Đường ra thế giới của ẩm thực Thái
Với nhiều người Mỹ ở New York, đồ ăn Thái là lựa chọn quen thuộc bởi tính tiện lợi và khẩu vị hấp dẫn. Nhưng nhà hàng Thái không chỉ nhiều ở New York, cũng không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới.
Đường ra thế giới của ẩm thực Thái
Với nhiều người Mỹ ở New York, đồ ăn Thái là lựa chọn quen thuộc bởi tính tiện lợi và khẩu vị hấp dẫn. Nhưng nhà hàng Thái không chỉ nhiều ở New York, cũng không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới.
Một nhà hàng Thái Lan theo mô hình Cool Basil ở Mỹ dành cho những lựa chọn có mức giá trung bình từ 15-25 USD/người – Ảnh: VICE
Theo Công ty truyền thông Vice Media, về số lượng, có thể nhà hàng của Mexico và Trung Quốc ở Mỹ nhiều hơn, song xét về tỉ lệ nhà hàng trên cộng đồng người có quốc tịch tương ứng thì Thái Lan hoàn toàn vượt trội.
“Ngoại giao bếp núc”
Với hơn 36 triệu người Mỹ gốc Mexico và khoảng 5 triệu người Mỹ gốc Trung Quốc, không có gì lạ khi văn hóa ẩm thực của hai quốc gia này đã được “đan dệt” vào “tấm thảm văn hóa” nước Mỹ. Tuy nhiên, chỉ với 300.000 người Mỹ gốc Thái, chưa tới 1% so với quy mô dân số cộng đồng người Mỹ gốc Mexico, lại có tới 5.342 nhà hàng Thái ở Mỹ so với 54.000 nhà hàng Mexico. Như vậy tỉ lệ nhà hàng – dân số của Thái Lan gấp 10 lần so với Mexico. Tại sao lại như vậy?
Dĩ nhiên để có tỉ lệ đó, các nhà hàng Thái phải đáp ứng tiêu chí thỏa mãn thị hiếu ẩm thực của người Mỹ và giá cả cạnh tranh so với các nhà hàng khác. Nhưng lý do chính đơn giản hơn nhiều: Chính phủ Thái Lan có cả một chương trình “lobby” cho ẩm thực Thái. Áp dụng chính sách được gọi là “ngoại giao bếp núc” hay “ngoại giao ẩm thực”, Chính phủ Thái Lan đã có những chương trình chủ động tăng cường sự hiện diện của ẩm thực Thái bên ngoài lãnh thổ. Từ đó tăng thêm nguồn thu cho đất nước từ xuất khẩu và du lịch, đẩy mạnh vị thế đất nước trên các diễn đàn văn hóa, ngoại giao.
Từ năm 2001, Thái Lan thành lập Công ty Nhà hàng Thái Lan toàn cầu (Global Thai Restaurant Company, Ltd.) với mục tiêu mở được ít nhất 3.000 nhà hàng của họ trên toàn thế giới. Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái lúc đó là ông Goanpot Asvinvichit từng chia sẻ với tờ Wall Street Journal rằng tham vọng của họ là biến chuỗi nhà hàng Thái thành một thương hiệu quốc tế giống như McDonald’s.
Toàn bộ chính phủ vào cuộc
Các chiến lược nhằm tăng số lượng nhà hàng Thái ở nước ngoài được ráo riết triển khai với sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan ban ngành trong chính phủ. Phòng xúc tiến xuất khẩu của Bộ Thương mại đã phác sẵn ra các mô hình mẫu cho 3 loại nhà hàng khác nhau để nhà đầu tư lựa chọn, bao gồm từ thiết kế thẩm mỹ cho tới các món trong thực đơn.
Theo đó, mô hình Elephant Jump dành cho thực khách có nhu cầu ăn nhanh, thông thường với giá từ 5-15 USD/người; mô hình Cool Basil dành cho những lựa chọn có mức giá trung bình từ 15-25 USD/người và mô hình Golden Leaf với mức giá mỗi thực khách từ 25-30 USD/người.
Phòng xúc tiến xuất khẩu tìm những đối tượng phù hợp và tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa chính quyền Thái và người kinh doanh tại nước ngoài, tiến hành khảo sát thị trường về ẩm thực địa phương trên toàn cầu, sau đó điều đại diện từ các viện đào tạo đầu bếp của Thái ra nước ngoài để dạy nghề tại các nhà hàng hải ngoại.
Cùng với đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan cũng sẵn sàng rót vốn cho các công dân Thái muốn mở nhà hàng tại nước ngoài. Ngân hàng Phát triển Thái Lan dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng thành lập một cơ sở chuyên cung cấp các gói vay lên tới 3 triệu USD cho các công ty hoạt động trong ngành thực phẩm, trong đó có các nhà hàng Thái tại nước ngoài.
Bộ Y tế, Bộ Công nghiệp, Viện Thực phẩm quốc gia Thái Lan, Đại học công lập Kasetsart và Bộ Nông nghiệp cũng tham gia quá trình quảng bá ẩm thực Thái ra quốc tế. Từ việc đào tạo đầu bếp cho tới thanh tra, kiểm tra hàng xuất khẩu, nghiên cứu tìm tòi các món ăn mới hấp dẫn hơn với thực khách ngoại. Tất cả những nỗ lực đó đã giúp họ thu được thành quả đáng kể. Vào thời điểm chương trình Global Thai, mới chỉ có khoảng 5.500 nhà hàng Thái bên ngoài lãnh thổ của họ. Nhưng nay con số đó là hơn 15.000. Riêng ở Mỹ, số nhà hàng Thái tăng từ khoảng 2.000 lên hơn 5.000.
Và nay, sau khi các nhà hàng đã và đang tiếp tục mở, Chính phủ Thái Lan lại chăm chút sang vấn đề duy trì chất lượng. Tính tới tháng 8-2017, 413 nhà hàng Thái ở Mỹ được trao bằng chứng nhận “Thai Select” của Bộ Thương mại Thái Lan để khẳng định tính “chính danh” cũng như chất lượng của chúng.
Ngay cả những nhà hàng Thái ở các nơi xa hơn như Mexico và Nigeria cũng đã được ghi nhận theo cách này. Danh sách các nhà hàng Thái được cấp chứng chỉ “Thai Select” được công bố công khai trên trang web cùng tên thuộc quản lý của Phòng xúc tiến thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Thái Lan. Tại trang web này, người ta có thể tra cứu tên nhà hàng theo từng quốc gia, với hai chuẩn “Thai Select” và “Thai Select Premium”.
Cẩm nang
Năm 2002, Bộ Y tế cộng đồng Thái Lan xuất bản cuốn sách Sổ tay hướng dẫn cho các đầu bếp Thái khi ra nước ngoài (A Manual for Thai Chefs Going Abroad). Đây có thể coi là cuốn cẩm nang cung cấp thông tin về tuyển dụng nhân sự, đào tạo nghề và thậm chí cả kiến thức về thị hiếu ẩm thực của người nước ngoài.
Cùng với Thái Lan, trên thế giới cũng đã có những quốc gia đã và đang triển khai những chiến lược ngoại giao ẩm thực có sự thành công nhất định. Đó là Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Peru, Malaysia…