Hong Kong – đất của tiền
Người ta nói rằng Phố Wall là “nơi đồng tiền không bao giờ ngủ”. Điều này dường như đúng cả với Hong Kong những năm gần đây.
“TÀI LIỆU PANAMA” – ĐỊA CHẤN THẾ GIỚI – KỲ 6:
Hong Kong – đất của tiền
Người ta nói rằng Phố Wall là “nơi đồng tiền không bao giờ ngủ”. Điều này dường như đúng cả với Hong Kong những năm gần đây.
Thị trường chứng khoán Hong Kong kết nối mạnh với Trung Quốc – Ảnh: Reuters |
“Chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng nhiều quy định nghiêm ngặt để ngăn chặn dòng tiền chảy ra ngoài và điều đó càng khiến các đường dây chuyển tiền lậu hoạt động mạnh |
David Webb (cựu lãnh đạo ngân hàng, nay trở thành người đấu tranh cho minh bạch tài chính) |
Qua “Tài liệu Panama”, người ta thấy rằng vùng lãnh thổ Hong Kong là điểm giao dịch chính cho nguồn tài sản chảy ra từ Trung Quốc lục địa. Công ty luật Mossack Fonseca cũng đánh hơi thấy thị trường béo bở từ Trung Quốc.
Công ty Panama này mở chi nhánh ở Hong Kong năm 1989, sau đó từ năm 2000 mở tiếp tám chi nhánh tại Trung Quốc đại lục.
Nhiều chiêu chuyển tiền
Tổng cộng Công ty Mossack Fonseca đã làm dịch vụ cho 16.300 công ty bình phong có chủ người Hoa, chiếm 29% tổng số công ty nước ngoài mà công ty luật này đang hỗ trợ.
Ông Andrew Collier, nhà phân tích của Orient Capital Research – văn phòng tham vấn đặt tại Hong Kong, giải thích lý do: “Người Trung Quốc đưa tiền ra nước ngoài qua các công ty bình phong vì kinh tế nước nhà có dấu hiệu chựng lại. Thị trường bất động sản sụp đổ sau thời kỳ phát triển bong bóng ở một số vùng tại Trung Quốc, rồi thêm mối lo từ chiến dịch chống tham nhũng sẽ có những ảnh hưởng đến nguồn tiền nên họ muốn chuyển ra ngoài”.
Trong tình hình đó, Hong Kong trở thành điểm lý tưởng. Luật của Trung Quốc quy định mỗi người dân chỉ được phép đưa tiền ra nước ngoài giới hạn ở 50.000 USD một năm.
Nhưng theo các nhà phân tích, một trong những mánh khoé để đưa được tài sản qua ngõ Hong Kong là hoá đơn giả: hàng hoá/tài sản từ Trung Quốc đại lục xuất đi sẽ được định giá thấp nhưng sau đó được nhân giá cao lên nhiều lần khi nhập vào Hong Kong. Tiền lời phát sinh sau đó được đưa vào các công ty bình phong.
Ông Collier khẳng định: “Nhiều người xác quyết rằng có một đường dây hoá đơn giả khổng lồ liên quan những tài sản giao dịch giữa Trung Quốc với Hong Kong và Hong Kong được dùng như bước đệm để đưa nguồn tiền đi nơi khác”.
Theo ông David Webb – cựu lãnh đạo ngân hàng, nay trở thành người đấu tranh cho minh bạch tài chính, thị trường chứng khoán Hong Kong thường dễ nhắm mắt làm ngơ về nguồn gốc của các công ty đăng ký giao dịch, bởi lẽ họ không muốn mất đi nguồn khách quá lớn từ Trung Quốc đại lục.
Ông Webb giải thích: “Bên Hong Kong áp dụng chính sách “không hỏi gì, không nói gì” (đối với nguồn gốc các công ty đăng ký) dù rằng họ biết tình trạng tham nhũng tại Trung Quốc”.
Là một sàn giao dịch lớn trên thế giới với giá trị vốn hoá của các công ty niêm yết lên đến hơn 1.700 tỉ USD, Hong Kong gần đây càng lớn mạnh nhờ các công ty từ đại lục.
Một ngõ khác để chuyển tiền tươi ra ngoài là ngõ du lịch dù Bắc Kinh quy định mỗi người dân chỉ được phép mang theo lượng tiền mặt không quá 20.000 NDT (tương đương 3.090 USD) hoặc lượng ngoại hối trị giá tương đương 5.000 USD. Nhưng cũng có những người sẵn sàng “mang giúp” tiền mặt qua Hong Kong để nhận tiền công.
Một cách khác để đưa tiền qua Hong Kong là “mua giả” bằng thẻ tín dụng: tức trả tiền mua hàng mà không nhận hàng và các chủ cửa hàng tại Hong Kong sẽ trả lại bằng tiền mặt để đổi lấy “chút đỉnh tiền công”.
Không dễ có bằng chứng
Với vụ rò rỉ tài liệu lần này, những cái tên có liên quan các lãnh đạo chính trị Trung Quốc một lần nữa cũng gây sóng gió. Dĩ nhiên ở đây vẫn chưa xác nhận việc lập công ty ở nước ngoài của họ là có nhằm mục đích tẩu tán tài sản hoặc có gì thiếu minh bạch hay không. Đó là chưa kể các nhà báo chỉ có những tài liệu cho thấy những cái tên cùng những công ty.
Vì lẽ đó, ngay từ hôm 4-4, tức một ngày sau khi báo chí quốc tế đồng loạt công bố những cái tên cộm cán có liên quan “Tài liệu Panama”, chỉ một tờ báo ở Trung Quốc lên tiếng về vụ việc là Thời Báo Hoàn Cầu.
Tờ báo không nêu rõ vụ việc liên quan những người thân của các lãnh đạo chính trị của Trung Quốc mà chỉ phản ứng theo kiểu phản bác “luận điệu sai trái” của phương Tây.
Tờ báo này viết: “Cứ mỗi lần có vụ rò rỉ tài liệu kiểu như vầy, truyền thông phương Tây lại nắm quyền kiểm soát việc diễn giải tài liệu và Washington cho thấy có một phần ảnh hưởng trong đó”.
Báo chí Trung Quốc gần như tuyệt đối không thông tin về vụ “Tài liệu Panama” dù rằng trong vụ này có nêu tên ông Deng Jiagui (Đặng Gia Quý) là anh rể của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Đặng được cho là có ba công ty, trong đó một lập năm 2004 (giải thể năm 2007) và hai cái khác thành lập năm 2009. Vì tài liệu cũng chưa giải mã nên không thể biết các công ty đó hoạt động kiểu gì, nhưng chỉ biết được hai công ty lập sau không còn hoạt động gì từ sau tháng 11-2012 là thời điểm ông Tập lên giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Một cái tên khác mới mà… cũ là bà Li Xiaolin (Lý Tiểu Lâm), con gái của cựu thủ tướng Lý Bằng. Tại Trung Quốc, bà Lý được mệnh danh là “nữ hoàng điện” vì nắm giữ những trọng trách trong các doanh nghiệp nhà nước lĩnh vực năng lượng.
Bà cùng chồng có một công ty tên Cofic Investments thành lập năm 1994 tại quần đảo Virgin thuộc Anh. Công ty này, do Mossack Fonseca làm dịch vụ, có nhiệm vụ hỗ trợ việc xuất thiết bị công nghiệp của châu Âu về cho Trung Quốc.
Một cái tên đình đám nữa là Jasmine Li (Lý Mạc Lợi), cháu của Giả Khánh Lâm – nhân vật số bốn của Bộ Chính trị giai đoạn 2002-2012. Hồi năm 2010, cô gái trẻ này sở hữu công ty tên Harvest Sun Trading khi mới vừa đặt chân vào ĐH Stanford ở Mỹ.
Không rõ nhờ tài năng và may mắn hay vì lý do khác mà doanh nghiệp dưới tay cô phất lên như diều. Cô hiện đang điều hành hai doanh nghiệp tại Bắc Kinh có số vốn 300.000 USD hoạt động trong các lĩnh vực giải trí và bất động sản.
Những tỉ phú, triệu phú tại Trung Quốc cũng thường mở doanh nghiệp bình phong thông qua hướng dẫn của Mossack Fonseca.
Bà Kelly Zong Fuli (Tôn Phức Lợi), con gái doanh nhân Zong Qinghou (Tôn Khánh Hậu), một trong những người giàu nhất Trung Quốc, từng nhờ Mossack Fonseca mở một công ty ở nước ngoài vào tháng 2-2015 với chức năng chính là… “đầu tư vào Trung Quốc”!
Thực tế là đến năm 2014, Công ty Mossack Fonseca mới biết bà Lý Tiểu Lâm và chồng đứng đầu một công ty bình phong do mình quản lý. Họ chỉ biết được điều đó khi có yêu cầu kiểm tra từ Uỷ ban kiểm tra của quần đảo Virgin thuộc Anh.
Tiến trình kiểm tra danh tính chủ sở hữu cho thấy một số kẽ hở trong thủ tục của Mossack Fonseca. Tuy nhiên trong lá thư trả lời nhóm nhà báo thuộc ICIJ, phía công ty luật khẳng định mình đã tuân thủ mọi quy định hiện hành liên quan những trường hợp bị coi là “có nguy cơ cao” (liên quan các chính trị gia).