Bỗng dưng nhận thư xác nhận tài khoản dự thi
Một sinh viên tại TP.HCM không hề đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia sắp đến bỗng nhận được thư điện tử thông báo xác nhận thông tin dự thi từ hệ thống thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT.
Bỗng dưng nhận thư xác nhận tài khoản dự thi
Một sinh viên tại TP.HCM không hề đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia sắp đến bỗng nhận được thư điện tử thông báo xác nhận thông tin dự thi từ hệ thống thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT xác nhận có gửi thư
N.T.L.M, sinh viên năm cuối một trường ĐH tại TP.HCM, cho biết mới đây bỗng nhiên nhận được một thư điện tử “lạ”, có tiêu đề Thông báo từ hệ thống thi THPT quốc gia, trong đó thông báo thông tin đăng ký dự thi (ĐKDT) kỳ thi THPT quốc gia 2016. M. còn được cung cấp số tài khoản và mã đăng nhập để truy cập vào trang có địa chỉ https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. E ngại đây là một bức thư nhằm phát tán vi rút của kẻ xấu nên M. không dám mạo hiểm nhấp chuột vào đường dẫn có trong thư. M. không ĐKDT kỳ thi THPT quốc gia, cũng như không có người thân quen nào sắp dự kỳ thi này.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên về trường hợp bức thư “lạ” của sinh viên N.T.L.M, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Hệ thống đã xác nhận là gửi thư vào email trên và thư gửi này do Trường THPT Số 2 Tư Nghĩa, Quảng Ngãi nhập”. Theo ông Nghĩa, nếu người nhận được thư là sinh viên mà không ĐKDT có thể do 2 khả năng: một là thí sinh (TS) đã lấy địa chỉ email của sinh viên kia để nhập vào; hai là trường nhập sai và vô tình trùng với địa chỉ email của sinh viên.
Có tác hại gì ?
Trước nghi ngờ có trường hợp kẻ gian mở trang giả dẫn vào phần mềm quản lý thi của Bộ GD-ĐT, ông Nghĩa khẳng định khó xảy ra chuyện này. “Khi vào phần mềm của Bộ phải có mã truy cập nên các trang giả sẽ không có tác dụng gì đối với những người trong cuộc là các TS. Trong trường hợp người dân nhận được email “lạc”, được cung cấp số tài khoản và mã đăng nhập để vào trang “thật” thì họ vẫn không thể vào được hệ thống và sửa thông tin. Trên trang của Bộ để dẫn vào phần mềm quản lý thi, ngoài mã đăng nhập thì TS phải nhập số chứng minh nhân dân nữa. Do thận trọng nên em N.T.L.M không dám truy cập, nhưng tôi cam đoan cho dù em ấy muốn thử cũng không được vì em không thể biết số chứng minh nhân dân của em TS “thật” (người đã ĐKDT tại Trường THPT Số 2 Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) nên không thể vào được hệ thống”, ông Nghĩa khẳng định.
Trên thực tế, sau đó M. cũng đã thử truy cập vào trang này thì không được vì báo sai số chứng minh nhân dân hoặc mã đăng nhập.
Theo nhiều cán bộ quản lý thi của các sở GD-ĐT, các đơn vị thu phiếu đều phải phổ biến thông tin cho TS về tầm quan trọng của tài khoản mà TS nhận được sau khi nộp phiếu ĐKDT.
TS dùng tài khoản này để đăng nhập vào phần mềm quản lý thi từ khi ĐKDT đến khi xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ. Khi cấp tài khoản cho TS, các đơn vị thu phiếu ĐKDT đều khuyến cáo TS phải bảo mật thông tin tài khoản của mình. Khi nhận được tài khoản và mật khẩu, TS nên thay đổi ngay mật khẩu và cần giữ mật khẩu đó. “Nếu có trường hợp người lạ xâm nhập vào tài khoản của TS thì họ cũng sẽ không thể thay đổi được bất kỳ thông tin nào đã đăng tải trên đó, trừ mật khẩu. Bởi bất kỳ TS nào muốn thay đổi thông tin cũng đều phải bấm vào nút báo sai sót để đề nghị sửa thông tin hoặc phải báo trực tiếp với cán bộ ở đơn vị thu phiếu ĐKDT. Trong trường hợp TS bị người lạ xâm nhập và đổi mật khẩu, không thể truy cập được thì cũng không việc gì phải lo lắng. Chỉ cần báo với cán bộ có trách nhiệm, TS được cấp ngay mật khẩu mới”, ông Đào Trọng Hùng, cán bộ Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội, lưu ý.
Hồ sơ đang trong giai đoạn chỉnh sửa mà Bộ đã gửi thông tin
Sáng 21.4, làm việc với phóng viên Thanh Niên, ông Phạm Văn Liên, Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), khẳng định nhà trường đang triển khai thực hiện ĐKDT của học sinh trường này theo đúng quy trình của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT).
Theo ông Liên, trong lúc nhập dữ liệu của TS vào phần mềm quản lý thi do Bộ GD-ĐT quản lý, cán bộ phụ trách tuyển sinh của trường đã nhập nhầm địa chỉ email của học sinh N.T.L.M, lớp 12D. “Sai sót trong thời điểm này không có gì đáng nói nên việc chỉnh sửa email của TS là chuyện bình thường vì nhà trường chưa in thông tin ĐKDT từ phần mềm quản lý thi cho học sinh rà soát, ký xác nhận”, ông Liên cho biết.
Theo ông Liên, nhà trường đã biết và trao đổi với đại diện Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục về vụ việc Báo Thanh Niên nêu. “Đây không phải là lỗi của nhà trường. Cũng may bị một trường hợp chứ quá nhiều trường hợp như vậy thì làm rối thêm”, ông Liên nói. “Đây là trong thời gian làm hồ sơ nên có thể sai sót và chỉnh sửa, chứ không thể ưng là chuyển thông tin ĐKDT qua email cho TS được”, ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, nói.
Hiển Cừ
|
Nhiều trục trặc về phần mềm quản lý thi
Theo quy định, sau khi ĐKDT, TS sẽ được đơn vị tiếp nhận hồ sơ cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào phần mềm quản lý thi tại địa chỉ: http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Với tài khoản này, TS có thể xem thông tin ĐKDT, đề nghị chỉnh sửa sai sót trong hồ sơ, cũng như xem điểm và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.
Theo phản ánh của nhiều TS, địa chỉ này không dễ truy cập. N.Q.M (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết gặp nhiều khó khăn khi đăng nhập vào tài khoản được hệ thống cấp. “Ngay hôm nhận thông báo thì đăng nhập được, 2 ngày sau đó thì không thể truy cập vào hệ thống. Đến ngày 20.4 vào lại thì dữ liệu môn thi không thống nhất, ĐKDT 4 môn nhưng hệ thống lúc báo 3 môn và có lúc không thấy môn nào”, M. cho hay.
Trong khi đó, đã nộp hồ sơ dự thi từ ngày 9.4 nhưng T.N.H (TP.HCM) cho biết vẫn chưa nhận được thư thông báo tài khoản đăng nhập nên thay vì gửi đề nghị chỉnh sửa sai sót về mã trường THPT ngay trên phần mềm, TS này phải tới nơi nộp hồ sơ để viết giấy đề nghị chỉnh sửa.
Đại diện một số trường THPT và sở GD-ĐT cũng cho biết không thể truy cập hệ thống để nhập dữ liệu hoặc chỉnh sửa hồ sơ. Theo đại diện một sở GD-ĐT phía nam, việc nhập và xử lý dữ liệu TS trên hệ thống này có nhiều trục trặc. Một số trường THPT đã nhập xong dữ liệu và bắt đầu hướng dẫn TS sử dụng tài khoản nhưng gặp trục trặc ngay khâu in thông tin tài khoản đăng nhập phát cho TS. Đại diện một sở GD-ĐT khác cho biết việc chỉnh sửa dữ liệu TS trên hệ thống rất rắc rối…
Trước những trục trặc này, hôm qua 22.4, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã có văn bản gửi các đơn vị ĐKDT về việc tạm khoá hệ thống phần mềm này. Theo đó, để bảo trì và nâng cấp hệ thống, dữ liệu TS sẽ tạm khóa từ 22 giờ ngày 23.4 đến 8 giờ ngày 25.4. Như vậy, trong khoảng thời gian này, TS không thể đăng nhập vào hệ thống.
Hà Ánh
|
Quý Hiên