02/11/2024

Nhiều vướng mắc trong chống hàng giả, gian lận thương mại

Công tác chống hàng giả, gian lận thương mại thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có nhiều vướng mắc từ chính các văn bản hướng dẫn luật.

 

Nhiều vướng mắc trong chống hàng giả, gian lận thương mại

 

 

Công tác chống hàng giả, gian lận thương mại thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có nhiều vướng mắc từ chính các văn bản hướng dẫn luật. 

 

 

 

 

Từ góc độ của cơ quan thực thi pháp luật, tham gia kiểm tra, xử lý vụ việc liên quan đến gian lận thương mại, ông Nguyễn Thành Danh – phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương – cho rằng công tác chống hàng giả, gian lận thương mại thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có nhiều vướng mắc từ chính các văn bản hướng dẫn luật. 

Ông Danh chia sẻ:

– Sản phẩm giả mạo ngày càng được sản xuất tinh vi, không khác sản phẩm thật. Chính những chuyên gia kỹ thuật của các nhà sản xuất chính hãng cũng khó khăn trong việc phân biệt.

Hàng nhái thiên biến vạn hoá, mẫu này bị bắt, bị xử lý thì ngày mai lại xuất hiện mẫu khác được chỉnh sửa một chút và tiếp tục gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Phải kết hợp rất nhiều yếu tố kỹ thuật, thậm chí phải nhận biết qua những con tem chống giả công nghệ cao mới có thể phân biệt được.

Việc phân định thật – giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giữa các đơn vị đòi hỏi có trọng tài là nhà sản xuất hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền, được Nhà nước chỉ định. Việc xử lý theo các văn bản luật hiện hành.

Tuy nhiên, các văn bản pháp quy lại chồng chéo, trùng lắp hoặc đi sau thực tế khiến việc xử lý sau khi kiểm tra gặp khó.

Chẳng hạn, cùng một hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái có thể được giải thích và xử lý khác nhau bởi những văn bản nghị định khác nhau. Do đó, cơ quan thực thi bối rối không biết xử lý theo văn bản nào vì xử nặng hay nhẹ đều đúng!

Chưa hết, trong quá trình xử lý chính đòi hỏi phải xác minh, giám định để kết luận hành vi vi phạm. Nhiều vụ việc cần thiết phải trưng cầu giám định từ Viện Khoa học sở hữu trí tuệ hoặc xin ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, thời gian trả lời đôi lúc chậm trễ, thậm chí không nhận được trả lời từ cơ quan chuyên môn. Chẳng hạn, có một trường hợp được hai cơ quan khẳng định là “vi phạm”, nhưng thanh tra của một bộ chuyên ngành lại có ý kiến cho rằng “không vi phạm”, gây bối rối cho các cơ quan thực thi.

Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào có hàng hóa bị vi phạm cũng nhiệt tình tham gia hỗ trợ cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý. Thậm chí có trường hợp biết chắc là hàng giả, đã giữ hàng rồi cũng phải trả lại vì chủ sở hữu nhãn hiệu không có đại diện tại VN.

Khi được yêu cầu cung cấp thông tin về sản phẩm và cách phân biệt hàng thật – giả, nhiều doanh nghiệp ngại tham gia vì sợ người tiêu dùng biết sản phẩm bị giả sẽ chuyển sang chọn sản phẩm của đối thủ…

Cuối cùng, khó khăn xuất phát từ chính kiến thức, trình độ chuyên môn về hàng giả, về sở hữu trí tuệ của những người thực thi nhiệm vụ. Đa số lực lượng đều mỏng, kiêm nhiệm nên không thể đáp ứng yêu cầu trong công tác này.

Từ những khó khăn này, tôi đề xuất những giải pháp:

– Cần thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan về hàng giả, về sở hữu trí tuệ. Làm sao để không còn chồng chéo, trùng lắp và thật sự là công cụ hữu hiệu cho các cơ quan chức năng.

– Quan tâm đào tạo kiến thức chuyên môn và trang bị công cụ kỹ thuật chống hàng giả cho những người làm công tác chống hàng giả.

– Sự quan tâm của các doanh nghiệp với ý thức xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ chống giả trên bao bì, giải pháp dán tem chống giả công nghệ cao… Sự đoàn kết của các thành viên trong các tổ chức chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

– Tăng cường tuyên truyền về công tác chống hàng giả, nhất là kỹ năng phân biệt hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng…

NGUYỄN THÀNH DANH (phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương)