích thiên nhiên và môi trường nên chọn ngành học theo sở thích của mình. Vào thời điểm đó, đây cũng là một sự lựa chọn rất thực tiễn và cơ hội việc làm khá dồi dào cho những người học về rừng.
Lúc tôi chọn ngành học mình thích cũng có nhiều người khuyên nên chọn ngành y hay kỹ sư vì tôi vốn là một học sinh giỏi. Thời đó ở Nepal, chỉ những học sinh giỏi mới đậu vào những ngành học thời thượng này. Ngày nay, ngành công nghệ sinh học và y vẫn là những ngành nhiều người muốn chen chân vào vì cơ hội việc làm nhiều. Tuy nhiên, nếu được làm lại, tôi vẫn sẽ chọn học ngành môi trường cho dù ngành này khó kiếm việc.
Ở Nepal, vẫn như ngày xưa, người ta luôn muốn con cái mình thành bác sĩ hay kỹ sư. Giờ đây, gia đình tôi sống ở Canada và tại đây phụ huynh thường giúp con cái chọn nghề phù hợp với năng lực, sở thích và thị trường lao động.
* Ông Hugo De Beuckeleer (người Bỉ):
Không nhất thiết phải vào ĐH
Vào thời của tôi, khi học xong trường ngữ pháp (tiếng Latin và Hi Lạp), tương đương với trường cấp III bây giờ, tôi đã theo tiếng gọi của trái tim mình từ trước đó là vào ĐH.
Từ nhỏ tôi đã yêu thiên nhiên và thậm chí còn lang thang khắp nơi nghe chim hót, tìm hiểu xem loài chim đó sống thế nào, làm tổ ở đâu, di trú vào mùa nào…
Vì sở thích này mà tôi chọn ngành sinh học và định hướng làm giáo viên. Tôi chọn ngành học hoàn toàn dựa trên niềm đam mê cá nhân nhưng cũng cân nhắc đến khả năng có việc làm (trong ngành sư phạm).
Nhìn chung, các trường ĐH ở Bỉ đã có uy tín và truyền thống lâu đời nên việc vào ĐH là điều tốt đẹp, xã hội luôn khuyến khích. Chúng tôi không có khái niệm trường danh tiếng vì quan niệm rằng trường nào cũng tốt cả.
Trong quá khứ, học sinh cấp III ở Bỉ cũng có thể bị cha mẹ tạo áp lực về việc chọn ngành, chọn nghề vì muốn duy trì truyền thống gia đình hay duy trì việc kinh doanh.
Năm nay tôi 73 tuổi. Cả đời tôi chỉ làm duy nhất một nghề là dạy học và tiếp xúc với rất nhiều sinh viên. Tôi thường nói với các sinh viên của mình khi họ cần lời khuyên rằng:
1. Lựa chọn của em phải phù hợp với khả năng học tập của mình. Đừng đánh giá quá cao mà cũng đừng đánh giá quá thấp năng lực của bản thân.
2. Lắng nghe trái tim mình. Hãy để sự lựa chọn của bạn được thôi thúc bởi chính những gì bạn thích làm nhất trong cuộc đời.
3. Cân nhắc về khả năng có việc làm. Tuy nhiên, yếu tố này lại có khả năng thay đổi rất nhanh và không ai có thể biết được điều gì chắc chắn về tương lai.
4. Hãy nghĩ đến làm gì thì tốt cho xã hội hơn là để kiếm tiền.
Ngoài ra, tôi cũng khuyên các em có thể cân nhắc những hình thức giáo dục khác phù hợp với mình chứ không nhất thiết phải vào ĐH.