01/01/2025

Khi người trẻ sống ẩu

Nhiều bạn trẻ đang tự ‘giết’ bản thân mình vì những thói quen sống thiếu khoa học.

  

Khi người trẻ sống ẩu

 

Nhiều bạn trẻ đang tự ‘giết’ bản thân mình vì những thói quen sống thiếu khoa học.





Nhiều người trẻ phung phí sức khỏe qua việc cày game thâu đêm	- Ảnh: Xuân Phương

 

 

Nhiều người trẻ phung phí sức khoẻ qua việc cày game thâu đêm – Ảnh: Xuân Phương

 


Ước có sức khoẻ

Gần đây, người trẻ truyền tai nhau tâm thư của một cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) về những ăn năn hối hận trong khoảng thời gian SV đã sống thiếu khoa học, không quan tâm đến sức khoẻ bản thân để rồi bây giờ bệnh tật ập đến.
Nam SV này viết: “Nhớ về những năm tháng còn là SV, mình cũng được đánh giá vô cùng năng động, trong trường hay ngoài ngõ đều có những thành tích đáng kể… Thế nhưng, chân vừa bước ra khỏi cổng trường thì bệnh đã ập đến, phải cấp cứu ngay. Nghe tin dữ, gia đình và người yêu khóc ròng, ngày đêm cầu nguyện để mình qua khỏi. Cũng may phước đức nên mình qua cơn ngặt nghèo, nhưng đến giờ sức khoẻ vẫn vật vờ, so với ngày trước chỉ còn được 30%. Trái gió, trở trời, hay chỉ cần làm việc mạnh một chút, hoặc là đi chơi về muộn quá 10 giờ là bản thân cảm thấy khó chịu ngay, tay chân bủn rủn, mệt mỏi vô cùng. Nghĩ lại những tháng năm tuổi trẻ cảm thấy hối hận và tiếc nuối, giờ chẳng thể có những trải nghiệm lý thú nữa dù mới 23 tuổi”.
Chia sẻ của nam SV đã nhận được sự đồng cảm của cư dân mạng. Trên diễn đàn của Trường ĐH Luật TP.HCM nhiều SV đã “giật mình” khi thấy chính mình như đang ở trong bài viết.
Khi người trẻ sống ẩu - ảnh 1

Thành viên có tên Facebook là Sa Kura viết: “Trời ơi! Nếu như không có bài viết này chắc mỗi ngày mình tự giết mình quá. Cảm ơn tác giả nhiều lắm. Chúc anh mau chóng khoẻ bệnh”. Tương tự, thành viên Dị Phan bình luận: “Tắm đêm, nhịn ăn sáng, cú đêm cày phim… Có cái nào mà không có mình trong đó đâu. Cảm ơn người viết nhiều lắm. Phải lên kế hoạch sống khoẻ thôi”.
Rút ra từ bài học xương máu của mình, nam SV khuyên mọi người không nên bỏ bê bản thân, đừng đi chơi đêm quá nhiều, đừng nhịn ăn sáng, đừng ôm điện thoại khi ngủ hay ôm máy tính xách tay đến nửa đêm… kèm theo lời nhắn nhủ: “Khi chúng ta khoẻ, chúng ta có hàng trăm điều ước, nhưng khi không có sức khoẻ, chúng ta chỉ có duy nhất một điều ước là có sức khoẻ. Hãy là một SV sáng suốt, học hành tử tế, ăn chơi đàng hoàng, sức khoẻ dẻo dai và đừng như mình!”.
Đọc được tâm thư này, Lê Thị Lau, SV Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, rưng rưng nói: “Nghĩ đến ba mẹ ở nhà dành dụm từng đồng để nuôi mình ăn học mà mình trong này lại… Mình sống ẩu quá! Nếu một ngày nào đó mình cũng bị như anh này thì biết phải làm sao?”.
Biết nhưng vẫn mặc nhiên
Khi người trẻ sống ẩu - ảnh 2

Sống xa nhà, thiếu sự giám sát của gia đình, nhiều SV đang dần “bỏ quên” bản thân mình. Và nhiều câu chuyện đau lòng cũng từ đấy mà ra.
Nguyễn Thị Trúc Ly, cựu SV Trường ĐH Khoa học Huế, chia sẻ: “Thời SV do thời gian rảnh nhiều nên mình lao đầu vào xem phim. Xem riết rồi nghiện luôn. Nhiều khi xem phim mà quên ăn, quên ngủ thậm chí quên đi học. Suốt ngày cứ ngồi trong phòng ký túc xá. Lên đến năm 3 mình bị đau chân không đi được, khi đi khám thì bác sĩ bảo bị viêm khớp, mà nguyên nhân là do mình lười vận động”.
Giờ đây, cứ mỗi lần “trái gió trở trời” là chân tay Ly cứ sưng đỏ lên và không đi lại được. “Nhiều đêm đau quá không ngủ được mình khóc ròng rã. Nghĩ lại thấy ân hận quá. Mắt mình mờ hẳn đi vì ngày đó ôm máy tính quá nhiều”.
Hay câu chuyện của H.M.N, từng là SV Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, vì quá mê game mà ảnh hưởng đến thần kinh. Chị Ng.T.C, mẹ của M.N, nghẹn ngào kể: “Nó vốn là đứa học rất giỏi. 3 năm THPT đều đạt học sinh giỏi. Nhưng khi vào đại học không hiểu sao lại nghiện chơi game rồi lơ là việc học. Đến năm 2 thì lâm bệnh nặng và gia đình phải đưa về nhà để điều trị. Nhìn đứa con 21 tuổi đầu mà cứ ngơ ngơ như một đứa con nít, không nhận biết được cả cha lẫn mẹ, tôi như đứt từng đoạn ruột”.
Khi người trẻ sống ẩu - ảnh 3


Có những câu chuyện khi kể ra cứ như đùa. Đ.T.T (cựu SV Khoa Toán – Tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) ngại ngùng chia sẻ câu chuyện đáng buồn của mình. Vốn là một SV tỉnh lẻ nhưng vì không muốn bạn bè cười chê hay nói là “quê mùa” nên T.T thường nhịn ăn để sắm áo quần và son phấn. Do nhịn ăn thường xuyên nên dẫn đến đau dạ dày. “Thời SV mình đã đi cấp cứu vì đau dạ dày một lần, nhưng thật sự là thói quen vẫn không thay đổi. Lúc chưa đi cấp cứu mình vẫn biết nhịn ăn không tốt nhưng mình vẫn mặc nhiên. Để đến giờ thì hậu quả thật không lường được. Bác sĩ bảo mình bị vi khuẩn trong dạ dày. Nếu không chữa thì dễ dẫn đến ung thư. Nên bây giờ mỗi lần đi làm mình phải mang theo một đống thuốc và còn mang theo cả cháo để ăn, vì ăn ngoài cũng nguy hại cho dạ dày”, T.T buồn bã nói.
Cũng không hiếm những trường hợp đau dạ dày như T.T vì SV thường là “cú đêm” cày phim hay la cà quán xá… đến sáng lại ngủ bù, ngủ đến trưa thậm chí đến chiều mới dậy ăn uống. Nói về hậu quả thì ai cũng biết nhưng hầu như vẫn mặc nhiên, chuyện đến đâu hay đến đó.
Lối sống thiếu vận động, không điều độ dẫn đến các bệnh như béo phì, đái tháo đường típ 2, cao huyết áp, tăng mỡ máu, viêm khớp, loãng xương, viêm dạ dày, ung thư. Trong đó tăng mỡ máu, tăng huyết áp, stress, rối loạn giấc ngủ… là các yếu tố có nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch.
Cần phải hoạt động thể lực tối thiểu 30 phút với cường độ vừa phải, 5 lần một tuần. Ăn uống điều độ, đúng giờ, tránh bỏ bữa để không làm tổn thương niêm mạc dạ dày.  
 Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên (Khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM)


Nữ Vương