Việc loại trừ thực phẩm bẩn không chỉ cần mức phạt đủ sức răn đe mà quan trọng hơn là phải xây dựng được một nền sản xuất, một nguồn cung thực phẩm thực sự an toàn.
Hoang mang vì thực phẩm bẩn: Tìm ‘lối thoát’ cho người tiêu dùng
Việc loại trừ thực phẩm bẩn không chỉ cần mức phạt đủ sức răn đe mà quan trọng hơn là phải xây dựng được một nền sản xuất, một nguồn cung thực phẩm thực sự an toàn.
Xử phạt nặng
Theo bộ luật Hình sự mới được Quốc hội thông qua cuối năm 2015, kể từ 1.7.2016, người có hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, sử dụng chất cấm có thể bị bỏ tù. Cụ thể, người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt từ 50 – 200 triệu đồng, phạt tù từ 1 – 5 năm. Người vi phạm thực hiện các hành vi nói trên có tổ chức, làm chết người, tái phạm nhiều lần, nguy hiểm… khung hình phạt từ 3 – 20 năm tù; số tiền bị phạt cũng lên tới 500 triệu đồng.
Đây được xem là hành động cứng rắn để dần loại bỏ thực phẩm bẩn, bởi theo quy định cũ, các hành vi sử dụng chất cấm chỉ bị phạt tiền ở mức rất nhẹ. Đơn cử như hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ chỉ bị phạt 5 – 10 triệu đồng, trong chăn nuôi trang trại bị phạt 10 – 20 triệu đồng… Số tiền phạt nhiều trường hợp không thấm vào đâu so với nguồn thu bất chính từ việc “phù phép” thực phẩm bẩn.
Nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học, tăng dần tỷ lệ chất hữu cơ trong dinh dưỡng cây trồng, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, hoá chất, giảm dư lượng thuốc BVTV là xu thế phù hợp với sản xuất nông nghiệp bền vững, để tạo ra nông sản an toàn cho người tiêu dùng và ít gây ảnh hưởng đến môi trường
Th.S Nguyễn Văn Hoà, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt
Chị Nguyễn Thị Kim Hạnh (H.Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng luật mới được thông qua là động thái cần thiết bảo vệ người tiêu dùng. “Theo tôi, xử phạt nặng mới chỉ là yêu cầu cần, chưa phải đủ để loại trừ thực phẩm bẩn ra khỏi cuộc sống. Điều quan trọng là chúng ta phải có được nền sản xuất bao gồm chăn nuôi, trồng trọt mà ở đó người tạo ra sản phẩm phải có ý thức về sự an toàn cho người tiêu dùng”, chị Hạnh nói.
Cần một nền sản xuất an toàn
Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhìn nhận lĩnh vực trồng trọt đang có nhiều vấn đề đáng lo ngại; đặc biệt là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón trong trồng rau, củ, cây ăn trái, đặc biệt là trồng lúa ngày càng phổ biến.
Tiến sĩ Hà Minh Thanh, Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết: “Thách thức lớn của nông nghiệp nước ta là vấn đề ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, ngộ độc thuốc BVTV ở người, bùng phát sâu bệnh do sự phá huỷ hệ sinh thái xuất phát từ việc sử dụng quá nhiều hoá chất trong sản xuất”. Bên cạnh đó là tình trạng dư lượng thuốc trên sản phẩm vượt mức cho phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Rất nhiều loại rau, củ, quả cho đến lúa gạo bị tồn dư lượng thuốc BVTV, hàm lượng nitrat… ở mức đáng ngại nhưng vẫn được tiêu thụ mỗi ngày.
Theo nghiên cứu của Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH Cần Thơ), hiện có đến 50% lượng thuốc BVTV ở đồng bằng sông Cửu Long sử dụng trong sản xuất lúa có độ độc 2 và 3 theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. TS Vũ Anh Pháp, Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết VN sử dụng mỗi năm từ 200.000 – 250.000 tấn thuốc BVTV (phần lớn nhập khẩu). Tuy nhiên, chỉ một lượng nhỏ thuốc BVTV phun ra có hiệu quả trực tiếp đối với sâu bệnh, cỏ dại, phần lớn còn lại tác động trực tiếp đến môi trường, người sản xuất, người tiêu dùng, gây ra những hậu quả lâu dài… Cũng theo TS Pháp, việc loại trừ thực phẩm bẩn, thiếu an toàn ra khỏi cuộc sống cần có những giải pháp đồng bộ từ khâu sản xuất, chăn nuôi, chế biến, bảo quản cho đến khi tiêu thụ, thậm chí đến bàn ăn của người tiêu dùng.
Cùng với việc mạnh tay triệt tiêu chất cấm trong chăn nuôi thì cũng cần giảm thiểu tối đa tác hại của thuốc BVTV, phân bón hoá học sử dụng trong canh tác lúa, rau củ, trái cây… Th.S Nguyễn Văn Hoà, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng riêng với ngành trồng trọt, hướng đi mới hiện nay là ứng dụng hữu cơ sinh học vào sản xuất. “Nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học, tăng dần tỷ lệ chất hữu cơ trong dinh dưỡng cây trồng, hạn chế sử dụng thuốc hoá học, hoá chất, giảm dư lượng thuốc BVTV là xu thế phù hợp với sản xuất nông nghiệp bền vững, để tạo ra nông sản an toàn cho người tiêu dùng và ít gây ảnh hưởng đến môi trường”, Th.S Hoà nói.