Do cơ sở hạ tầng không thuận tiện, thiếu các phương tiện và công cụ để tìm các tài liệu hoặc thiếu sự kết nối với các nhà tuyển dụng trong vấn đề thực tập và xin việc… nên đã có nhiều sinh viên khuyết tật bỏ học.
Lý do khiến sinh viên khuyết tật bỏ học
Do cơ sở hạ tầng không thuận tiện, thiếu các phương tiện và công cụ để tìm các tài liệu hoặc thiếu sự kết nối với các nhà tuyển dụng trong vấn đề thực tập và xin việc… nên đã có nhiều sinh viên khuyết tật bỏ học.
Trước những khó khăn như trên, từ cuối tháng 3.2016 đến tháng 12.2017, với sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland, Trung tâm khuyết tật và phát triển (DRD) tại TP.HCM triển khai dự án Tiếp cận giáo dục dành cho sinh viên khuyết tật.
Thiếu tài liệu, dịch vụ hỗ trợ…
Hỗ trợ phát triển cá nhân
Theo Trung tâm khuyết tật và phát triển tại TP.HCM, mục tiêu cụ thể của dự án là: Nâng cao năng lực cho sinh viên khuyết tật để thực hiện quyền tiếp cận và phát triển toàn diện; Nâng cao năng lực và hiểu biết của đội ngũ cán bộ, giảng viên về các vấn đề liên quan đến khuyết tật để có thể xây dựng chiến lược cung cấp hỗ trợ phù hợp; Phát triển mô hình hỗ trợ sinh viên khuyết tật tại trường ĐH, CĐ và có thể nhân rộng ứng dụng mô hình này sang các trường khác. Các hoạt động chính của dự án gồm: đánh giá nhu cầu, hỗ trợ sinh viên khuyết tật xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển cá nhân (như hỗ trợ học bổng, dụng cụ, người đồng hành…); tập huấn kỹ năng mềm; giới thiệu địa điểm thực tập, việc làm…
Đại diện DRD cho biết: Hầu hết sinh viên khuyết tật vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức khi tham gia học tập tại các trường ĐH, CĐ tại VN. Cụ thể: Nhiều trường ĐH, CĐ hiện vẫn chưa có dịch vụ hỗ trợ dành riêng cho sinh viên khuyết tật, khiến các bạn gặp nhiều khó khăn. Đã có rất nhiều trường hợp phải bỏ học giữa chừng, dù khả năng học tập của các bạn rất tốt.
Bị liệt đôi chân nên khi Lê Thị Liên rời quê Thanh Hoá vào TP.HCM trọ học, người mẹ của Liên cũng phải khăn gói vào theo để chăm sóc cho con. Hằng ngày, mẹ đưa Liên đến trường rồi vội vã đi rửa bát thuê cho người ta. Liên kể: “Em học ở Thủ Đức. Đường vào trường có những đoạn dốc cao, đôi chỗ có đá nên việc đẩy xe lăn khá khó khăn. Nhiều hôm lịch học xếp em vào những khu không có thang máy, khiến mẹ phải bồng em lên – xuống những bậc thềm cao”.
Còn Trần Phú, sinh viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bộc bạch: “Tụi em học ngoại ngữ rất khó khăn, bởi vì nguồn tài liệu và các phương tiện chỉ dành cho người sáng mắt”.
Dự án đầy tính nhân văn
Bà Nuala O’Brien, Phó đại sứ Ireland, cho rằng: Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), VN có khoảng 12 triệu người khuyết tật. Trong đó, chỉ có khoảng 0,1% tốt nghiệp ĐH; 6,5% có chứng chỉ nghề…
“Việc ít có cơ hội phát triển kỹ năng học tập, đào tạo cộng với định kiến còn ngặt nghèo càng khiến họ khó khăn hơn trong việc hòa nhập”, bà Nuala O’Brien tâm tư. Bà kể: “Tôi có thể chia sẻ câu chuyện cá nhân của tôi để thấy rằng thách thức trên không chỉ ở VN thôi, mà thậm chí ở cả những nước châu Âu phát triển như Ireland. Bố mẹ tôi có 12 người con, hoàn cảnh khi ấy rất nghèo khó. Anh tôi bị câm điếc bẩm sinh. Do người ta có những thái độ không tốt, không tôn trọng, không có những hỗ trợ và các thiết bị chuyên dụng nên anh tôi bị biến thành một người vô dụng. Họ đối xử với anh tôi như một công dân hạng hai chỉ vì anh ấy không thể nghe được”.
Bà Nuala O’Brien lạc quan: “Nhưng mẹ tôi là một người rất kiên cường khi bà từ chối những đánh giá của giáo viên rằng anh tôi sẽ không làm được gì cả. Ngày hôm nay, tôi rất tự hào để nói với các bạn rằng anh tôi là một người rất hạnh phúc và có ích với xã hội. Anh có tài năng, xưởng mộc của anh rất đông khách… Bởi vì chuyện cá nhân gia đình tôi như vậy nên tôi rất ủng hộ dự án này”.
Trước mắt, dự án này được triển khai thí điểm tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
Theo ông Bàng Anh Tuấn, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, dự án đã mở ra cơ hội mới cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này phát triển các khả năng của mình về mọi mặt.