02/11/2024

Những thực phẩm và thuốc ‘kỵ’ nhau cần biết

Một số thực phẩm có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, thậm chí còn gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, theo Indiatimes.

 

Những thực phẩm và thuốc ‘kỵ’ nhau cần biết

 

Một số thực phẩm có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, thậm chí còn gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, theo Indiatimes.




Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock


Cà phê và thuốc hen suyễn. Bệnh nhân hen suyễn thường được cho dùng bronchodilators, loại thuốc giúp thư giãn các cơ trong phổi và mở rộng đường hô hấp. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc này bao gồm đánh trống ngực, căng thẳng và dễ bị kích thích. Khi trộn với caffeine, những rủi ro này càng tăng cao. Quá nhiều caffeine cũng làm hạn chế hiệu quả của thuốc trong trường hợp khẩn cấp.
Chuối và thuốc chống tăng huyết áp. Captopril là một loại thuốc thuộc nhóm ức chế men chuyển, có tác dụng làm giãn các mạch máu nhỏ, giảm sức cản ngoại vi, giảm mức tiêu thụ ô xy của tim nên có tác dụng chống tăng huyết áp, chống suy tim. Chuối rất giàu kali, nhưng đối với những người dùng thuốc captopril sẽ gây ức chế enzym chuyển dạng angiotensin. Vì vậy, khi dùng thuốc này cần tránh các thực phẩm giàu kali, để tránh gây rối loạn nhịp tim và đánh trống ngực.
Rượu và thuốc tiểu đường/giảm đau. Thuốc tiểu đường hoặc thuốc giảm đau thường đi kèm với cảnh báo tránh uống rượu. Lý do, rượu sẽ gây áp lực lên gan. Rượu, thuốc paracetamol và codein đều được chuyển hoá ở gan nên gan buộc phải làm việc vất vả hơn để phá vỡ rượu và thuốc cùng một lúc. Điều này có thể làm tăng tác dụng phụ của các loại thuốc, bao gồm buồn ngủ. Ngoài ra, khi gan làm việc quá sức có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan.
Rau lá xanh và thuốc chống đông máu. Rau lá xanh là một phần không thể thiếu của chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng khi đang dùng thuốc chống đông máu, như warfarin, thì cần phải hết sức cẩn thận. Nguyên do rau lá xanh rất giàu vitamin K và kết quả là nó sẽ giúp đông máu nhanh. Warfarin được thiết kế để ngăn chặn việc sản xuất vitamin K, cho nên nếu bạn đột nhiên ăn nhiều rau xanh, chắc chắn sẽ làm mất tác dụng của thuốc.
Cam thảo và thuốc điều trị bệnh tim. Cam thảo làm giảm kali trong cơ thể nên khá nguy hiểm cho những người mắc các bệnh về tim. Nồng độ kali thấp có thể làm tăng tác dụng phụ liên quan với digoxin, được sử dụng để điều trị suy tim sung huyết và nhịp tim bất thường. Các thuốc lợi tiểu để điều trị huyết áp cao hay bệnh tăng nhãn áp, suy tim và các vấn đề về gan, thận cũng không nên kết hợp với cam thảo, nếu không sẽ gây ra các tác dụng phụ như suy nhược, đau bụng và rối loạn nhịp tim.
Bưởi và thuốc hạ huyết áp. Nếu bạn đang dùng statin để hạ huyết áp, sau đó ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi là điều tối kỵ. Bưởi chứa một chất hoá học ngăn chặn cơ thể phá vỡ statin, từ đó dễ dẫn tới tác dụng phụ như đau cơ.
Sữa và thuốc chữa bệnh tuyến giáp. Tránh uống sữa trong thời điểm dùng thuốc chữa bệnh tuyến giáp. Nếu mắc bệnh suy giáp, bạn có thể được kê uống một loại thuốc cung cấp cho cơ thể các kích thích tố tuyến giáp cần thiết. Khi đó nên tránh tiêu thụ các sản phẩm sữa, bởi can xi có trong sữa có thể ngăn chặn sự hấp thụ của thuốc. Để chắc chắn, hãy chờ đợi 3 – 4 tiếng đồng hồ sau khi uống thuốc mới dùng sữa.
Cà phê và thuốc chống trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm có thể tương tác với cà phê và các sản phẩm chứa caffeine khác. Do chất caffeine trong cà phê làm tăng tác dụng của thuốc, có thể làm cho tác dụng phụ nặng hơn. Kết hợp cà phê và thuốc chống trầm cảm dễ dẫn đến chấn động, hoảng loạn và mất ngủ. Vì vậy, cách tốt nhất là không uống cà phê khi bạn đang dùng thuốc chống trầm cảm.
Chanh, cam và thuốc ho. Hãy cẩn thận với chanh hoặc cam nếu đang dùng các loại thuốc ho có dextromethorphan. Nhóm thực phẩm này sẽ can thiệp vào quá trình phân huỷ thuốc nhanh hơn, từ đó dẫn đến tác dụng phụ như ảo giác hoặc buồn ngủ. Tác dụng của các loại trái cây này có thể kéo dài trong 24 giờ hoặc nhiều hơn.

Hạ Yên