01/01/2025

Phiên chợ sạch

Trước thực trạng thực phẩm đang ngày càng bị nhiễm bẩn gây hại cho sức khoẻ người dân, nhiều bạn trẻ bắt tay vào những dự án mang thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.

 

Phiên chợ sạch

 

Trước thực trạng thực phẩm đang ngày càng bị nhiễm bẩn gây hại cho sức khoẻ người dân, nhiều bạn trẻ bắt tay vào những dự án mang thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.





Tấp nập kẻ bán người mua	- Ảnh: N.V

 

Tấp nập kẻ bán người mua – Ảnh: N.V


Phiên chợ “rau, củ quả” sạch đã được lập ra, gắn kết những hành động ý nghĩa cho thị trường…
Chợ bán… niềm vui
10 giờ 30 mỗi thứ sáu hằng tuần, tại số 149 Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM những nông dân trẻ lại bắt đầu họp chợ.
Đập ngay vào mắt mỗi người khi đến với phiên chợ là những dòng chữ thân thiện “Nông sản an lành, nông dân an tâm, nông thôn an hoà”. Không gian chỉ vỏn vẹn có 8 gian hàng nhưng đầy đủ các loại thực phẩm từ rau củ quả, trái cây đến thực phẩm tươi sống. Với tiêu chí lợi nhuận là thứ yếu, lợi ích cộng đồng là trên hết, phiên chợ thu hút rất đông khách hàng.
Phiên chợ vừa giúp những bạn trẻ có tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản của mình, vừa giúp cho nhiều người tiêu dùng tiếp cận nguồn nông sản chất lượng. “Tụi mình vốn biết nhau trong một cộng đồng nông sản thuận tự nhiên và muốn tập hợp lại để giúp được cho nhiều người hơn nữa”, Phạm Thị Tuyết Mai, chủ một gian hàng tại đây, chia sẻ.
“Tôi làm bên Q.5 nhưng đến thứ sáu lại tranh thủ chạy qua đây mua. Mua thực phẩm ở đây an tâm lắm, khác hẳn những thứ mua ngoài chợ. Mặc dù bề ngoài rau củ hơi xấu xí nhưng chất lượng rất đảm bảo”, khách hàng Lê Thị Bé chia sẻ.
Đứng cạnh Mai, chúng tôi thấy được sự ân cần của Mai khi một khách hàng hỏi: “Gạo này là gạo gì? Sao nhìn lạ quá vậy?”, Mai cười hiền rồi vừa chỉ vào bịch gạo vừa nói: “Gạo này là gạo lứt. Tức là gạo khi xay chỉ xay bỏ phần vỏ trấu, vẫn giữ lại lớp cám gạo rất nhiều chất dinh dưỡng nên rất tốt cho sức khỏe”.
Chính sự ân cần và xuất phát từ mục đích có ý nghĩa nên phiên chợ luôn tràn ngập những tiếng cười. Khách hàng thấy yên tâm, ưng ý rồi cười. Người bán thấy khách hàng vui họ cũng vui theo. Từ đó mọi người thường gọi vui đây là phiên chợ “cười”, phiên chợ bán… niềm vui.
Phiên chợ sạch 2

Tràn ngập tiếng cười

Chợ của những nông dân trẻ
Để có được nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng, có bạn đã dành nhiều thời gian và công sức đi tìm nguồn cung ứng, cũng có bạn dùng nguồn rau sạch của gia đình để chia sẻ với mọi người.
“Những sản phẩm mình mang đến đây đều ở trong vườn của ngoại. Ở quê mình, rau sạch thì ăn không hết còn ở thành phố thì thực phẩm bẩn tràn lan nên mình muốn san sẻ với mọi người”, Tuyết Trinh, chủ gian hàng nông sản Tiền Giang, chia sẻ.
Còn Nguyễn Văn Tiếng (quê ở Đồng Tháp), chàng trai mang sản phẩm từ mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi cá, vịt đến với phiên chợ. Tiếng kể từng là sinh viên du lịch nên được đi nhiều. Trong những chuyến đi đến các tỉnh miền núi phía bắc, Tiếng tình cờ phát hiện đồng bào ở các bản làng trồng lúa rất đơn giản. Họ chỉ gieo xuống và cây lúa phát triển tự nhiên mà không hề dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Khi về lại quê nhà, chàng trai bắt đầu suy nghĩ nếu mình cũng canh tác theo hình thức đó thì sẽ thu được nguồn thực phẩm sạch cho gia đình. Từ đó, Tiếng bỏ ngành du lịch và bắt đầu trở thành người nông dân thực thụ khi mới 22 tuổi.
“Lúc đầu mình chỉ nghĩ là giúp gia đình mình có thực phẩm sạch, nhưng sau đó thấy năng suất cao nên mình nghĩ đến việc mang sản phẩm ra thị trường”, Tiếng thổ lộ.
Mô hình của Tiếng là kết hợp trồng lúa, vừa nuôi cá và nuôi vịt trên chính thửa ruộng của mình. Tiếng lý giải: “Cá sẽ ăn sâu, bọ rầy đồng thời phân cá sẽ cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây lúa. Bên cạnh đó mình kết hợp với nuôi vịt vì vịt sẽ ăn ốc bươu vàng và những côn trùng gây hại cho cây lúa; phân của vịt cũng sẽ giúp lúa phát triển nhanh hơn”.
Đây là mô hình mà Tiếng tự nghiên cứu và thử nghiệm. Cũng chính nhờ mô hình này mà sản phẩm Tiếng mang đến phiên chợ rất đa dạng, bao gồm gạo, cá đồng các loại, vịt và cả trứng vịt.
Cũng còn rất trẻ như Tiếng, Mai, cô gái tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, bức xúc trước thực trạng nguồn rau không đảm bảo chất lượng đang tràn lan trên thị trường. Ra trường, với những kiến thức học được trên giảng đường cộng với sự mày mò nghiên cứu, Mai quyết định về quê xin đất ba mẹ để canh tác nông sản theo hình thức hữu cơ.
Mặc dù sở hữu thửa ruộng chỉ 1.000 m2 nhưng hiện tại sản phẩm của Mai không chỉ bán tại phiên chợ mà còn cung cấp rau cho các đơn vị kinh doanh rau hữu cơ.
Trong phiên chợ, Mai là cô gái được chú ý nhiều nhất, bởi nước da ngăm đen đúng chất của một nông dân “thứ thiệt”. Kể về những khó khăn khi bước vào nghiệp nông, Mai tâm sự: “Khó khăn lớn nhất là thuyết phục gia đình. Ba mẹ cứ giữ quan điểm có ai đi học đại học mà lại về xin đất làm nông? Hơn nữa mình là con gái nên ba mẹ chỉ muốn mình nhàn cái thân thôi. Nhưng dần dần thấy việc làm của mình có ý nghĩa nên mọi người đều ủng hộ”.

Nữ Vương