29/12/2024

Gần 23.000 doanh nghiệp dừng hoạt động

TS Trần Thị Hồng Minh – cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và đầu tư – đã khẳng định như trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ về chuyện hàng chục ngàn DN phải tạm dừng hoạt động, giải thể trong ba tháng đầu năm

 

Gần 23.000 doanh nghiệp dừng hoạt động: Bình thường hay bất thường?

 

 

TS Trần Thị Hồng Minh – cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và đầu tư – đã khẳng định như trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ về chuyện hàng chục ngàn DN phải tạm dừng hoạt động, giải thể trong ba tháng đầu năm

 

 

 

 

Gần 23.000 doanh nghiệp dừng hoạt động: Bình thường hay bất thường?
Đồ hoạ: Tấn Đạt

 

 

Bà Minh nói: “Theo số liệu thống kê, trong gần 23.000 DN giải thể, dừng hoạt động trong quý 1-2016 có gần 2.920 DN giải thể thật sự, hơn 12.000 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và hơn 8.000 DN chỉ tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 44,7%). Tuy nhiên, các DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn thường chỉ hoạt động theo thời vụ, có khả năng sẽ quay trở lại thị trường.

Chẳng hạn trong quý 1-2016, gần 9.400 DN từng tạm ngừng kinh doanh trước đó đã quay trở lại hoạt động. Như vậy, trong ba tháng đầu năm, số lượng DN thật sự rút lui khỏi thị trường là gần 15.000 DN, chỉ tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Gần 23.000 doanh nghiệp dừng hoạt động: Bình thường hay bất thường?
TS Trần Thị Hồng Minh – Ảnh: V.Dũng

* Số DN giải thể không những không giảm mà lại tăng, phải chăng môi trường kinh doanh ở VN vẫn quá nhiều khó khăn?

– Theo tôi, việc sử dụng số liệu DN giải thể, tạm ngừng kinh doanh cũng như thành lập mới để kết luận tình hình DN đang xấu là không hợp lý. Bởi nhiều DN được thành lập chỉ để cung cấp các dịch vụ, mặt hàng tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Những DN này thường tạm ngừng hoạt động khi hết mùa vụ hoặc để chuyển hướng kinh doanh.

Hơn nữa, cơ quan thuế cũng đã đẩy mạnh thực hiện công tác giải quyết thủ tục quyết toán thuế, giúp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục giải thể. Đây là những lý do số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động trong quý 1 thường cao hơn các thời điểm khác trong năm.

Trong khi đó, thống kê cho thấy các thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán (quý 1) hằng năm, số lượng DN thành lập mới cũng thường thấp hơn các thời điểm trong năm. Do đó, việc so sánh số DN rút lui khỏi thị trường với số DN đăng ký thành lập mới ở thời điểm đầu năm để đưa ra kết luận rằng môi trường kinh doanh nhiều rủi ro hay bất ổn là chưa thuyết phục.

Nếu so sánh số liệu thống kê về số DN giải thể, ngừng hoạt động trên số DN đăng ký thành lập mới trong quý 1 giai đoạn 2013-2016 sẽ thấy ngay số DN giải thể, dừng hoạt động năm nay không phải là bất thường. Tuy nhiên, theo tôi, việc cảnh báo hiện tượng DN giải thể, tạm dừng hoạt động hàng loạt cũng là điều rất cần thiết.

* Vậy đâu là lý do khiến số lượng DN giải thể, dừng hoạt động tăng?

– Khi nói đến tình trạng tạm dừng hoạt động, giải thể, không thể bỏ qua quy luật chung đó là đào thải, thanh lọc. Những DN yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những DN mới với những ý tưởng kinh doanh chất lượng hơn. Như vậy, ở một góc độ nào đó, giải thể hay phá sản DN cũng giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, là cơ sở cho phát triển bền vững hơn.

Đặc biệt, với xu hướng khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, một lượng lớn DN mới được thành lập với những ý tưởng, mô hình kinh doanh hiện đại, vô hình trung thị trường ngày càng cạnh tranh. Nhiều mô hình, ý tưởng kinh doanh sẽ nhanh chóng bị thay thế, do vậy một số lượng DN giải thể tăng.

Ngoài ra, thủ tục tạm ngừng kinh doanh hiện nay đã được đơn giản hóa hơn rất nhiều, DN chỉ cần thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng DN tạm ngừng kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

* Các DN giải thể, dừng hoạt động thời gian qua có quy mô thế nào, thưa bà?

– Số liệu thống kê của chúng tôi cho thấy riêng trong quý 1-2016, những DN gặp khó khăn phần lớn đều là DN nhỏ. Trong hơn 12.000 DN tạm ngừng hoạt động, không đăng ký hoặc chờ giải thể, số lượng DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỉ đồng chiếm đến 92,5% (gần 11.120 DN), trong đó nhóm DN ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chiếm tỉ lệ cao nhất (36,1%). Đây là nhóm DN có tỉ lệ đào thải nhanh, thường theo thời vụ, thị hiếu của người tiêu dùng.

Ngược lại, vẫn có những DN quy mô nhỏ nhưng sản phẩm mang tính ổn định, có chiến lược kinh doanh bài bản… vẫn phát triển. Chẳng hạn, trong ba tháng đầu năm nay có hơn 7.100 lượt DN đăng ký tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 357.222 tỉ đồng, tỉ trọng vốn trung bình mỗi doanh nghiệp này cam kết đưa thêm vào thị trường là 50,3 tỉ đồng, gấp 6,4 lần so với số vốn đăng ký của DN mới thành lập.

Trong quý 1-2016, số liệu thống kê của Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN cũng ghi nhận sự gia tăng khá lớn của số DN thành lập mới với 23.767 DN, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với tỉ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 7,8 tỉ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ có giải pháp hỗ trợ gì nhằm giảm số lượng DN giải thể, dừng hoạt động?

– Chúng tôi đang triển khai xây dựng Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, với định hướng hoàn thiện khung pháp lý để tập trung các nguồn lực hỗ trợ phát triển khu vực này, dự kiến sẽ trình Quốc hội trong năm nay. Đặc biệt, luật cũng sẽ tạo cơ chế nhằm thúc đẩy DN sáng tạo, liên kết theo chuỗi giá trị và cụm liên kết có giá trị gia tăng cao.

Ngoài các biện pháp như hỗ trợ tài chính, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ mặt bằng, nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật…, luật cũng chủ trương xây dựng các chương trình, mục tiêu trọng điểm để trợ giúp các DN nhỏ và vừa tiềm năng trong nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của Nhà nước.

CẦM VĂN KÌNH – TRUNG HÀ