Đặt cọc nửa tháng mới mua được lúa
Xuất khẩu gạo tăng mạnh kéo theo giá lúa trong nước tăng cao trong những tháng đầu năm. Lúa nông dân thu hoạch tới đâu đều được thương lái thu mua tới đó, nhiều nông dân còn chủ động trữ lúa chờ giá lên.
Đặt cọc nửa tháng mới mua được lúa
Xuất khẩu gạo tăng mạnh kéo theo giá lúa trong nước tăng cao trong những tháng đầu năm. Lúa nông dân thu hoạch tới đâu đều được thương lái thu mua tới đó, nhiều nông dân còn chủ động trữ lúa chờ giá lên.
Lúa đông xuân muộn ở Long Phú (Sóc Trăng) cho năng suất thấp nhưng đổi lại bán được giá – Ảnh: C.Quốc |
Nguyên nhân lúa gạo hút hàng là do xuất khẩu gạo của VN đã tăng tới 50% trong quý 1 vừa qua so với cùng kỳ năm 2015, chưa kể nguồn cung giảm sút do tác động của hạn mặn.
Giữ lúa chờ giá
Trên cánh đồng ở xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng), ông Nguyễn Văn Thăm đang thu hoạch bốn công lúa đông xuân muộn (lúa giống IR 50404).
Lúa thu hoạch tới đâu đều được thương lái gom hết với giá 4.700 đồng/kg. Để mua được ruộng lúa này, thương lái đã đến liên hệ và đặt cọc với ông Thăm trước đó nửa tháng.
Theo ông Thăm, do bị ảnh hưởng hạn mặn khiến lúa không được no hạt nhưng giá mua như vậy là cao, tiếc là không có nhiều lúa để bán bởi mỗi công đất chỉ thu hoạch chừng 5-6 bao lúa, sản lượng chỉ bằng một nửa lúc bình thường.
Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh, giá lúa có xu hướng giảm trở lại và hiện ở mức 4.700-4.800 đồng/kg (loại IR 50404) và 5.100-5.200 đồng/kg (lúa hạt dài).
Dù vậy, theo cả nông dân và thương lái, đây cũng là mức giá khá cao so với các vụ trước. Một số nông dân thấy giá lúa giảm so với lúc cao điểm đã chủ động giữ lại lúa để chờ giá tăng mới bán.
Theo anh Kiên – một thương lái thu mua lúa lớn ở ĐBSCL, đa số thương lái để mua được lúa của nông dân thì phải đặt cọc trước.
Anh Kiên cũng cho biết lượng lúa trong dân không còn nhiều, đã bán cho thương lái hết, diện tích lúa còn lại trên đồng ruộng người dân cũng đang chần chừ, ngóng giá lên cao mới bán.
Bà Lê Ngọc Mai, một bạn hàng xáo vừa xong chuyến thu mua lúa ở huyện Châu Thành (An Giang) trở về, cho biết vụ đông xuân nhờ nắng nóng kéo dài đã giúp năng suất, chất lượng lúa đều cao.
Lúa khô ngay trên ruộng đỡ tốn công, chi phí phơi sấy nên nhiều doanh nghiệp tăng tốc đặt mua gạo số lượng lớn, từ đó thương lái cũng đẩy mạnh thu mua.
“Tuần qua giá lúa gạo giảm nhẹ nhưng nay đã tăng trở lại lên mức 5.000 đồng/kg” – bà Mai cho hay.
Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo ở quận Thốt Nốt (Cần Thơ) nhận định giá tăng thời gian qua là do hai nguyên nhân chính: sản lượng thực tế giảm khoảng 20% do ảnh hưởng của hạn mặn, thêm vào đó là tình trạng giữ lúa lại của nông dân và thương lái để chờ giá.
Hai điều này khiến năm nay nhiều kho lúa của doanh nghiệp không được đầy như mọi năm. Trong khi đó, nhu cầu mua lúa gạo của doanh nghiệp là khá lớn do xuất khẩu tăng rất mạnh trong những tháng đầu năm nay.
Xuất khẩu tăng mạnh
Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), trong ba tháng đầu năm 2016 VN đã xuất khẩu được 1,426 triệu tấn gạo các loại với giá trị trên 577 triệu USD.
So với cùng kỳ năm 2015, số lượng tăng tới 58% và cũng ở mức cao so với bình quân xuất khẩu trong quý 1 các năm trước đó.
Nguyên nhân do hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm 2015 còn nhiều, đặc biệt là hợp đồng tập trung với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại ký mới với Trung Quốc.
Đại diện VFA cho biết xuất khẩu gạo thời gian tới có khó khăn do giá lúa gạo nội địa ở mức cao dẫn đến mức chào bán của các doanh nghiệp cũng phải tăng lên, giảm sức cạnh tranh của gạo VN so với gạo Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan…
Hợp đồng đăng ký trong tháng 3 vừa qua chỉ đạt ở mức trung bình, giảm so với tháng 2 và giảm nhiều so với cùng kỳ 2015, chủ yếu là gạo thơm và nếp.
Tuy nhiên, VN cũng đang có trong tay lượng hợp đồng đã ký còn tương đối lớn sẽ tiếp tục tạo ra nhu cầu mua gạo của các doanh nghiệp.
Giá bán lúa của nông dân trong thời gian tới sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Bởi đến nay, hợp đồng còn lại cần giao hàng lên đến 1,4 triệu tấn, sẽ giữ được tiến độ xuất khẩu trong vài tháng tới, chưa tính các hợp đồng ký mới.
Mặc dù giá chào gạo trắng của VN đang ở mức cao so với các nguồn cung cấp khác, nhưng số lượng hợp đồng ký mới vẫn ổn định do phần lớn là gạo thơm và nếp.
Một trong những thị trường lớn nhất của VN là Indonesia chưa có kế hoạch nhập khẩu, trong khi Philippines có thông tin sẽ nhập khẩu tiếp 500.000 tấn gạo để giảm nhẹ tác động của hạn hán đối với cung cấp lương thực nước này nhưng chưa xác định thời điểm mua thêm.
Hiện các doanh nghiệp VN vẫn đang xúc tiến xuất khẩu thêm gạo vào thị trường Trung Quốc bởi nước này có nhu cầu và lợi thế cạnh tranh về khoảng cách với các nhà cung cấp khác.
Theo ông Phạm Hoàng Lâm – tổng giám đốc Công ty Hưng Lâm (An Giang), thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhu cầu với gạo VN nhưng doanh nghiệp cần để ý đến các chính sách biên mậu của Trung Quốc thay đổi thất thường.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Trung Quốc dự kiến nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo trong năm 2016, tương đương năm 2015.
Trong quý 1, Trung Quốc là nước mua lớn nhất của VN khi xuất khẩu gạo VN sang Trung Quốc theo đường chính ngạch tăng trên 50% và hợp đồng đã ký cũng tăng 23%.
Không lo thiếu gạo xuất khẩu Lãnh đạo ngành nông nghiệp một số tỉnh nhận định ĐBSCL với nhiều vùng sinh thái khác nhau có lịch thời vụ khác nhau. Ở mỗi vụ, việc xuống giống tập trung nhưng kéo dài nhiều đợt nên kỳ thu hoạch cũng rải đều kéo dài, từ đó khó có khả năng thiếu lúa gạo. Dự kiến xuất khẩu quý 2-2016 đạt 1,6 triệu tấn, cộng xuất khẩu 6 tháng là 3,026 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Chưa tính xuất khẩu qua biên giới không đăng ký. |