Dân quân biển tinh nhuệ của Trung Quốc
Trung Quốc đang sử dụng dân quân biển như một đơn vị tinh nhuệ phục vụ mưu đồ kiểm soát Biển Đông.
Dân quân biển tinh nhuệ của Trung Quốc
Trung Quốc đang sử dụng dân quân biển như một đơn vị tinh nhuệ phục vụ mưu đồ kiểm soát Biển Đông.
Tháng 10.2015, khi tuần tra áp sát đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo, khu trục hạm Mỹ Lassen bị nhiều tàu Trung Quốc bao quanh khiêu khích. Theo báoDefense News, trong lúc các tàu chiến lớn đứng gườm từ xa thì nhiều tàu nhỏ manh động hơn, chạy ngang mặt hoặc lởn vởn quanh chiến hạm Mỹ. Nhiều nguồn tin tiết lộ số tàu nhỏ này đều là tàu cá hoặc tàu thương mại và điều khiển chúng là những thành viên của cái gọi là lực lượng dân quân biển.
Defense News dẫn lời chuyên gia về hàng hải Trung Quốc Andrew Erickson tại Trường Chiến tranh hải quân Mỹ cho biết lực lượng này liên quan trực tiếp đến hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và dính líu vô số hành động hung bạo ở Biển Đông, trong đó có vụ đâm chìm một tàu cá Việt Nam trong giai đoạn Trung Quốc cắm phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển Việt Nam năm 2014.
Dân quân biển Trung Quốc là lực lượng không chính quy, được tuyển chọn từ ngư dân địa phương vừa làm việc kiếm sống vừa được đào tạo để chờ thực hiện nhiệm vụ do chính quyền giao. Một số đơn vị tuyển mộ cả cựu binh hải quân, theo tờ China Daily.
Trong bài phân tích trên website của Trung tâm an ninh hàng hải quốc tế (CIMSEC, Mỹ), Giáo sư Erickson cùng đồng nghiệp Conor Kennedy khẳng định lực lượng này rất tinh nhuệ, có khả năng được triển khai cho các hoạt động tinh vi liên quan đến theo dõi, quấy rối tàu nước ngoài. Tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, thậm chí khoe rằng dân quân biển “bình thường là ngư dân nhưng khi tổ quốc cần thì trở thành binh sĩ chiến đấu”.
Từ đó, hai chuyên gia Erickson và Kennedy cảnh báo dân quân biển câu kết chặt chẽ với hải quân và hải cảnh hoạt động tại những khu vực tranh chấp và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc. Đặc biệt ở Biển Đông, Bắc Kinh có thể xua lực lượng này ra gây rối, tấn công tàu nước khác để củng cố tham vọng trên biển mà không cần phải sử dụng hải quân, tránh được nguy cơ làm bùng nổ xung đột và không bị mang tiếng là sử dụng chính sách ngoại giao chiến hạm.
Hoành hành Hoàng Sa, Trường Sa
Theo các chuyên gia Mỹ, đội dân quân biển lâu đời và hung hãn nhất của Trung Quốc hiện nay đóng tại Đam Châu, phía tây đảo Hải Nam. Hai ông Erickson và Kennedy khẳng định lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch xâm lược chiếm nhóm đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa năm 1974. Theo đó, hai tàu cá đã được điều tới theo dõi đội tàu của hải quân VNCH cũng như giải cứu và sửa chữa một tàu quét thuỷ lôi Trung Quốc bị hư hại. Sau khi tàu VNCH chạy khỏi nhóm Lưỡi Liềm, hai tàu cá tiếp tục chở 500 lính Trung Quốc tới những khu vực khác của Hoàng Sa.
Gần 4 thập niên sau, dân quân biển Đam Châu vẫn đang phình to về số lượng, trang thiết bị… để bảo vệ cái gọi là quyền lợi biển của Trung Quốc cũng như sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng vũ trang khác trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự. Erickson và Kennedy chỉ ra rằng hồi năm 2013, đội tàu cá Đam Châu đã có chuyến hoạt động phi pháp với “sứ mệnh bảo vệ quyền lợi” ở quần đảo Trường Sa.
Tiếp theo là lực lượng dân quân biển làng Đàm Môn đóng tại đông nam Hải Nam, được thành lập vào năm 1985 và lâu nay chuyên chuyển hàng tiếp tế, vật liệu xây dựng đến các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như liên quan trực tiếp đến căng thẳng hồi tháng 4.2012 với Philippines xung quanh bãi cạn Scarborough. Lực lượng này hưởng lợi lớn từ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 4.2013. Khi đó, Đàm Môn được công nhận là “làng gương mẫu” và được chính quyền đổ một số tiền đầu tư lớn.
Theo chuyên san The National Interest, dân số Đàm Môn chưa tới 30.000, nhưng có đến 8.500 ngư dân và 300 tàu cá hoạt động ở Trường Sa. Tính đến tháng 3.2015, làng này được cấp 17 tàu cá vỏ thép 500 tấn với thiết bị điều hướng và liên lạc công nghệ cao. Chúng có tầm hoạt động tối thiểu 2.000 hải lý, đủ nhu yếu phẩm để có thể hoạt động trên biển trong nhiều tháng và hỗ trợ lực lượng hải cảnh.
Chính quyền Hải Nam còn trợ giá nhiên liệu và thường xuyên tổ chức huấn luyện khả năng chiến đấu, bao gồm cả bắn đạn thật, cho “ngư dân chấp pháp”, biến dân quân biển thành lực lượng bán quân sự trá hình.
Ráo riết mở rộng
Ngoài Đam Châu và Đàm Môn còn có 2 lực lượng sinh sau đẻ muộn nhưng cũng luôn có mặt trong những hành động gây rối ở Biển Đông, theo Erickson và Kennedy. Đó là nhóm Tam Á, thành lập vào năm 2001 và nhóm “thành phố Tam Sa” ra đời 2 năm sau đó. “thành phố Tam Sa” do Trung Quốc đơn phương dựng lên hồi tháng 7.2012 để tự cho mình quyền quản lý cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Hai chuyên gia Mỹ cho rằng với vị trí đóng quân của mình, lực lượng Tam Á chủ yếu được Trung Quốc huy động trong các chiến dịch tiền tiêu như quấy nhiễu tàu hải quân Mỹ hoặc các đồng minh thực hiện quyền tự do lưu thông ở Biển Đông, còn dân quân “thành phố Tam Sa” sẽ tham gia các vụ liên quan đến Hoàng Sa.
Không chỉ tăng về số lượng, Trung Quốc còn mở rộng quy mô và gia tăng tập trận cho dân quân biển. Theo tờ China Daily, vào thập niên 1970, lực lượng này khá yếu kém so với dân quân trên bộ nhưng tình hình giờ đây đã thay đổi “nhờ nỗ lực của quốc gia tăng cường các khả năng biển và bảo vệ những lợi ích trên biển”.
Tờ này dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Bắc Hải, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây khoe rằng số lượng dân quân biển tăng gấp 10 lần chỉ trong 2 năm qua, từ dưới 2% lực lượng quân sự địa phương vào cuối năm 2013 lên tới trên 20% hồi năm ngoái. Từ đó, dân quân biển Bắc Hải ngày càng có vai trò lớn hơn trong những cuộc tập trận của hải quân, từ chỉ tham gia 1 lần năm 2013 lên 7 lần trong năm 2015.
Ngoài ra, chính quyền tự xưng của “thành phố Tam Sa” cũng đang tăng cường huấn luyện và giao thêm nhiệm vụ cho dân quân biển. Theo China Daily, trong 3 năm qua, ngư dân “thành phố Tam Sa” đã hỗ trợ hơn 30 chiến dịch “chấp pháp” ở khu vực.
Tàu cá đi trước, quân sự theo sau
Tờ The Washington Post dẫn lời giới chuyên gia khẳng định Trung Quốc đang dùng đội tàu cá khổng lồ của mình để mở rộng tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Giáo sư Alan Dupont tại Đại học New South Wales (Úc) phân tích rõ chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là cho các tàu cá dọn đường, thăm dò, gây hấn với tàu cá nước khác với sự bảo kê của tàu hải cảnh. Sau đó, hải cảnh tiếp tục tạo vòng vây phong tỏa khu vực, ngăn cản tàu nước khác đến gần nhằm tiến hành bồi đắp, xây dựng phi pháp và cuối cùng là quân sự hoá.
“Tôi gọi đó là chiến lược đánh bắt, phong tỏa, chiếm giữ và kiểm soát”, ông Dupont nói với The Washington Post. Tương tự, chuyên gia Trương Hoành Châu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) khẳng định: “Giới chức Trung Quốc xem ngư dân và tàu cá là công cụ quan trọng trong việc mở rộng hiện diện cùng tuyên bố chủ quyền ở vùng tranh chấp”.
Trước đó, một số ngư dân trên đảo Hải Nam tiết lộ với tờ The Strait Times rằng chính quyền trợ cấp nhiên liệu để họ bám riết lấy Trường Sa nhằm duy trì hiện diện phi pháp mà không quan tâm có đánh bắt hay không. Những người này còn được trợ cấp đóng tàu vỏ thép cỡ lớn và cung cấp miễn phí hệ thống vệ tinh đắt tiền để gửi tín hiệu khẩn cấp cho tàu hải cảnh, bắt tay đe doạ, xua đuổi và tấn công tàu nước khác.
|
Văn Khoa