02/11/2024

Khó kiểm soát được chất cấm (!)

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN-PTNT tại diễn đàn “giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi” được tổ chức tại Bình Dương vào sáng 12.4.

 

Khó kiểm soát được chất cấm (!)

 

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN-PTNT tại diễn đàn “giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi” được tổ chức tại Bình Dương vào sáng 12.4.




Đàn heo bị tiêm thuốc an thần vừa qua được phát hiện ở Bình Dương - Ảnh: Đỗ Trường

 

Đàn heo bị tiêm thuốc an thần vừa qua được phát hiện ở Bình Dương – Ảnh: Đỗ Trường


Theo ông Việt, chất cấm được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là salbutamol (chất tạo nạc) và Auramine O (chất vàng ô). Chất vàng ô hiện nay chủ yếu được nhập từ Trung Quốc được sử dụng cho sản xuất giấy, nhuộm… “Chất vàng ô hiện nay mua bán trên thị trường rất dễ dàng, khó kiểm soát. Nguy hiểm hơn, một số cá nhân còn sử dụng chất này để làm vàng dưa muối, măng chua…”, ông Việt nói.
Măng chua, dưa muối cũng có chất cấm
Theo PGS-TS Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), nguy hiểm nhất là chất vàng ô vừa qua đã được phát hiện trong măng chua, dưa muối. Khi chất vàng ô tồn dư trong thức ăn sẽ gây ra ngộ độc cấp tính cho con người như méo miệng, phù nề, viêm nhiễm, mắt không khép được, liệt cơ; gây rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, tăng huyết áp và nguy cơ sảy thai.
Còn chất tạo nạc, theo ông Việt, được nhập bằng đường chính ngạch (chủ yếu từ Ấn Độ) để sản xuất thuốc chữa bệnh cho người. Chất này được trộn vào thức ăn để chăn nuôi heo. “Việc quản lý sử dụng chất cấm hiện nay cơ bản đã kiểm soát được nhưng qua khảo sát tỷ lệ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở Đồng Nai và TP.HCM vẫn còn cao hơn các tỉnh thành phía nam. Trong thời gian tới sẽ nổi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại đó là việc lạm dụng, sử dụng kháng sinh tràn lan trong chăn nuôi”, ông Việt cảnh báo.
Biết nhưng… chỉ khoanh vùng
Trong khi đó, thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, Phó phòng 5, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an, cho biết từ năm 2011, các doanh nghiệp đã nhập về trên 9 tấn chất tạo nạc, trong đó có trên 2 tấn đã bị bán cho đối tượng không dùng để sản xuất thuốc chữa bệnh cho người. Ông Thắng nói: “Chúng tôi xác định được các đối tượng sử dụng hơn 2 tấn chất tạo nạc này nhưng không thể khởi tố được vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên chỉ khoanh vùng, giám sát, theo dõi”. Cũng theo ông Thắng, từ ngày 1.7 tới, bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thì hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị xử lý hình sự.
Liên tiếp phát hiện 3 vụ măng ngâm ủ chưa rõ nguồn gốc
Ngày 12.4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Lâm Đồng) phát hiện tại nhà số 18B Trần Khánh Dư, P.8, TP.Đà Lạt, của bà Trần Thị Viễn Thương (32 tuổi), đang ngâm ủ hàng tấn măng tươi. Tiếp đó, đơn vị này phối hợp với Công an TP.Đà Lạt và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng tiến hành kiểm tra, lập biên bản thu giữ khoảng 6,4 tấn măng tươi đang ngâm ủ trong các bao ni lông do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan chức năng còn phát hiện 1 túi ni lông chứa khoảng 300 gr chất bột màu vàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc và chưa xác định được đó là chất gì. Bà Thương khai nhận chất bột vàng trên mua tại chợ Đà Lạt để về hoà với nước ngâm tạo màu cho măng theo yêu cầu của người mua, số măng trên mua của một người tên Phong (ngụ H.Ninh Sơn, Ninh Thuận) từ tháng 9.2015 về ngâm ủ để bán.
Ngày 11.4, Công an TP. Đà Lạt cũng phát hiện tại nhà số 48 Hai Bà Trưng của bà Trần Thị Thiên Hương (40 tuổi) đang ngâm ủ 800 kg măng không rõ xuất xứ và không đảm bảo an toàn vệ sinh. Công an TP.Đà Lạt đã lập biên bản tịch thu số măng trên. Trước đó, ngày 8.4, Công an TP.Đà Lạt đã phát hiện một kho chứa măng lộ thiên tại số nhà 42 Hàn Thuyên và chủ số hàng đã không xuất trình được hoá đơn chứng minh nguồn gốc lô hàng; nên lực lượng chức năng thu giữ toàn bộ gần 12 tấn măng ngâm ủ hoá chất chưa rõ nguồn gốc.
Lâm Viên

Đỗ Trường