27/12/2024

Vay nợ để chi thường xuyên

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2016 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (Ciem) công bố ngày 22.4, cho thấy một thực trạng đáng báo động về thâm hụt, bội chi ngân sách.

 

Vay nợ để chi thường xuyên

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2016 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (Ciem) công bố ngày 22.4, cho thấy một thực trạng đáng báo động về thâm hụt, bội chi ngân sách.




Doanh nghiệp tư nhân cần được hỗ trợ nhiều hơn - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Doanh nghiệp tư nhân cần được hỗ trợ nhiều hơn – Ảnh: Ngọc Thắng

Theo đó, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) tăng từ mức 65,8 nghìn tỉ đồng năm 2011 lên mức 263,2 nghìn tỉ đồng năm 2015. So với GDP, bội chi đã tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1% GDP năm 2015, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Điều rất đáng quan ngại mà báo cáo của Ciem cũng chỉ ra là theo quy định hiện hành, Chính phủ vay nợ trước tiên để đầu tư phát triển, sau đó mới bù đắp thiếu hụt tạm thời và các mục tiêu khác. Tuy nhiên, kể từ năm 2012, khoảng cách giữa bội chi và chi đầu tư ngày càng nhỏ lại. Đặc biệt đến năm 2015, bội chi đã vượt xa chi đầu tư, tức là Chính phủ phải vay nợ khoảng 60.000 tỉ đồng đề bù đắp chi thường xuyên và trả nợ. Điều này đi ngược lại quy định của luật NSNN năm 2015, trong đó quy định “trường hợp còn bội chi thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu, chi NSNN”. Do bội chi tăng cao, nợ công cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2011 – 2015, từ mức 50,1% GDP lên 62,2% GDP, tiệm cận giới hạn 65% theo quy định của luật Quản lý nợ công. Năm 2015 cũng là năm dư nợ Chính phủ đạt 50,3%, cao hơn giới hạn 50% theo quy định.
So với một số nước trong khu vực, VN có mức thâm hụt NSNN (phần trăm so với GDP) lớn hơn khá nhiều. Cụ thể, theo số liệu của IMF – Triển vọng kinh tế thế giới (WEO), năm 2015 thâm hụt NSNN của VN là 6,9% GDP, của Thái Lan là 1,2% GDP, của Indonesia là 2,3% GDP, của Philippines là 0,12% GDP và của Campuchia là 2% GDP. VN tuy có mức tăng trưởng cao nhưng cũng có mức nợ công/GDP cao hơn hẳn, gấp đôi nhiều nước và gấp rưỡi Thái Lan. Quan trọng hơn, theo dự báo của IMF, trong nhóm nước này VN là nước duy nhất có nợ công/GDP tiếp tục tăng đến gần 68% GDP năm 2020.
Trong khi đó, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) được phản ánh khá rõ qua con số cụ thể khi trong quý 1/2016 có khoảng 22.000 DN đóng cửa kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Có nhiều nguyên nhân khiến lượng DN “khai tử” ngày càng nhiều, từ năng lực yếu kém, quản trị thiếu minh bạch, năng suất thấp, ăn xổi… Nhưng gốc rễ nằm ở chính sự thiếu bình đẳng, bất công trong cạnh tranh cũng như rào cản thủ tục. Câu chuyện chủ quán cà phê bị xử lý hình sự vì chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày được các chuyên gia tại hội thảo nhắc lại như một bằng chứng sống. DN cần một hành lang pháp lý để đưa họ vào khuôn khổ chứ không phải để bị “truy sát”, cưỡng ép vào vòng lao lý; DN cần một môi trường cạnh tranh bình đẳng chứ không phải là sự phân bổ nguồn lực, sự ưu ái đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
“Điều mà Chính phủ mới khi cải cách hướng đến là tạo môi trường cạnh tranh chính tại thị trường nội địa để DN lớn lên chứ không phải trưởng thành bằng cơ chế xin – cho, bằng quan hệ thân hữu hay ô dù. Điều đó không thể tồn tại được khi hội nhập ở sân chơi quốc tế”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nói.

Anh Vũ