08/01/2025

Vì sao Mỹ không dám bắn hạ máy bay Nga?

Hai máy bay chiến đấu của Nga đã bay “vỗ mặt” tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ trên biển Baltic. Phía Mỹ mô tả động thái này là một trong những hành động hung hăng nhất trong thời gian gần đây.

 

Vì sao Mỹ không dám bắn hạ máy bay Nga?

 

 

Hai máy bay chiến đấu của Nga đã bay “vỗ mặt” tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ trên biển Baltic. Phía Mỹ mô tả động thái này là một trong những hành động hung hăng nhất trong thời gian gần đây.

 

 

 

 

 

Vì sao Mỹ không dám bắn hạ máy bay Nga?
Máy bay Su-24 của Nga vờn sát tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ trên biển Baltic – Ảnh: Reuters

Thật tình mà nói chúng tôi không hiểu được phản ứng quá dữ của đồng nghiệp Mỹ

Thiếu tướng IGOR KONASHENKOV 
(người phát ngôn 
Bộ Quốc phòng Nga)

Sự việc diễn ra khi tàu khu trục Mỹ USS Donald Cook vừa rời khỏi bến cảng thành phố Gdynia trong chuyến viếng thăm Hà Lan hôm 11-4 và đang hướng ra vùng biển quốc tế. Sự cố đầu tiên xảy ra ngày 11-4 khi hai chiến đấu cơ Su-24 của Nga lượn khoảng 20 vòng gần Donald Cook ở khoảng 30m phía bên trên con tàu.

Ngày hôm sau các chiếc Su-24 của Nga lại vờn thậm chí sát sườn Donald Cook hơn hôm trước. Một lần Su-24 bay chỉ cách tàu USS Donald Cook có 9m, tạo ra các con sóng trên mặt nước xung quanh tàu khu trục này.

Một sự cố tương tự từng xảy ra hồi tháng 6-2015 khi các máy bay chiến đấu của Nga bay gần một tàu khu trục Mỹ ở Biển Đen. Lúc này truyền thông Nga đưa tin rằng tàu USS Ross đã có những hành động “khiêu khích” nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ đã bác bỏ lập luận này.

Tuy nhiên, quan chức quân đội Mỹ trên cho biết theo quan sát thì các chiếc Su-24 này không mang theo vũ khí. Ngoài ra một chiếc trực thăng KA-27 của Nga cũng bay đảo vòng trên đầu USS Donald Cook những 7 lần để chụp ảnh.

BBC cho biết các máy bay của Nga đã không đáp lại những cảnh báo an toàn bằng tiếng Anh hay tiếng Nga. Reuters cho biết vùng lãnh thổ gần nhất của Nga trong khu vực này là cách 70 hải lý, trong vùng đất Kaliningrad nằm giữa Lithuania và Ba Lan.

Hôm 13-4, quân đội Mỹ cũng công bố những hình ảnh và các đoạn băng ghi hình những vụ vờn quanh tàu USS Donald Cook của máy bay chiến đấu Nga. Một trong những bức ảnh cho thấy chiếc Su-24 của Nga bay cực thấp và gần như sượt qua mũi tàu Donald Cook.

Các sự kiện trên gợi nhớ đến thỏa thuận song phương nhằm tránh những tương tác nguy hiểm trên biển được ký kết năm 1972 giữa bộ trưởng Hải quân Mỹ John Warner và đô đốc Xô viết Sergei Gorshkov.

Theo đó, thỏa thuận cấm “các cuộc tấn công giả định chống lại máy bay hoặc tàu, biểu diễn nhào lộn bên trên tàu hoặc thả các vật thể nguy hiểm gần đó”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest lên án: “Sự việc này hoàn toàn trái với các quy tắc tiêu chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động quân sự khi gần một hoạt động quân sự khác trong vùng biển hoặc vùng trời quốc tế”.

Phía Nga cũng nhanh chóng đáp trả. Hãng tin Reuters, ngày 14-4, dẫn lại Hãng thông tấn Interfax cho biết người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov, khẳng định các máy bay ném bom Su-24 của Nga “đã tuân thủ tất cả quy định về an toàn” khi bay gần tàu USS Donald Cook của Mỹ.

Ông Rick Hoffman, một sĩ quan hải quân Mỹ đã về hưu, nhận định trên tờ Navy Times về việc vì sao tàu Mỹ không nổ súng: “Chúng ta không phải trong giai đoạn chiến tranh với Nga. Không phải đơn giản cứ là nổ súng giết người nếu có ai đó chọc giận chúng ta”.

Ông giải thích thêm rằng theo quy định thì thuỷ thủ đoàn trên tàu không cần nổ súng nếu máy bay đối phương nằm trong tầm quan sát và nếu thấy máy bay không mang vũ khí – tức không phải mối đe dọa thật sự.

Tuy vậy, sự việc đã bị nhiều nước lên án như một hành vi khiêu khích không phù hợp. “Chúng tôi không thể xem điều này như cái gì khác ngoài sự khiêu khích, một ví dụ khác của một ý định hung hăng nhắm đến NATO, đến Mỹ, đến Hà Lan” – Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Antoni Macierewicz nói với Đài RMF.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về các cuộc diễn tập thiếu chuyên nghiệp và kém an toàn của Nga. Những hành động này có tiềm năng gây leo thang căng thẳng không cần thiết giữa các quốc gia và có thể dẫn đến một tính toán sai lầm hoặc một sự cố có thể gây chấn thương nghiêm trọng hoặc tử vong” – Bộ tư lệnh châu Âu của quân đội Mỹ thông báo.

Nghị sĩ J. Randy Forbes, chủ tịch Tiểu ban về các lực lượng và sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, sẵn đó lên tiếng: “Hoạt động của Hải quân Mỹ tại châu Âu phải được mở rộng để ứng phó trước mối đe doạ từ các hành vi quốc tế của Nga”.

ANH THƯ