02/11/2024

Kinh ngạc cáp treo Fansipan

Đã hơn 2 tháng kể từ khi cáp treo Fansipan khánh thành tới nay, mỗi ngày có hàng ngàn, hàng vạn người đã tự hào và hạnh phúc đặt chân lên nơi được mệnh danh là ‘nóc nhà Đông Dương’, ở độ cao 3.143 m.

 

Những công trình thế kỷ: Kinh ngạc cáp treo Fansipan

 

Đã hơn 2 tháng kể từ khi cáp treo Fansipan khánh thành tới nay, mỗi ngày có hàng ngàn, hàng vạn người đã tự hào và hạnh phúc đặt chân lên nơi được mệnh danh là ‘nóc nhà Đông Dương’, ở độ cao 3.143 m.





Ảnh: Sun group cung cấp

 

Ảnh: Sun group cung cấp


Nhưng ít ai biết rằng, để rút ngắn thời gian từ 2 ngày đi bộ hiểm trở xuống còn 15 phút ngồi cáp ngắm đất trời quê hương hùng vĩ, hàng ngàn lao động đã đánh đổi cả sức khoẻ, nước mắt và thậm chí là máu của mình trong suốt 2 năm trời thực hiện dự án này.
Sống trong… tủ lạnh


Những công trình thế kỷ: Kinh ngạc cáp treo Fansipan - ảnh 1
Cáp treo Fansipan là công trình khổng lồ, quá khó khăn vất vả. Có rất nhiều đồng nghiệp của tôi sau khi hoàn thành kéo cáp đã phải thốt lên rằng, họ sẽ không nhận thêm những công trình như vậy nữa
Những công trình thế kỷ: Kinh ngạc cáp treo Fansipan - ảnh 2

Reto Sigrist, chuyên gia thuộc Tập đoàn Doppelmayr Garaventa

Ngay sau khi giấy phép xây dựng có hiệu lực, 5 kỹ sư điện, cơ khí, trắc đạc… của Tập đoàn Sun Group, chủ đầu tư dự án cáp treo Fansipan cùng 300 công nhân đã “hành quân” theo đường bộ lên đỉnh. Dù xác định sẽ rất gian nan và cũng là những “chiến binh” đã từng tham gia cáp treo Bà Nà nhưng tất cả họ đều không thể tưởng tượng được cuộc sống khắc nghiệt mà họ phải đối mặt trên đỉnh Fansipan.

Trần Công Mỹ, một trong 5 người có mặt đầu tiên ở đỉnh Fansipan nói rằng chỉ có niềm tin mới khiến anh và các đồng nghiệp vượt qua thời tiết khắc nghiệt, vượt qua bệnh tật, vượt qua các rủi ro thường trực để “trụ” lại nơi đây cho tới ngày khánh thành cáp treo. Anh Mỹ kể, ngày đầu leo bằng đường bộ lên đỉnh núi, trời rét tê dại, gió thốc bốn bề như muốn thổi bay người xuống vực thẳm. Không nhà, không điện, không nước, không tiện nghi thiết yếu, thực phẩm thiếu thốn mà nhiệt độ thì luôn từ -2 độ đến -7 độ, ai nấy đều hoang mang và lo lắng. Trong cái giá rét cắt da, cắt thịt, họ lập cập căng bạt che gió làm nơi trú ngụ.
Giai đoạn này, công việc chính là đào đất tạo mặt bằng và thi công bê tông cốt thép. Toàn bộ đều làm thủ công vì không đưa được máy móc, thiết bị lên. Công việc bộn bề nhưng tiến độ hết sức ì ạch do thời tiết quá lạnh, cứ làm 15 – 20 phút lại phải chạy vào hơ tay cho bớt cóng rồi mới làm tiếp được. Có ngày, chỉ làm được vài giờ vì gió quá mạnh, sương mù và băng giá đặc quánh đỉnh núi thành một khối đông cứng.
Những công trình thế kỷ: Kinh ngạc cáp treo Fansipan - ảnh 3

Chỉ có niềm tin mới khiến các công nhân vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết

Làm đã khổ, ngủ còn khổ hơn. Dù mỗi người đều mặc một bộ quần áo cách nhiệt, áo chuyên dụng chống lạnh, áo len, để nguyên tất, giày, đội mũ và cuốn chăn kín mít nhưng vẫn không ngủ được. Đêm trở nên dằng dặc khi cái lạnh xuyên thấu vào trong xương tuỷ. Tuy nhiên, nỗi kinh hoàng đối với họ là gió và mưa đá. Nhiều đêm đang ngủ, gió thổi bay mất bạt, còn trơ một nhóm người rúm ró giữa không trung. Họ cố gắng bám vào nhau, bám vào đất, đá, vào bất cứ thứ gì quanh mình để không bị thổi bay, vừa cố gắng căng bạt, dựng lều. Đáng sợ hơn là những đêm mưa đá, bạt bị xé nát, đá lao thẳng vào người nhưng không ai còn biết đau khi quần áo, chăn gối ướt sũng trong cái rét -7 độ.
“Rét tê dại, liệt cứng hết cả chân tay, mụ mẫm hết cả tinh thần và thể xác. Cả đám lại lúi cúi căng bạt, đốt lửa lấy hơi ấm ngồi chờ sáng” – Nguyễn Hữu Trình, người có mặt từ ngày đầu tiên nhớ lại.
Trần Công Mỹ bảo, những ngày tháng đó, họ chỉ ước có thể ném bỏ hết các lớp áo giáp quanh mình, ném đôi giày nặng trịch dưới chân để “mặc quần đùi mà ngủ cho sướng”. Nhưng ước mơ giản dị ấy cũng trở nên quá viển vông khi họ đang sống “trong chiếc tủ lạnh” Fansipan.
Những tháng ngày không tắm gội


Tuyến cáp treo Fansipan Sa Pa được khởi công vào tháng 11.2013, do Tập đoàn Sun Group đầu tư và thực hiện với sự tư vấn, thiết kế của hãng cáp treo số 1 thế giới Doppelmayr Garaventa. Cáp treo có độ cao 3.143 m so với mực nước biển, khởi điểm từ thung lũng Mường Hoa đến đỉnh Fansipan. Mỗi cabin cáp treo có sức chứa tối đa 30 – 35 khách, công suất vận chuyển lên tới 2.000 khách/giờ, rút ngắn thời gian di chuyển lên đỉnh Fansipan xuống còn 15 phút thay vì 2 ngày đi bằng đường bộ hiểm trở. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của tổ hợp dự án là 4.400 tỉ đồng.

Nhưng cái khó khăn nhất là nước sinh hoạt. Suối thì ở tận vực xa, điện không có nên không thể sử dụng máy bơm. Mùa mưa, họ phải tận dụng địa hình để dẫn nước từ trên xuống nhưng đường ống thường xuyên bị đóng băng. Nước lẫn với đất. Đen kịt. Muốn có được chút nước có thể nấu nướng không đơn giản. Mùa khô, anh em phải cắt cử người thay nhau băng rừng xuống suối chuyển nước lên. “Ban đêm nhiệt độ luôn luôn dưới 0 độ nên nước đóng băng 1 – 2 cm trên bề mặt. Sáng dậy chúng tôi thường xuyên sử dụng nước đá để đánh răng. Lần đầu tiên không chịu nổi nhưng không có sự lựa chọn, riết cũng thành quen”, anh Mỹ nói.

Cũng vì thời tiết quá lạnh, tắm là khái niệm bị lãng quên của hàng ngàn công nhân làm việc tại đây. Trần Công Mỹ kể: “Khoảng 2 tháng em xuống núi 1 lần. Khi đi taxi, tài xế phải hạ cửa xuống vì người em bốc mùi nồng nặc. Mình còn không chịu nổi nữa là người ngoài”.
Thời gian đầu, lương thực phải thuê người dân tộc gùi lên bằng đường bộ nên thiếu thốn đủ bề. Bữa sáng chỉ có mì gói. Gặp lúc mưa to, tuyết rơi, thức ăn chưa kịp vận chuyển lên, họ ăn mì gói dài ngày. Đến mức một số người từ khi có cáp treo hoạt động đã thề rằng, từ nay đến hết cuộc đời, sẽ không ăn mì gói nữa vì quá sợ. Đặc biệt, suốt 7 tháng trời từ ngày đầu tiên lên đỉnh Fansipan tới khi có cáp công vụ, họ chưa bao giờ được ăn một bữa cơm chín vì nước không thể sôi 100 độ trong thời tiết quá băng giá. Thức ăn vừa đem ra đã nguội ngắt.
Nhiệt độ quá thấp, không khí loãng và công việc nặng nhọc, “đặc sản” ngày nào công nhân cũng nếm trải là chảy máu cam. Nguyễn Thành Nam, giám sát xây dựng, nhớ lại chảy máu cam ở ngoài trời khi làm việc là bình thường, nhiều lúc máu cam đổ cả xuống chén cơm đang ăn. “Lúc đó đã bao giờ anh nghĩ đến việc bỏ cuộc chưa?” – chúng tôi hỏi. Trần Công Mỹ đáp: “Nhiều lúc cũng nhụt chí lắm nhưng rồi cứ nghĩ đến quyết tâm khám phá hết giới hạn bản thân mà cả tập đoàn kêu gọi, chúng tôi lại xốc lại tinh thần. Vả lại, cứ nghĩ về những thế hệ cha ông đi trước cũng đã phải sống trong một môi trường còn khó khăn, gian khổ hơn để đấu tranh chống giặc ngoại xâm, mang lại cuộc sống yên bình cho mình ngày hôm nay là chúng tôi lại động viên, khích lệ nhau phải trụ đến cuối cùng”.
Nhưng không phải ai cũng thế. Cuộc sống thiếu thốn hầu hết các nhu cầu thiết yếu cộng với khí hậu khắc nghiệt, rủi ro luôn thường trực khiến hàng loạt người bỏ cuộc. “Cứ 10 người thì có 8 người không chịu được, bỏ về. Có khi vừa đưa được trăm người lên thì vài ngày sau, cả trăm người đều quay xuống vì không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt”, lãnh đạo cao cấp nhất của Tập đoàn Sun Group kể và cho biết, đó là những lúc anh thấy chán nản nhất trong cả quá trình 2 năm 3 tháng thực hiện cáp treo Fansipan. Ban đầu là các đội xây dựng ở Hà Nội, sau đó đến “quân” của các tổng thầu lớn… đầu hàng. Có người nửa đêm bỏ trốn khỏi lán trại khiến mọi người phải bổ vào rừng tìm kiếm vì sợ gặp rắn rết, sợ lạc đường đói khát có thể nguy hiểm tới tính mạng. “Cuối cùng, chúng tôi phải đưa người của tập đoàn từ miền Trung, đội quân đã từng làm Bà Nà, đã có thời gian sống trong rừng. Chỉ có họ và người dân tộc bản địa mới trụ lại được”, vị này nói.
Bất chấp những giá băng, bão tuyết, với những con người này, trên đỉnh Fansipan không chỉ có sự khắc nghiệt. Họ cảm thấy may mắn khi được ngắm những khung cảnh núi rừng hùng vĩ, những chiều hoàng hôn tím thẫm hay bình minh rực rỡ không ở đâu có được. Đặc biệt là vẻ đẹp tuyệt vời của hoa đỗ quyên, đặc trưng của Fansipan với hàng trăm màu sắc khác nhau đã khích lệ họ. “Hoa đỗ quyên cũng như chúng tôi. Tuy hoàn cảnh và điều kiện khắc nghiệt nhưng vẫn vươn lên đón đầu những con gió, đơm hoa rồi trổ bông rực rỡ. Sức sống mãnh liệt của loài hoa đỗ quyên cũng là một trong những niềm tin để chúng tôi tồn tại”, Trần Công Mỹ bảo thế.
Reto Sigrist, chuyên gia thuộc Tập đoàn Doppelmayr Garaventa, đơn vị tư vấn, thiết kế đã nói: “Cáp treo Fansipan là công trình khổng lồ, quá khó khăn vất vả. Có rất nhiều đồng nghiệp của tôi sau khi hoàn thành kéo cáp đã phải thốt lên rằng, họ sẽ không nhận thêm những công trình như vậy nữa”.
(Còn tiếp)

Nguyên Hằng