02/11/2024

Trồng dưa hấu thích ứng với hạn mặn

Anh Danh Sà Ri (38 tuổi, ngụ ấp Bưng Cốc, xã Phú Mỹ, H.Mỹ Tú, Sóc Trăng) đã mạnh dạn chuyển đổi từ lúa vụ 3 sang trồng dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Tự tạo cơ hội: Trồng dưa hấu thích ứng với hạn mặn

 

Anh Danh Sà Ri (38 tuổi, ngụ ấp Bưng Cốc, xã Phú Mỹ, H.Mỹ Tú, Sóc Trăng) đã mạnh dạn chuyển đổi từ lúa vụ 3 sang trồng dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế cao.





Anh Ri tiếp tục xuống giống sau vụ dưa hấu vừa thu hoạch - Ảnh: Hoàng Vân

 

Anh Ri tiếp tục xuống giống sau vụ dưa hấu vừa thu hoạch – Ảnh: Hoàng Vân

Anh Ri cho biết những năm trước đây, anh làm lúa 3 vụ/năm nhưng lợi nhuận thấp. Bởi sản xuất lúa phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là làm lúa vụ 3 lại rất cần nước mưa và nguồn nước ngọt bơm hằng tuần lên đồng ruộng. Nhưng gần đây, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài, lượng mưa ít, kênh thủy lợi kiệt nước lại bị xâm nhập mặn nên sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn, năng suất thấp, chất lượng lúa giảm dẫn đến làm lúa không có lời, thậm chí thua lỗ do mất mùa hoặc rớt giá.
Làm chơi ăn thiệt
Từ thực tế đó, anh Ri tự tìm tòi, học hỏi nhiều mô hình trồng màu dưới ruộng, đặc biệt là trồng dưa hấu. Sau đó, được sự khuyến cáo, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp huyện, năm 2014, anh Ri thử nghiệm chuyển đổi gần 1.000 m2 đất sang trồng dưa hấu. Tuy chỉ mới thực hiện thí điểm nhưng cây dưa hấu đã giúp gia đình anh Ri có thu nhập gần 30 triệu đồng/năm.
Thấy dưa hấu dễ trồng, lợi nhuận cao, vụ đông xuân 2015 – 2016, anh Ri mạnh dạn chuyển hết 7.800 m2 đất trồng lúa vụ 3 sang trồng dưa hấu dưới ruộng. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, vụ dưa hấu vừa thu hoạch xong, đạt năng suất từ 3,5 – 4 tấn/1.000 m2. Anh Ri cho biết mặc dù thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng ruộng dưa hấu của anh phát triển rất tốt, cho năng suất cao. Mới đây, thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 4.500 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015 và ruộng dưa hấu của anh Ri bán được trên 100 triệu đồng. Sau khi trừ hết các khoản chi phí như công cải tạo đất, hạt giống, phân bón… gia đình anh còn lời trên 70 triệu đồng. “Nếu trồng lúa vụ 3 với diện tích trên có trúng lắm chỉ lời khoảng 12 triệu đồng, nhưng nhờ trồng dưa hấu thì lợi nhuận tăng gấp nhiều lần”, anh Ri nói và kể sau khi thắng lợi vụ dưa hấu đầu tiên, anh tiếp tục trồng thêm hành lá. Bởi theo anh Ri vào mùa khô hạn, hành lá bán được giá cao. “Tôi thấy mùa khô hành lá rất hiếm nên thử trồng xem thế nào không ngờ làm chơi nhưng ăn thiệt. Bởi vì tôi chỉ cải tạo 500 m2 đất để trồng hành lá nhưng sau đó thu hoạch được hơn 1 tấn, bán được 15 triệu đồng, trừ chi phí còn lời gần 13 triệu đồng”, anh Ri nói.
Mô hình thích hợp vùng hạn mặn
Chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dưa hấu, anh Ri cho biết sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu và đông xuân sớm, bà con không canh tác lúa vụ 3 mà chuyển sang trồng màu. Trong đó chủ lực là dưa hấu vì thời gian mỗi vụ chỉ 60 – 63 ngày, trong khi lúa phải từ 90 – 105 ngày mà lời cao gấp 4 lần so với lúa.
Theo anh Ri, sau khi cải tạo đất, bắt đầu xuống giống dưa hấu theo hình thức đào lỗ nhỏ, bỏ một ít tro trấu rồi trải màng phủ, tưới nước mỗi ngày 3 lần cho đến khi hạt nảy mầm thì chỉ tưới nước nhẹ 2 lần mỗi ngày. Khi dây dưa lớn thì tưới nước đậm mỗi ngày từ 1 – 2 lần. Sau đó sửa dây dưa cho nằm thẳng, tỉa nhánh để dây chủ phát triển tốt. Lúc dưa ra hoa phải thụ phấn để đạt hiệu quả cao, sau đó tỉa bớt chỉ chừa mỗi dây từ 1 – 2 trái và chỉ để trái trên dây cách gốc khoảng 15 lá, sửa trái dưa nằm cho đúng tư thế thẳng để trái dưa lớn tròn đều và đẹp.
Ông Dương Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết hiện ở xã Phú Mỹ đã có hàng trăm hộ dân mạnh dạn bỏ lúa vụ 3 chuyển sang trồng dưa hấu như anh Ri, bởi mô hình này rất hiệu quả đối với vùng đất bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ giúp nông dân tăng thêm thu nhập, tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Đặc biệt là giảm bớt được áp lực bởi tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất do nắng hạn và xâm nhập mặn gay gắt như hiện nay.

Hoàng Vân – Trần Thanh Phong