27/12/2024

Không nên ‘câu khách’ qua đề thi

Biên soạn đề thi, kiểm tra là một vấn đề khoa học, không phải cứ đưa vào một vài sự kiện, hiện tượng đang gây ‘sốt’ là được đánh giá đề hay, gắn với thực tiễn cuộc sống.

 Đưa ‘sự kiện nóng vào đề thi, nên hay không?

Không nên ‘câu khách’ qua đề thi

 

 

Biên soạn đề thi, kiểm tra là một vấn đề khoa học, không phải cứ đưa vào một vài sự kiện, hiện tượng đang gây ‘sốt’ là được đánh giá đề hay, gắn với thực tiễn cuộc sống.




Đó là một trong nhiều nội dung mà PGS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục VN, trả lời phỏng vấn với BáoThanh Niên xung quanh xu hướng ra đề có đưa “sự kiện nóng” trong thời gian vừa qua.
Cần hiểu đúng đề “mở”
Ông nhìn nhận thế nào về tầm quan trọng của việc thay đổi cách đánh giá học sinh (HS) thông qua đổi mới cách ra đề thi? Đề thi theo hướng mở, gắn với các sự kiện thời sự có phải là một cách ra đề được khuyến khích áp dụng?
Sau Nghị quyết 29 của T.Ư, ngành giáo dục dần chuyển từ dạy học theo hướng cung cấp kiến thức, kỹ năng và thái độ sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Ở đây năng lực được hiểu là năng lực thực hiện, HS vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học được cùng với kinh nghiệm của bản thân để giải quyết một vấn đề nào đó trong bối cảnh của đời sống thực chứ không phải chỉ những kiến thức hàn lâm trong sách giáo khoa. Để thực hiện các hoạt động cụ thể trong “đời sống thực” thì HS sẽ cần vận dụng những gì mình học được chứ không phải chỉ những gì được học từ sách vở. Như vậy, việc học sẽ không gói gọn trong sách vở nữa mà khuyến khích HS tự học trong thực tế cuộc sống, qua người thân, bạn bè, các kênh thông tin khác nhau…
Để thay đổi cách đánh giá theo hướng kiểm tra năng lực của người học thì đề ra không thể theo một khuôn mẫu có sẵn mà cần dựa vào các bối cảnh thực của đời sống luôn thay đổi. Do đó việc đưa ra những đề mở để HS có cơ hội thể hiện được quan điểm, chính kiến và cách giải quyết của mình cho một vấn đề nào đó của cuộc sống là phù hợp với mục tiêu giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của HS. Một đề mở cũng sẽ có đáp án linh hoạt, không đóng theo một chuẩn mực cố định.
Tuy nhiên, đề mở cũng phải có những yêu cầu nhất định. Dù đề mở nhưng cái đích cuối cùng là để kiểm tra được năng lực, khả năng sáng tạo của HS theo độ tuổi và quy định của chương trình giáo dục.
 Không nên 'câu khách' qua đề thi - ảnh 3

Theo các chuyên gia, đề mở rất cần nhưng phải có một cái “khung” nhất định chứ không tuỳ hứng

Không chạy theo những trào lưu nhất thời
Có ý kiến cho rằng, cần tránh khuynh hướng cực đoan: “mở” một cách tuỳ tiện, không biên giới, phi thẩm mỹ, phản giáo dục. Vậy, theo ông làm thế nào để có thể tránh được khuynh hướng này?
Đề mở hay đóng cũng phải có nguyên tắc nhất định, không thể làm một cách tùy tiện được. Trước hết là phải kiểm tra được năng lực theo đúng trình độ nhận thức của lứa tuổi; thứ hai là phải bảo đảm tính giáo dục và sát với đời sống thực của HS và thứ ba là gắn với truyền thống văn hóa, đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Trên cơ sở đó tạo điều kiện cho HS thể hiện được chính kiến của mình về một vấn đề cụ thể chứ không phải “học gạo” rồi nói lại lời của thầy, cô hay của sách vở.
Những đề thi trong các kỳ thi lớn ở các môn khoa học xã hội đã đáp ứng được yêu cầu đó. Dư luận hài lòng khi vấn đề nóng của đất nước như chủ quyền biển đảo được đưa vào đề thi cấp quốc gia. Tuy nhiên, đã là vấn đề thực tế, đời sống thì rất đa dạng nên các sự kiện xã hội cũng cần chọn lựa thời điểm và mức độ phù hợp khi đưa vào đề.


HS sống đời sống rất đa dạng nên có thể đưa nhiều vấn đề đa dạng nhưng không gượng ép, gây ức chế cho HS khi làm bài. Ngược lại, cũng không có nghĩa cái gì đang là trào lưu, đang gây “hot” thì cũng đưa vào đề thi chỉ vì người ra đề hay một số HS thích thú hoặc để gây sự chú ý của dư luận. Mục tiêu của giáo dục không chạy theo những trào lưu nhất thời, những gì chỉ vừa mới xảy ra, chưa được kiểm chứng, có thể nó “sống động”, nhưng lại không hề phù hợp với HS phổ thông.

Đề mở rất cần, thực tế cuộc sống đưa vào rất cần nhưng phải có một cái “khung” nhất định chứ không phải “mở tung” tuỳ hứng, tuỳ thích mà không ăn nhập với mục tiêu giáo dục của HS trong chương trình giáo dục hiện hành và cũng không ăn nhập với truyền thống văn hóa của dân tộc…
Trong nhiều cuộc thi hiện nay các giáo viên, nhà trường, ngành GD-ĐT ở các địa phương đã áp dụng cách ra đề mở. Ông có thể đánh giá về thực tế này dưới góc độ của một nhà chuyên môn, việc ra đề mở đã được hiểu và áp dụng một cách đúng đắn hay chưa?
Cũng giống như thời kỳ chúng ta mới kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trắc nghiệm khách quan, khi mà các nhà trường còn chưa bắt kịp được thì đã không tránh khỏi cách hiểu sai lệch, lạm dụng, dẫn tới cách làm sai, gây ra những chuyện cười ra nước mắt. Cách ra đề mở, đưa các sự kiện thời sự vào đề thi cũng vậy, tôi nhận thấy là các nhà trường, giáo viên, HS rất hào hứng, rất muốn làm và có những cá nhân, những cơ sở đã làm rất tốt, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm hay. Tuy nhiên, vấn đề hướng dẫn, triển khai, cung cấp cách thức làm đối với các nhà quản lý giáo dục, giáo viên chưa đầy đủ nên mới xảy ra hiện tượng lạm dụng đề mở một cách thái quá và đi chệch mục tiêu.
Trong môi trường giáo dục, đối với một việc rất nghiêm túc là thi, kiểm tra, đánh giá thì việc “câu khách” là hoàn toàn không nên.
Cần có một tỷ lệ nhất định
Không phải đề nào và lúc nào cũng phải có đề thi mở, suy cho cùng cái đích của giáo dục là giúp HS hiểu biết tình hình của đất nước và vận dụng những gì đã học được để lý giải, giải quyết những vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Cần phải cân nhắc kỹ về tỷ trọng giữa kiến thức và thông tin thời sự, cũng như yêu cầu về năng lực vận dụng kiến thức ở HS để lý giải, giải thích những vấn đề trong cuộc sống. Đưa thông tin thời sự vào đề thi phải ở một mức độ nào đó, với một tỷ lệ nhất định, để bảo đảm phù hợp với năng lực thực tế của HS.
Biên soạn đề thi, kiểm tra là một vấn đề khoa học. Tôi muốn khuyến cáo rằng, ở nơi nào mà giáo viên, nhà trường có đủ năng lực thì hoàn toàn có thể tự bàn bạc xây dựng hệ thống các đề mở cho đơn vị của mình. Tuy nhiên, những nơi nào còn chưa thực sự hiểu về cách thức ra đề mở thì cần tham khảo ý kiến và thẩm định của các chuyên gia trước khi áp dụng, không nên nghĩ đơn giản là cứ đưa vào đề thi một vài sự kiện, hiện tượng đang gây “sốt” là được đánh giá đề thi hay, gắn với thực tiễn cuộc sống.

 

Tuệ Nguyễn 
(thực hiện)